Vợ chồng Việt - Mỹ dựng nhà trong rừng, sống tự cung tự cấp
Khi lấy chồng người gốc Amish, Yến Nhi xác định sẽ vất vả nhưng mọi thứ vượt xa tưởng tượng của cô khi bắt tay làm ngôi nhà gỗ hai tầng, đào ao và làm trang trại.
21:00 13/07/2023
Ban đầu vợ chồng Nguyễn Yến Nhi, 35 tuổi và ông xã John Lapp, 39 tuổi sống ở Lancaster, bang Pennsylvania, nơi có cộng đồng người Amish (tộc người chối bỏ thế giới hiện đại) lâu đời nhất Mỹ. John đã ra khỏi cộng đồng vào năm 2018, đi làm trong một công ty kỹ thuật, đủ nuôi vợ con. Nhưng cuộc sống hiện đại đi làm phải đóng thuế cao cùng nhiều quy tắc ràng buộc khiến anh nhớ cuộc sống làm nông, tự cung tự cấp của cộng đồng mình.
Anh bàn với vợ bán khu đất đang ở để mua chỗ mới rộng 8 hecta, nằm trên một quả đồi tại thị trấn Crossville, bang Tennessee. Dù không có bằng cấp về xây dựng, John tự thiết kế và xây dựng ngôi nhà chữ A với hai tầng nổi, một tầng hầm, tổng diện tích khoảng 300 m2.
Cuối tháng 9/2021, người chồng điều khiển máy phát cây, chọn chỗ đất thoai thoải, đào móng làm nhà. Người vợ vừa chăm con, vừa phụ chồng vận chuyển sắt thép, làm khung, trước khi đổ móng. Để tiết kiệm, họ mua vật liệu từ các căn nhà cũ ở bang khác rồi chuyển về.
Sang tháng 11, hai vợ chồng lắp dựng khung nhà. Họ định thuê người dựng tường và mái nhưng không tìm được ai nên lại tự làm, dù biết đây là công đoạn rất khó, một chút sơ sẩy có thể làm đổ vách về phía trước hoặc sau, nguy hiểm cho chính mình.
Thử thách tăng khi lên tầng hai. Lúc này, John phải làm việc trên các mái nghiêng ở độ cao cả chục mét mà không có đồ bảo hộ. Những lần anh nằm cheo leo bắn ốc vít, vợ phải nằm đè lên chân chồng để giữ cân bằng. Đó cũng là lần đầu tiên cô gái Việt học cách lái máy cẩu, cầm cưa xẻ gỗ, xẻ gạch, học cách đóng đinh, bắt ốc vít.
"Khi xem lại video chúng tôi cũng không dám tin mình có thể làm được", anh John chia sẻ.
Khó khăn nhất là gia đình là phải đi lại giữa hai bang. John vẫn đi làm lo kinh tế, nên mỗi tháng chỉ dành ra 7-10 ngày cho việc làm nhà. Mỗi đợt được nghỉ, từ nửa đêm hôm trước cả nhà lên đường, lái xe hơn 10 tiếng mới tới nơi. Trong khi mẹ con Nhi có thể ngủ trên xe ông xã thức, đến nơi lại lao vào làm.
Để tiết kiệm, gia đình mua một cái lều để ngủ ngay cạnh ngôi nhà đang làm dở. Yến Nhi nhớ mãi một đêm trời lạnh âm 5 độ C, gia đình nhỏ ba người không thể chống nổi sự buốt giá. "Đêm đó con bị ốm sốt, cả đêm quấy khóc. Chiếc đèn sưởi duy nhất lại hỏng. Chưa bao giờ tôi trải qua cái lạnh nào như thế", Nhi kể.
Dù chưa hoàn thiện, cuối tháng 12/2021 gia đình chuyển vào nhà mới. Hai tháng sau, chính quyền đến kiểm định công trình và phê duyệt cho kéo điện về nhà.
Song song việc hoàn thiện ngôi nhà, họ bắt tay làm vườn. Anh John điều khiển máy phát quang, đốn những cây trong rừng đem về chia lô, làm đất, lên luống và trồng rau trái.
Năm đầu tiên đến sống ở vùng cao nguyên này, họ gặp phải mùa khô hạn lịch sử. Khi nước suối hết, họ phải dùng nước mưa để tưới vườn. Khi nước mưa cũng hết, vườn khô hạn, bao nhiêu công sức mất sạch.
Hết nước, cả gia đình "sống như người tiền sử", không tắm, không giặt đồ, chén bát chất đống, thậm chí phải dùng tuyết tan chảy để sinh hoạt tạm. Những người hàng xóm biết chuyện động viên nhà Nhi đến lấy nước về dùng, nhưng cặp vợ chồng ngại không lấy. Một cặp vợ chồng lớn tuổi thương cảm nên đến đón vợ chồng Nhi, đem theo quần áo đến nhà họ tắm giặt, sinh hoạt cho đến khi có mưa trở lại.
Sau lần đó John nghĩ đến phải đào gấp một cái ao để trữ nước. Hiện tại một ao đã xong, anh đang lên kế hoạch đào thêm một chiếc khác lớn hơn gần suối.
Người Amish có truyền thống làm nông nghiệp lâu đời theo hướng bền vững. Vợ chồng John canh tác hữu cơ, họ mua phân bò về bón vườn, thuê máy bào mùn cưa để rải lên luống ngăn cỏ, làm đất tơi xốp. Trên một mảnh đất trồng nhiều cây trồng khác nhau để giúp đất khỏe mạnh, giàu chất dinh dưỡng, cũng như hạn chế sâu bệnh.
Nhưng trước khi muốn một vụ mùa bội thu, John muốn vườn mình phải đẹp. Anh chia khu vườn thành các ô, đóng khung gỗ và chia tầng như ruộng bậc thang. Hai bên nhà, John đắp tường bằng cả nghìn lốp xe. Anh chồng người Mỹ dự tính sẽ trồng lavender - loài hoa vợ yêu thích nhất.
Năm nay đất tơi xốp nên rau trái màu mỡ hơn. Hiện gia đình đang trồng bắp cải, bí, đặc biệt tập trung cà chua, dưa leo, các loại ớt, rau mầm vì có lượng khách quen ổn định.
Từ chỗ bán hàng ở một chợ nông sản, họ tìm hiểu thêm các chợ khác lân cận và hội chợ. Có những ngày hai vợ chồng chia nhau đi hai chợ, hoặc bán xong chợ phiên lại lái xe đến hội chợ bán tiếp. Nhờ đó gia đình có thu nhập, cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn. Sang mùa đông ít rau trái, anh John làm thêm nghề in 3D và làm thuê các công việc chân tay cho người dân trong vùng để có thêm thu nhập.
Sau gần hai năm, trên vùng đất trước đây là rừng nguyên sinh, cặp vợ chồng Việt - Mỹ đã xây nên một ngôi nhà xinh đẹp, kiên cố và vườn rộng mênh mông. Anh John chuẩn bị làm đường để xe chạy vào nhà và tương lai sẽ xây thêm vài ngôi nhà để cho thuê, nghỉ dưỡng.
"Việc cấp thiết trước mắt trồng một vườn cây ăn trái. Đó sẽ là nguồn thu của chúng tôi khi về già", cặp vợ chồng nói.
Cạn duyên – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa, bài học đắt giá cho hôn nhân
Đợi cho bà Phấn và ông Sơn ngồi xuống băng ghế, vị thẩm phán cầm tập hồ sơ nhẹ nhàng phân tích, ông bà đã chung sống cùng nhau được 46 năm, cuộc sống ngày trước vất vả như vậy còn vượt qua được, tại sao bây giờ cả hai đã già còn đưa nhau ra toà…