Visa hết hạn không có nghĩa du học sinh lưu trú ở Mỹ bất hợp pháp
Trong vài ngày qua, nhiều du học sinh lo lắng trước thông tin đáng quan ngại về dự thảo chính sách mới được cho là “đe dọa” trực tiếp đến tình trạng lưu trú của du học sinh Việt Nam trên đất Mỹ.
10:30 17/05/2018
Đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM trả lời thắc mắc trong một buổi tư vấn của Báo Thanh Niên về giáo dục Mỹ và visa du học
Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) vừa công bố dự thảo thay đổi chính sách quy định sự hiện diện bất hợp pháp của các sinh viên/học sinh và khách trao đổi, cụ thể là những trường hợp nhập cảnh Mỹ dưới dạng visa F,J và M.
Dựa trên thông tin này, nhiều thông tin cho rằng những sinh viên đang lưu trú tại Mỹ với visa loại F, M hay J sẽ bị xem là “hiện diện bất hợp pháp” ngay khi visa của họ hết hiệu lực.
Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi trực tiếp tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM chiều 16.5. Một viên chức ngoại giao đã làm rõ những thắc mắc của Thanh Niên liên quan đến chính sách nhiều khả năng sẽ được thực thi.
Đầu tiên, viên chức nhấn mạnh rằng đây chỉ là dự thảo chứ chưa được áp dụng trên thực tế. Website uscis.gov cũng ghi rõ phía Mỹ đang tiếp nhận phản hồi về nội dung dự thảo từ nay cho đến ngày 11.6.2018. Điều đó có nghĩa là chính sách có thể được thi hành hoặc không, hoặc có thay đổi về các điều khoản, theo viên chức Mỹ.
Thứ hai, visa là điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc nhập cảnh Mỹ, và thường được cấp một năm. Tùy theo mục đích học tập, du học sinh sẽ được cấp các loại visa cụ thể, như F và M. Trong thời gian đó visa còn hiệu lực, du học sinh sẽ được phép đến Mỹ. Một khi nhập cảnh và đăng ký vào học, du học sinh sẽ được nhà trường sẽ hỗ trợ cấp giấy tờ phụ hợp, chẳng hạn như I-20 công nhận là học sinh/sinh viên của trường và được lưu trú hợp pháp cho đến cuối chương trình.
Như vậy, dù visa hết hạn, du học sinh có thể tiếp tục ở Mỹ một cách hợp pháp, cho đến khi nào đối tượng vẫn tiếp tục theo đuổi việc học tập. Vấn đề visa chỉ gây ảnh hưởng khi du học sinh rời Mỹ trong thời gian này, chẳng hạn về Việt Nam nghỉ hè, ăn tết, họ phải xin lại visa để nhập cảnh một lần nữa trong trường hợp visa hết hạn.
Theo phía lãnh sự Mỹ, không hề có sự thay đổi trong chính sách được áp dụng hiện tại và chính sách chuẩn bị được triển khai.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất chính là mặt “kỹ thuật”. Theo đó, chính sách được đề xuất quy định ngay khi trường học ghi nhận một du học sinh đã rời trường (vì bỏ học hoặc tốt nghiệp hoặc chuyển trường), người này lập tức bị liệt vào dạng “lưu trú bất hợp pháp tại Mỹ”.
Còn chính sách hiện tại quy định rằng đối tượng chỉ bị liệt vào dạng “lưu trú bất hợp pháp” khi một quan chức Mỹ đề cập đến điều đó. Ví dụ, một du học sinh rời trường, không còn quy chế I-20 khi một quan chức Mỹ, như quan tòa về di trú, phán quyết rằng từ hôm nay người này hiện diện trên đất Mỹ bất hợp pháp.
Những cá nhân lưu trú bất hợp pháp hơn 180 ngày trong một lần nhập cảnh, sẽ bị cấm đăng ký visa từ 3 đến 10 năm.
Theo thống kê, hiện có hơn 31.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các chương trình ở Mỹ.
Theo Thanh niên
Học lại đại học ở Mỹ có tương lai không?
Đối với những người đã có bằng cấp tại Việt Nam, qua bên Mỹ vẫn cần phải học lại để lấy lại bằng cấp.