Vụ bưu kiện chứa chất nổ phủ bóng đen lên nước Mỹ trước thềm bầu cử

Vụ bưu kiện chứa chất nổ gửi tới nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Dân chủ gây gia tăng căng thẳng ở Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11/2018.

03:00 27/10/2018

Các nhà điều tra Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra vụ 10 quả bom ống được gửi tới những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong đảng Dân chủ, cũng như những người thường xuyên bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích. 

Vụ việc này đang làm gia tăng căng thẳng ở nước Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11/2018. 

Hàng trăm nhà điều tra trên toàn quốc đang tham gia vào việc xác định ai đứng đằng sau các bức thư này. Các nhà điều tra cho rằng, đây là chất nổ thực sự chứ không phải trò lừa bịp. 

Thiết bị được thiết kế từ cách làm bom phổ biến khá rộng rãi trên internet.Nhóm tìm kiếm chất nổ đang kiểm tra một trung tâm phân phối thư gần Miami - nơi các cơ quan điều tra cho rằng là điểm xuất phát của một số bưu kiện chứa bom ống. 

Theo cảnh sát, đây là một biện pháp trong nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên bang tiến hành điều tra 10 vụ bom ống được gửi tới các quan chức cấp cao Đảng Dân chủ và văn phòng của CNN tại New York. 

Danh sách các nhân vật bị gửi bom thư cũng đang mở rộng, mới nhất là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và diễn viên Hollywood Robert De Niro ở Manhattan.

Trợ lí Giám đốc FBI William Sweeney nhận định:“10 gói bưu phẩm đã được gửi tới các địa điểm khác nhau ở Niu Ooc, Maryland, Florida, Delaware và Los Angeles. Các cơ quan điều tra đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Phân tích ban đầu cho thấy chất bột trong các phong bì thư này không gây ra mối đe dọa sinh học. Các phân tích vẫn đang được tiến hành”.

Mặc dù một số quan chức Mỹ gọi đây là một hành động khủng bố, nhưng các chuyên gia về bom cho rằng, dựa trên thiết kế thô sơ, có vẻ như những bom thư này được thực hiện nhằm gieo rắc sự sợ hãi hơn là gây thương vong.

Mặc dù bom thư chưa phát nổ và không có ai bị thương nhưng điều này đang tạo nên sự căng thẳng và mối lo sợ cho các cử tri chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11/2018. 

Với việc chưa xác định được rõ thủ phạm đứng đằng sau vụ việc cũng khiến cho các chính trị gia từ cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đổ lỗi cho nhau, tạo một bầu không khí căng thẳng trước bầu cử. Nhiều nhà bình luận ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, bom ống là một phần trong chiến dịch “cờ giả” nhằm gây nhiễu loạn thông tin bất lợi cho Đảng Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích báo chí,kêu gọi truyền thông "chấm dứt sự thù địch không hồi kết”. 

Trong khi đó, Cựu giám đốc CIA Jonh Brennan- nạn nhân của đợt bom thư này thì tuyên bố, hãy dừng đổ lỗi cho người khác và Tổng thống Mỹ Donald Trump cần nghĩ lại về những gì Tổng thống đã nói và làm.

Nhiều chính trị gia Mỹ đã lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết nội bộ và lên án các hành động bạo lực chính trị trong bối cảnh hiện nay. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, bom thư là một cảnh báo cho thấy nước Mỹ cần phải đoàn kết để vượt qua sự chia rẽ:

“Có hàng loạt thông tin hỗn loạn về vụ bom thư trong những ngày qua. Chúng ta lo sợ vì không biết ai đứng đằng sau vụ việc và động cơ là gì. Nhưng tôi cho rằng, trong cái rủi có cái may nếu chúng ta biết xử lí vấn đề. Hi vọng của tôi đó người dân Mỹ cần phải nhận ra rằng chúng ta phải đoàn kết. Sự chia rẽ hay hiềm khích này là không tốt và cần phải chấm dứt”.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 6/11 tới. Hiện nay đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang nắm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nhưng rất có thể điều này sẽ thay đổi sau kỳ bầu cử. Thăm dò dư luận cho thấy, các nghị sĩ đảng Dân chủ có cơ hội giành thế đa số tại Hạ viện, nhưng Đảng này sẽ gặp khó khăn lớn hơn tại Thượng viện./.

Tags:
Siêu bão mạnh nhất kể từ năm 1950 tấn công nước Mỹ

Siêu bão mạnh nhất kể từ năm 1950 tấn công nước Mỹ

Siêu bão Yutu độ bộ quần đảo Mariana phía tây Thái Bình Dương với tốc độ gió 286 km/h, khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ từ năm 1950.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất