Việt Nam lên tiếng về dự luật Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì Biển Đông
Tại họp báo Bộ Ngoại giao chiều ngày 21.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), trước tin Ủy ban Thượng viện Mỹ duyệt dự luật trừng phạt Trung Quốc.
08:00 22/10/2021
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bà Hằng khẳng định:
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia ven biển".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Vào ngày 20.10, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép cấm vận các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vì những hoạt động liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật sẽ cho phép cấm vận các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ quá mức tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cần tuân thủ UNCLOS và bảo đảm an ninh, an toàn ở Biển Đông
Cũng trong cuộc họp báo chiều nay, phản ứng của Việt Nam về sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, bà Hằng cho biết hải quân các nước khi hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ các quy định UNCLOS nhằm bảo đảm an ninh và an toàn trên vùng biển này.
"Chúng tôi đã được biết về thông tin này. Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về UNCLOS năm 1982 và các quy định, thông lệ liên quan khác", bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Connecticut thuộc lớp Seawolf đã va chạm một vật thể vào ngày 2.10, khiến 11 thủy thủ bị thương. Tuy nhiên, lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động bình thường. Sau đó, tàu ngầm Mỹ đã cập quân cảng Guam để kiểm tra. Đến nay phía Mỹ vẫn chưa cập nhật thông tin liên quan.
Mỹ khuyến khích và quản lý người dân làm từ thiện như thế nào?
Người Mỹ chi 471 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện trong năm 2020, mức cao kỷ lục kể từ khi nhà chức trách thống kê số liệu từ thiện.