Visa Úc tạm trú 10 năm cho cha mẹ di dân sẽ tốn $20,000 và không được định cư vĩnh viễn
Chính phủ vừa công bố một visa mới, trong đó cha mẹ của các di dân có thể ở lại Úc tối đa 10 năm, nhưng sẽ không được định cư vĩnh viễn, và con cái của họ sẽ phải trả phí bảo hiểm y tế tư nhân.
11:52 06/05/2017
Australian government has announced a new visa for migrants’ parents. (Getty Images)
Nguồn tin độc quyền của SBS News cho biết, chính sách nhập cư mới nhất của chính phủ Turnbull sẽ cho phép khoảng 15,000 người mỗi năm được trả phí $20,000 để bảo lãnh cha mẹ đến Úc trong vòng tối đa 10 năm.
Visa mới này yêu cầu người bảo lãnh tự chi trả phí bảo hiểm y tế tư nhân cho cha mẹ của mình, cũng như chịu mọi trách nhiệm về tài chính trong suốt thời gian cha mẹ ở Úc.
“Người đóng thuế đang phải chịu một khoản phí tổn lớn để chăm lo y tế cho những cha mẹ di dân cao tuổi,” Thứ trưởng Di trú Alex Hawke nói với SBS News.
“Đó là vấn đề mà các chính phủ trên thế giới đang phải vật lộn để giải quyết.”
Theo chính sách mới, thì các đương đơn có thể đóng phí $5,000 cho visa 3 năm, hoặc $10,000 cho visa 5 năm, và có cơ hội gia hạn thêm 5 năm nữa với cùng mức phí.
Luật visa mới này sẽ giúp chính phủ giới hạn chi phí chăm sóc sức khoẻ đang gia tăng, và nếu được thông qua, có thể thu về hàng trăm triệu tiền phí visa cho Ngân sách. Nếu chính phủ nhận đủ 15,000 đơn xin visa trong năm đầu tiên, thì Bộ Ngân khố sẽ thu về 150 triệu Úc kim.
Tuy nhiên, những người giữ visa mới này sẽ không được làm việc, mà thay vào đó, chính phủ hy vọng họ có thể giúp chăm sóc trẻ nhỏ trong nhà, nhằm “giảm bớt áp lực cho hệ thống nhà trẻ”.
“Các ông bà di dân sẽ được phép, theo luật visa mới này, chăm sóc cho cháu nhỏ, để cha mẹ các bé yên tâm làm việc,” ông Hawke nói.
Thế nhưng, mức phí visa mới này đã bị chỉ trích bởi chuyên viên di trú Henry Sherrell đến từ Đại học Quốc gia Úc.
“Chi phí dường như là cao ngất đối với một visa tạm trú,” ông nói.
Ông cũng cho rằng mặc dù các loại visa tạm trú khác vẫn yêu cầu bảo hiểm y tế tư nhân, việc ngăn cấm các cha mẹ di dân được tiếp cận dịch vụ cứu thương và y tế cộng đồng là vô cùng bất thường.
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy người tạm trú phải tự lo liệu chi phí y tế công cộng tại đất nước này,” ông nói. “Mức bảo hiểm y tế tư nhân thượng hạng (premium) có thể sẽ rất cao.”
Quyết định giới hạn quyền tiếp cận y tế công cộng của các di dân cao niên đến từ phúc trình của Uỷ ban Năng suất vào năm ngoái, trong đó tiết lộ rằng chi phí y tế trọn đời trung bình của cha mẹ di dân là từ $335,000 đến $410,000.
Những cha mẹ di dân đến Úc theo diện visa mới này sẽ không được nộp đơn xin thường trú nhân sau khi visa hết hạn.
Chính phủ dự tính sẽ chính thức công bố visa này cùng với Ngân sách vào tuần tới, trong một động thái nhằm thực hiện lời hứa từ đợt tranh cử năm 2016. Nếu được quốc hội thông qua, thì visa sẽ được áp dụng từ tháng 11/2017.
Thay đổi này được đưa ra sau khi nhiều cộng đồng di dân thúc giục chính phủ cải tổ visa dành cho các bậc cha mẹ, do thời gian chờ đợi hiện nay quá lâu.
Theo SBS
Đến nước Úc, định cư và làm việc
Dự kiến các chính sách mới này sẽ được áp dụng bắt đầu từ tháng 7 năm nay bởi Bộ di trú Úc và cục di trú của các tiểu bang Úc.