Vợ Việt chồng Tây ăn Tết – Kỳ cuối: Gánh nặng mang tên… Việt kiều
Khi những người thân ở Việt Nam đang háo hức đón nhận những đồng ngoại tệ do con cái từ nước ngoài gửi về, thì ở nơi trời Tây lại là cả những nỗi lòng không biết nói cùng ai…
12:30 10/07/2018
Cuộc sống dạy cho chị Minh phải biết sống tự lập từ những ngày còn nhỏ. Năm chị đậu đại học, để có tiền đóng học phí và tiền chi tiêu hằng tháng, chị đạp xe đi dạy kèm, làm phục vụ trong quán ăn vào tất cả những thời gian rảnh rỗi.
Cũng nhờ những ngày tháng sinh viên đi làm thêm đó, chị Minh vô tình gặp gỡ và yêu một anh chàng người Mỹ, chính là người chồng hiện tại của chị.
“Thật lòng mà nói thì lúc đó tôi không nghĩ hai đứa đến được với nhau, anh là khách du lịch, ghé vào quán tôi đang làm phục vụ để ăn uống. Trong quán lúc đó chỉ có mình tôi nói được tiếng Anh, vậy là tôi ghi món giúp anh ấy. Sau đó thì anh xin số điện thoại và hai đứa nói chuyện thường xuyên hơn”, chị Minh kể lại.
Sau khi cưới và sang Mỹ định cư cùng chồng, chị chưa có điều kiện đi làm mà chỉ ở nhà lo nội trợ, sinh con và chăm sóc con nhỏ. Theo lời chị Minh, an sinh xã hội ở các nước phương Tây rất tốt, trong thời gian chị ở nhà nghỉ thai sản thì vẫn được nhận những khoản như tiền Kindergeld (tiền trẻ em), Elterngeld (tiền bố mẹ)…Thế nhưng chị Minh vẫn luôn sống trong cảnh thiếu thốn.
Chị tâm sự: “Tôi sống nghèo khổ từ nào giờ rồi, lấy chồng Tây được đi nước ngoài thì điểm khởi đầu của tôi vẫn tốt hơn anh chị em trong gia đình nhiều. Ban đầu mọi người chẳng ai đòi hỏi tôi phải gửi tiền về, nhưng vì tôi thương cha mẹ già yếu nên vẫn chủ động dành dụm tiền để gửi cho cha mẹ mua thuốc bổ uống. Riêng mấy dịp tết thì tôi sẽ bàn tính với chồng rồi cả hai cùng góp lại, gửi về gấp đôi, có khi gấp ba để cả nhà ở quê có thể mua sắm thứ này thứ kia thoải mái hơn”.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong khi chị Minh gửi tiền về nhà với tâm thế của một người con muốn chăm sóc, phụ giúp cha mẹ già thì đứa em trai của chị lại “dựa vào đó làm cái cớ để vòi tiền”.
“Tiền đô quy đổi ra tiền Việt thì có giá trị, nhưng với mức sống bên này thì dù vợ chồng tôi có mua nhà Mỹ vẫn không thể nào sống giàu có được. Mấy trăm đô gửi về hàng tháng cũng là tiền đi làm thêm hàng chục tiếng đồng hồ đầu bù tóc rối chứ không phải dễ mà có”, chị trải lòng.
Có nhiều tháng gia đình ở Mỹ của chị Minh cần chi tiêu nhiều hơn, chị đã lạm vào số tiền để dành và chậm trễ gửi về cho gia đình ở Việt Nam, em trai chị ngay lập tức gọi điện sang với ý “nhắc nhở”. Chị nói, đôi lúc thèm lắm được nghe em trai hỏi thăm đôi ba câu, mà chỉ thấy hỏi tiền, “có thì vui vẻ, cười nói, không có thì mặt nặng mày nhẹ, còn trách mình “keo”, có tiền mà không phụ giúp gia đình”.
Chị kể tiếp, khi tâm sự với chồng về văn hóa người Việt là con cái phải giúp đỡ gia đình, “may mắn là anh ấy rất tâm lý, anh nói tôi đừng quá lo lắng hay suy nghĩ nhiều, có gì hai vợ chồng cùng cố gắng làm”.
Vậy là… chồng chị làm tăng ca nhiều hơn, chị cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi thì đi xin rửa chén bát cho nhà hàng Việt gần nhà. Chị tâm sự: “Tết nhất ai cũng mong muốn được về quay quần bên mâm cơm gia đình, tôi cũng ước được về nhưng không thể. Tiền đi lại rất tốn kém, thay vì vậy thì tôi ở lại bên này, gửi tiền về cho cha mẹ ăn cái tết đầy đủ một chút. Chỉ mong một ngày em trai tôi suy nghĩ chín chắn hơn, đừng trách móc người xa xứ như tôi nữa… Chỉ có vậy tôi mới có thể mong đến một năm được cùng chồng con về ăn tết tại quê nhà”.
Mùa Hè đi bắt cá lên bờ ở Nam California
“Có cái gì trắng trắng trên tay của con!” Cậu bé la toáng lên vui mừng khi cậu bắt được một con cá vừa mới lên bờ.