Vỡ òa trong tiếng vỗ tay: Vai trò của 1 giáo viên Yoga trong phiên tòa "giải cứu" giám đốc Huawei

Lấy tay gạt nước mắt, bà Mạnh cho biết trước đó bà đã nói với luật sư rằng "mục tiêu đơn giản duy nhất" của bà là được trở về nhà cùng chồng và con gái.

05:00 13/12/2018

Quyết định của thẩm phán

Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu được chính thức tại ngoại.

Quyết định nói trên đã nhận được loạt vỗ tay vang dội tại Tòa án Tối cao British Columbia - nơi chứng kiến loạt tranh luận căng thẳng về đơn xin bảo lãnh của bà Mạnh trong hơn 3 ngày vừa qua.

Bà Mạnh được thả với số tiền bảo lãnh là 7,5 triệu USD: trong đó có 5,2 triệu USD tiền mặt và 3 triệu USD tài sản từ những người liên quan khác. CFO Huawei sẽ ở lại Vancouver trong khi chờ quá trình pháp lí về thủ tục dẫn độ.

Bà Mạnh phải ở trong căn nhà tại đường West 28th Ave từ 23 giờ tối tới 6 giờ sáng hàng ngày, phải chịu quản lí 24/24 bởi nhân viên an ninh và một vòng điện tử đeo ở cổ chân. Bà cũng phải trả thêm các chi phí đảm bảo.

Mặc dù các hộ chiếu đã bị tịch thu, bà Mạnh vẫn có thể di chuyển quanh Vancouver, North Shore và một số khu vực ở Richmond trừ sân bay.

Bà Mạnh đã mỉm cười và gật đầu với chồng mình sau khi các thẩm phán đưa ra phán quyết. Lấy tay gạt nước mắt, bà Mạnh cho biết trước đó bà đã nói với luật sư rằng "mục tiêu đơn giản duy nhất" của bà là được trở về nhà cùng chồng và con gái.

Vỡ òa trong tiếng vỗ tay: Vai trò của 1 giáo viên Yoga trong phiên tòa giải cứu bà Mạnh - Ảnh 1.

Phiên tòa kết thúc trong quyết định cho bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại. Ảnh: Jane Wolsak/The Canadian Press/AP

Theo The Star Vancouver, trước khi đưa ra quyết định, Thẩm phán William Ehrcke phủ nhận những cáo buộc cho rằng bà Mạnh không di chuyển tới Mỹ để né tránh các cuộc điều tra và nói đó là "lập luận mang tính suy đoán và không có bằng chứng đáng tin cậy".

Một số quan chức Mỹ trước đó cáo buộc Huawei đã biết Mỹ đang điều tra các công ty con của hãng và do đó bà Mạnh không còn tới quốc gia này từ tháng 4/2017.

Trong một thông báo mới đây, Huawei chi nhánh Canada nhấn mạnh luôn tuân thủ pháp luật quốc tế, bao gồm các cấm vận đặt ra bởi Mỹ và EU. Tập đoàn này tin tưởng bà Mạnh sẽ được xét xử công bằng dựa trên nền tảng pháp luật.

"Chúng tôi hoàn toàn tin rằng hệ thống pháp lí Mỹ và Canada sẽ đi đến quyết định công bằng. Chúng tôi trông chờ vào giải pháp cuối cùng cho vấn đề này," một đại diện nói.

Những người bảo lãnh mới

Trong hai ngày đầu tiên xét xử, bên bào chữa đã đưa ra nhiều lí do để đảm bảo bà Mạnh sẽ không bỏ trốn nếu được tại ngoại.

Tòa án Canada hôm 11/12 đã đặt ra câu hỏi liệu chồng bà Mạnh - ông Lưu Hiểu Tông - có đủ uy tín để làm người bảo lãnh hay không - dựa trên cơ sở rằng tòa án không thể cấm chồng bà Mạnh rời khỏi Canada được. Ông Lưu không phải công dân Canada và visa của ông sẽ hết hạn vào ngày 6/2/2019.

Vỡ òa trong tiếng vỗ tay: Vai trò của 1 giáo viên Yoga trong phiên tòa giải cứu bà Mạnh - Ảnh 3.

Bà Mạnh Vãn Chu trong một bức ảnh chụp với gia đình. Ảnh: Tòa án Tối cao B.C.

Nhưng luật sư của bà Mạnh David Martin đã đưa ra một số nhân vật khác để hỗ trợ đảm bảo bảo lãnh.

Người đầu tiên là một nhà môi giới bất động sản tại Vancouver, từng giúp vợ chồng vị CFO mua hai căn nhà họ sở hữu hiện tại. Một căn được mua vào năm 2009, căn còn lại vào năm 2016.

"Chúng tôi gặp nhau hàng năm và tôi coi họ là những người bạn tốt," ông Robert Cheng nói. Ông Cheng đem căn nhà trị giá 1,3 triệu USD ra để bảo lãnh cho bà Mạnh.

Một cặp đôi khác tại Vancouver - một trong hai người từng làm việc với bà Mạnh tại Huawei từ những năm 1990 - cũng đem căn nhà trị giá 1,05 triệu USD để làm thế chấp bảo lãnh. Họ cho biết họ hiểu nguy cơ sẽ mất đi căn nhà này nếu bà Mạnh bỏ trốn.

Người xin bảo lãnh tiếp theo là một nội trợ có chồng làm việc tại Huawei và "hiểu bà Mạnh rất rõ". Đôi vợ chồng này đã đưa căn nhà 4,45 triệu USD vào danh sách tài sản xin tại ngoại cho bà Mạnh.

Cuối cùng, một giáo viên Yoga tên Peng cũng sẵn sàng nộp khoản tiền 37 nghìn USD tiết kiệm lương hưu để đưa bà Mạnh ra khỏi trại giam. Được biết, bà Peng là hàng xóm cũ của CFO Huawei và hai người đã từng có "khoảng thời gian tốt đẹp cùng nhau" khi bà Mạnh và ông Lưu sinh sống tại Vancouver. Ngoài ra, bà Peng tin rằng bà Mạnh sẽ không "làm tổn hại tài chính của mình" bằng việc bỏ trốn khỏi Canada.

Sự ủng hộ nhiệt tình cho bà Mạnh đã bắt đầu từ khi Scot Filer - CEO của công ty Quản lí Rủi ro Lions Gate và là cựu thành viên của Cảnh sát Hoàng gia Canada - cam kết nộp khoản tiền 1.000 USD để xin bảo lãnh.

Luật sư Martin đã khẳng định Lions Gate là một trong hai công ty tham gia vào việc đảm bảo an ninh cho bà Mạnh Vãn Chu.

Ông Lưu Hiểu Tông cũng trở thành đề tài được hai phía tranh luận. Luật sư Martin cho rằng visa của ông Lưu có thể sẽ được kéo dài bởi trên lý thuyết, ông Lưu có thể tiếp tục ở lại Canada cho tới khi hộ chiếu của ông hết hạn vào năm 2024 bằng việc xin gia hạn tạm trú.

Sau khi được tại ngoại, bà Mạnh sẽ tiếp tục phải tuân thủ thêm một số các điều kiện khác bao gồm bị cảnh sát kiểm tra đột xuất, báo cáo hàng tuần với giám sát viên cộng đồng ở Vancouver và phải tới tòa bất cứ khi nào được triệu tập.

Thẩm phán Ehrcke đã yêu cầu bà Mạnh quay trở lại tòa vào ngày 6/2/2019 để tiếp tục điều trần trong khi tòa chờ yêu cầu dẫn độ chính thức từ Mỹ.

Bà Mạnh đã bị bắt giữ khi đang chờ đổi máy bay tại Vancouver vào ngày 1/12 với cáo buộc gian lận. Hiện tại, chính phủ Mỹ có 60 ngày để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức tới tòa án Canada.

theo Thời đại

Tags:
Bloomberg: Mỹ 'cùm' được Huawei, nhưng Trung Quốc đã 'xích' được con cưng của Mỹ từ trước

Bloomberg: Mỹ "cùm" được Huawei, nhưng Trung Quốc đã "xích" được con cưng của Mỹ từ trước

Cây viết của Bloomberg đã dự đoán hậu quả khôn lường mà nhiều tập đoàn lớn của Mỹ sẽ phải đối mặt, nếu chính phủ nước này tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc như vụ Huawei.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất