Vòng tuyển sinh khắc nghiệt của trường Y nước Mỹ

Các trường Y ở Mỹ đưa ra hàng loạt thử thách cho ứng viên khi tuyển sinh nhằm đảm bảo họ có thể theo đuổi được con đường nhiều khó khăn và thử thách sau này.

14:28 30/05/2023

Y khoa là ngành học đắt đỏ hàng đầu ở Mỹ với học phí chừng 60.000 USD (1,4 tỷ đồng) mỗi năm. Thống kê từ Hiệp hội các trường Y của Mỹ cho biết số ứng viên đăng ký vào ngành này năm 2021 tăng gần 38% so với 9 năm trước.

Tỷ lệ chấp nhận vào các trường Y năm 2023 trung bình là 4%, thậm chí có trường ở mức 0,43% trên tổng số ứng viên nộp đơn, thấp hơn so với nhiều ngành học khác như Kỹ thuật, Công nghệ, Kinh doanh.

Trịnh Mai Chi, 25 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Y khoa với học bổng 100% học phí tại Đại học Johns Hopkins, cho biết để ứng tuyển vào một trường Y ở Mỹ, thí sinh cần có bằng cử nhân, không phân biệt ngành học. Tuy nhiên, các trường đưa ra rất nhiều yêu cầu, nhiều vòng đánh giá khắt khe, nghiêm ngặt.

"Đó thực sự là một quy trình khắc nghiệt", Chi nói. Cô gái Hà Nội từng là học sinh lớp chuyên tiếng Đức, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, giành học bổng sang Mỹ theo học cử nhân ngành Hóa Sinh ở Đại học Wellesley năm 2016.

Trịnh Mai Chi trong khuôn viên Đại học John Hopkins, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trịnh Mai Chi tại Đại học Johns Hopkins, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Chi, hai tiêu chí quan trọng là thành tích học tập ở đại học (điểm GPA) và điểm MCAT (Medical College Admission Test) - bài thi của Hiệp hội các trường Y ở Mỹ (AAMC).

Trong đó, MCAT có 4 phần, gồm: Cơ sở sinh học và hóa sinh của hệ thống sự sống; Cơ sở hóa học và vật lý của các hệ thống sinh học; Cơ sở tâm lý, xã hội và sinh học của hành vi và Kỹ năng Phân tích phản biện và lý luận. Mỗi phần thi có 53-59 câu hỏi, kéo dài 90-95 phút, điểm tối đa của bài thi là 528.

Thống kê của US News theo dữ liệu các trường Y được xếp hạng năm 2021 cho thấy điểm GPA đại học của những sinh viên trúng tuyển là 3,77/4, điểm MCAT đạt 512/528.

Một điều kiện khác để nộp đơn vào trường Y là ứng viên phải hoàn thành một số môn học bậc đại học như Sinh học, Vật lý, Toán học (lý tưởng nhất là khóa học về giải tích và thống kê), Hóa học (phải gồm hóa học đại cương, hóa hữu cơ và hóa sinh). Các môn này đều đòi hỏi kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra là Tâm lý học, Xã hội học, tiếng Anh (tương tự Ngữ văn ở Việt Nam) hoặc viết chuyên sâu.

Một số lớp không bắt buộc nhưng có thể giúp ứng viên thêm lợi thế như: Nghệ thuật hoặc âm nhạc (để tăng kỹ năng quan sát bằng thị giác hoặc thính giác); Các khóa học liên ngành về cái chết và sự đau buồn (để chăm sóc những bệnh nhân sức khỏe kém hoặc giai đoạn cuối); Ngoại ngữ (để giao tiếp với bệnh nhân không biết tiếng Anh); Nhân học y tế hoặc Lịch sử, Tôn giáo.

Khi nộp đơn ứng tuyển năm 2021, Mai Chi có GPA đạt 3,97/4, trong top 5% cao nhất về điểm số của Đại học Wellesley; điểm MCAT đạt 519/528, thuộc top 3% cao nhất toàn nước Mỹ. Cô cũng hoàn thành 15 môn học khác song song với chương trình ngành Hóa Sinh, trong đó có môn Văn học quốc tế, Xã hội học... bằng cách đăng ký vào các lớp có sẵn ở trường.

Từng làm việc 4 năm ở bộ phận học thuật của một bệnh viện ở thành phố Reading, bang Pennsylvania, Nguyễn Phương Anh, 27 tuổi, nói về cơ bản đây là những yếu tố đầu vào bắt buộc, dù một số đại học có thể ưu tiên nhất định cho nhóm sinh viên da màu hay những người thuộc thế hệ thứ nhất trong gia đình học đại học.

Tuy nhiên, điểm số các môn học và bài thi MCAT xuất sắc là chưa đủ. Trong một bài báo trên US News hồi tháng 8/2022, Keith Baker, trợ lý trưởng khoa tuyển sinh trường Y của Đại học liên bang Virginia, nhận định hai nguyên nhân phổ biến nhất cản trở ứng viên là thiếu kinh nghiệm lâm sàng và hoạt động cộng đồng.

"Bạn phải tiếp xúc lâm sàng", ông nói, cho hay qua đó các trường Y biết một ứng viên có nghiêm túc về con đường đã chọn hay không. Thông thường, các ứng viên mạnh có vài trăm giờ kinh nghiệm, có thể từng là tình nguyện viên trong các cơ sở y tế hoặc trợ lý cho bác sĩ. Theo ông Baker, 50 giờ trải nghiệm lâm sàng là con số tối thiểu để một ứng viên được nhận vào trường Y. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm "đo lường sự tử tế" của ứng viên.

Ngoài ra, theo Mai Chi, kinh nghiệm nghiên cứu hoặc bài báo quốc tế cũng được xem xét. Vì biết rõ những điều này nên mùa hè của Chi ở đại học luôn gắn liền với hoạt động tình nguyện và thực tập, nghiên cứu.

Hè năm thứ hai, Chi thực tập tại Viện ung thư Dana Farber và Bệnh viện trẻ em Boston thuộc trường Y Harvard, nghiên cứu y học chuyển đổi từ cơ bản sang lâm sàng về u nguyên bào thần kinh ở trẻ em. Sang năm ba, cô nghiên cứu y học lâm sàng về bệnh viêm da cơ ở trẻ em tại bệnh viện của trường Y Northwestern. Tại đây, Chi hỗ trợ giáo sư phân tích dữ liệu từ hơn 3.000 lần khám trong khoảng 20 năm của 600 bệnh nhân để tìm ra tiêu chí chẩn đoán mới, khách quan hơn.

Chi còn điều hành tổ chức thiện nguyện Blue Cancer Society gây quỹ cho các bệnh nhân ung thư, kêu gọi đăng ký hiến tủy, tổ chức các buổi nói chuyện truyền cảm hứng của người chiến thắng ung thư, dạy toán và khoa học cho học sinh các gia đình nhập cư khó khăn ở Boston.

Cô cho hay, tất cả trải nghiệm này giúp ứng viên hiểu về con đường sẽ đi, có sự thấu hiểu, đồng cảm với người bệnh, cộng đồng và thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ cho họ.

Tân sinh viên được khoác áo blouse trắng trong ngày nhập học trường Y, Đại học Vanderbilt, năm 2019. Ảnh: Vanderbilt University Medical Center.
Tân sinh viên được khoác áo blouse trắng trong ngày nhập học trường Y, Đại học Vanderbilt, năm 2019. Ảnh: Vanderbilt University Medical Center.

Sau điểm số và kinh nghiệm lâm sàng, các trường Y còn xem xét thêm nhiều yếu tố khác.

Phương Anh dẫn một nghiên cứu trên tạp chí học thuật của AAMC cho thấy sự thay đổi về tuyển sinh vào trường Y từ năm 1980 đến nay. Nếu trước kia, điểm GPA và MCAT được coi là dữ liệu quan trọng nhất để hội đồng tuyển sinh đưa ra quyết định thì từ năm 2008, đây chỉ còn là yếu tố để xem xét việc mời một ứng viên đến phỏng vấn. Vòng này được coi là yếu tố quyết định việc ai sẽ được chọn.

Mai Chi nói nộp hồ sơ mới là vòng 1, ở vòng 2 ứng viên được yêu cầu viết bài luận theo chủ đề mà trường đưa ra. Sau hai vòng, khoảng 30% số ứng viên được gọi phỏng vấn. Trường chủ yếu hỏi về những thông tin ứng viên đã khai trong hồ sơ để chắc chắn họ thực sự làm và hiểu về những gì đã viết. Điều quan trọng là qua phỏng vấn, hội đồng tuyển sinh muốn biết ứng viên tương tác với người xung quanh thế nào.

"Ngành Y phải làm việc với nhiều người, không chỉ bệnh nhân nên bác sĩ cần biết ứng xử, giao tiếp rõ ràng", Chi nói.

Phương Anh cho hay những sinh viên Y mà cô từng gặp nói một tiếng đồng hồ của vòng phỏng vấn thực sự cân não. Nhiều tình huống, câu hỏi được đưa ra để ứng viên bộc lộ mọi khía cạnh, họ khó che giấu điều gì.

Do đó, Chi nói việc một số trường ở Việt Nam đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y không hẳn vô lý. Thực tế, bài thi MCAT có nội dung về Tâm lý học, Xã hội học và Văn học. Tuy nhiên, phần Văn học của bài thi này đòi hỏi thí sinh phải đọc hiểu ở mức phức tạp, không phải là phân tích tác phẩm.

"Thông qua phỏng vấn, yêu cầu về kiến thức xã hội học, nhân văn học hay môn Văn trong MCAT, hội đồng tuyển sinh có thể đánh giá khả năng ngôn ngữ, tư duy đọc hiểu, khả năng chia sẻ, đối nhân xử thế của ứng viên", Chi nói, nhìn nhận trường Y ở Mỹ đánh giá thí sinh rất toàn diện.

Theo US News, nhiều chuyên gia cho rằng các trường cố tình đưa ra quy trình kiểm tra nghiêm ngặt để chắc chắn những người được nhận có đủ khả năng vượt qua các khóa học khó và thử thách của nghề bác sĩ.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất