Viết tiếng Việt ‘kiểu mới’ để tiết kiệm $34.8 triệu tiền giấy in?
Sau nhiều tranh cãi về đề xuất cách viết tiếng Việt “kiểu mới” để “giáo dục” thành “záo zụk,” báo Zing hôm 30 Tháng Mười Một dẫn lời ông Bùi Hiền, tác giả vụ này, nói: “Việc cải tiến ký tự viết sẽ góp phần tiết kiệm 8% giấy cho cả nước.”
05:02 02/12/2017
Tờ báo cho hay: “Thử nghiệm nhanh cho thấy cách ghi mới có sự giảm về mặt ký tự, nhưng tùy từng loại văn bản mà lượng giấy tiết kiệm được ít hơn. Con số giảm 8% giấy của PGS.TS Bùi Hiền là có cơ sở. Do cầu vượt cung, hàng năm, Việt Nam phải nhập một lượng giấy khá lớn. Trong đó, tổng lượng giấy in báo và in viết nhập khẩu lên đến 29% tổng giá trị nhập khẩu. Theo báo cáo năm 2016 của Tổng Cục Hải Quan, con số nhập khẩu này lên đến hơn 1.9 triệu tấn giấy, giá trị $1.5 tỉ. Nếu giả thiết cơ cấu nhu cầu giấy không đổi quá nhiều, con số giấy dùng cho việc in ấn sẽ vào khoảng $435 triệu. Tiết kiệm 8% số đó, mỗi năm Việt Nam dư ra $34.8 triệu.”
Cũng trong hôm 30 Tháng Mười, Bộ Giáo Dục-Đào Tạo phát đi thông cáo báo chí nói họ “trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học,” tuy nhiên để đưa đề xuất cải tiến chữ viết vào thực tế thì “cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhân dân và sự xem xét, quyết định của quốc hội, chính phủ.”
Đề xuất cải tiến cách viết tiếng Việt của ông Bùi Hiền bị nhiều văn sĩ, giới trí thức phản ứng gay gắt.
Nhà Nghiên Cứu Lại Nguyên Ân được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Nếu áp dụng cách viết tiếng Việt mới, tôi nghĩ sẽ rất tệ, kiểu như một trật tự cũ bị tuyên vô hiệu hóa, phải tốn rất nhiều thời giờ, công sức để sửa lại mọi hệ thống, từ thói quen viết chữ Việt trong nhà trường và ngoài xã hội, đến hệ thống báo chí, xuất bản, hệ thống văn bản của mọi tổ chức cơ quan… Rồi mọi hệ thống thông tin truyền thông có sử dụng chữ Việt, từ hãng tin nhà nước đến hãng kinh doanh nước ngoài có làm ăn với Việt Nam đều phải chỉnh sửa cho phù hợp với đối tác. Một chữ “đồng” chỉ đơn vị tiền Việt sẽ phải đổi là “dồq” – ví dụ thế – chắc chắn tiêu tốn nhiều tiền bạc cả cho các nhà nước và cá nhân người nước ngoài chứ không chỉ cho người Việt mình. Nói như thế vẫn chưa hết những phiền toái do vụ việc gây ra! Nhưng tôi đoán chắc không bao giờ chính phủ lại thực hiện thứ ‘dự án’ vô nghĩa và gây thảm họa này đâu!”
Nhà văn Vũ Thư Hiên đang sống ở Pháp, chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi đã xóa bài có nhắc tới kẻ mưu toan cách cái mạng chữ Việt quen thuộc trên trang này. Với tôi, nó xứng đáng vĩnh viễn biến khỏi đây. Bạn nào thích viết theo cách mới của y xin đừng viết gì vào trang này và vui lòng bỏ tên tôi khỏi danh sách bạn bè.”
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến ủng hộ như của Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội: “Trong hơn ngàn năm qua, tiếng Việt đã mấy lần thay đổi chữ viết, và nhiều lần cải tiến chữ viết, cách viết. Một vị phó giáo sư về ngôn ngữ và ngoại ngữ để xuất một cách viết mới tối giản, về âm giữ nguyên (theo chuẩn Hà Nội). Đáng ngạc nhiên rất nhiều người Việt lại gièm pha, cười cợt một sáng kiến rất nghiêm túc này. Rất có thể sáng kiến này bị xếp xó, nhưng cũng không loại trừ vài chục năm nữa được áp dụng, khi sáng kiến đó chứng minh sự tiện lợi cho chính người Việt và người nước ngoài học tiếng Việt. Bạn nghĩ gì, khi theo cách viết này, chúng ta có thể tiết kiệm đến 15% thời gian viết lẫn giấy viết? Một sự tiết kiệm khổng lồ, nếu tính gần 100 triệu người Việt. Nói nôm na, một nội dung 20 trang theo cách viết hiện nay, nếu viết theo kiểu của vị phó giáo sư này, bạn chỉ phải viết 17 trang cùng khổ cũng thể hiện đầy đủ nội dung đó, tiết kiệm 3 trang giấy, kèm thời gian viết tương ứng. Hãy trân trọng mọi công trình nghiên cứu, sáng kiến khoa học, đặc biệt nếu như bạn chưa từng có một nghiên cứu riêng nào về khoa học.”
Tiếng Việt phổ biến tại 4 bang của Mỹ sau tiếng Anh và Tây Ban Nha
Sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát cộng đồng American Community Survey được thực hiện bởi Cục điều tra dân số (Census Bureau), trong đó người tham gia được yêu cầu liệt kê những ngôn ngữ được sử dụng trong gia đình của họ, website Slate đã vẽ nên một tấm bản đồ những ngôn ngữ phổ biến nhất được sử dụng ở mỗi tiểu bang.