Vietnam Airlines vẫn chưa thể bay thẳng đến Mỹ
Rào cản pháp lý, chi phí khai thác cao, kỹ thuật… là những yếu tố khiến gần 20 năm qua đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn chưa được khai triển.
10:30 04/08/2019
Việt Nam đã ký hiệp định hàng không với Mỹ từ cuối năm 2003. Tuy nhiên đến nay chưa có hãng hàng không Việt Nam nào mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ.
Theo báo VNExpress ngày 2 Tháng Tám, 2019, trong nhiều năm, lý do chính khiến phía Mỹ chưa chấp thuận việc trên là vì Cục Hàng Không Việt Nam chưa được Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ (FAA) cấp chứng chỉ giám sát an toàn hàng không.
Đến năm 2012, Cục Hàng Không Việt Nam mới bắt đầu thực hiện đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không, nhằm vượt qua đánh giá chung của ICAO (Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế) và đánh giá của FAA.
Trong suốt bốn năm, các khiếm khuyết về giám sát an toàn trong ngành hàng không Việt Nam được điều chỉnh, khắc phục dưới sự giám sát của phía Mỹ. FAA đã thực hiện nhiều đợt rà soát kỹ thuật và đã đánh giá kết quả tốt cho an toàn hàng không của Việt Nam.
Đến tận Tháng Hai, 2019, ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, mới trao chứng chỉ công nhận “Năng Lực Giám Sát An Toàn Hàng Không Mức 1” (CAT 1) của FAA cho Cục Hàng Không Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vướng mắc về quyền vận chuyển qua nước thứ ba. “Trong trường hợp các hãng Việt Nam không đủ phương tiện bay thẳng thì phải dừng tại một nước ở khu vực Đông Bắc Á và cần được nước đó chấp thuận,” một chuyên gia hàng không giải thích về vướng mắc này.
Ngoài vấn đề pháp lý, yếu tố kinh tế cũng là lý do khiến đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ chưa thể thành hiện thực.
“Đường bay Mỹ là cầu nối hàng không hết sức quan trọng, nhưng việc chuẩn bị thị trường lại không hề dễ dàng,” ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), nói với VNExpress.
Theo ông Thành, trước đây VNA muốn mở đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ phải mất năm năm mới hòa vốn và có thể lỗ khoảng $30 triệu mỗi năm. Còn hiện nay nếu VNA muốn bay thẳng đến Mỹ thì phải tìm cách giảm lỗ xuống dưới mức vừa nêu.
Cũng theo ông Thành, do Việt-Mỹ là đường bay cạnh tranh gay gắt, giá vé thấp, chi phí khai thác cao nên VNA đang tìm cách hợp tác với các hãng hàng không khác để phối hợp nguồn khách, nguồn hàng…
Cùng với đó, để bay vào Mỹ, mỗi hãng hàng không phải hoàn tất các thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp và VNA cần khoảng hai năm nữa để chuẩn bị.
“Các dòng máy bay hiện tại vẫn chưa thể bay đủ tải tới Mỹ nên phải quá cảnh tại nước thứ 3. Tới đây, khi kỹ thuật máy bay phát triển hơn nữa thì chúng tôi mới có thể tính tới khả năng bay tầm xa và bay thẳng tới Mỹ,” ông Thành cho biết.
Một số chuyên gia thông tin thêm, để bay thẳng đến Mỹ thì máy bay của các hãng Việt Nam hiện có như B787, A350 phải giảm khối lượng hàng hóa, bớt số lượng khách so với thiết kế của máy bay, như vậy doanh thu bán sẽ chỗ giảm. Hoặc hãng phải mua thêm các dòng máy bay hiện đại hơn, đủ khả năng bay từ 13-15 giờ liên tục.
Đề cập việc hãng United Airlines đã bay đến Sài Gòn từ 2007, sau năm năm phải chấm dứt đường bay, hay hãng Delta Airlines cũng đã bay tới Sài Gòn và phải đóng đường bay sau đó, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân quan trọng nằm ở giá vé.
Hiện nhiều hãng hàng không khu vực khai thác đường bay đến Mỹ đưa ra giá vé từ $600 đến $800/khứ hồi, với một điểm dừng tại nước thứ ba. Trong khi đó, giá vé bay thẳng phải ở mức từ $1,200 đến $1,300/vé khứ hồi thì rất khó cạnh tranh.
Vấn đề an toàn kỹ thuật cũng là rào cản của đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ. Theo ông Hồ Minh Tấn, trưởng Phòng Tiêu Chuẩn An Toàn Bay, Cục Hàng Không Việt Nam, đường thẳng “chim bay” Hà Nội đến Los Angeles chỉ khoảng 12,000 cây số, nhưng không thể bay thẳng như vậy qua biển, vì phải tính đến phương án một động cơ máy bay có thể chết. Trường hợp bay gần bờ thì máy bay không thể đạt 15 giờ mà phải bay 17-18 giờ.
“Nếu mất một động cơ, các hãng phải tính toán máy bay duy trì được hành trình 5 giờ để chạy đến phi trường dự phòng, trong ngành hàng không điều này đòi hỏi kỹ thuật, giám sát của hãng phải rất tốt,” ông Tấn nói.
Thế nhưng mới đây, đại diện Bamboo Airways đã bày tỏ tham vọng mở đường bay thẳng đi Mỹ bất chấp những lo ngại rằng, hãng sẽ lỗ khi chưa có gì bảo đảm chắc chắn về số lượng khách.
Đại diện hãng này cũng khẳng định “sẽ xin chứng nhận khai thác an toàn để có thể bay thẳng đến Mỹ với thời gian tối ưu nhất là 15 giờ.” (Tr.N)
Vì sao ông Trump quyết ‘đánh’ Trung Quốc vào lúc này?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo sẽ áp thuế mới lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, sau khi diễn ra vòng đàm phán thương mại cấp cao song phương mà ông Trump nói là Trung Quốc nhượng bộ quá ít.