Vụ gặp nạn bí ẩn của tàu ngầm hạt nhân Mỹ 55 năm trước

Tàu ngầm USS Scorpion chở 99 người đã chìm dưới Đại Tây Dương khi thực hiện nhiệm vụ tình báo vào tháng 5/1968, nguyên nhân tàu gặp nạn vẫn chưa được xác định.

06:34 30/10/2023

USS Scorpion là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Skipjack, thuộc thế hệ tàu ngầm mới của Mỹ sau Thế chiến II, được thiết kế để di chuyển với tốc độ cao dưới nước.

USS Scorpion đi vào hoạt động ngày 19/12/1959. Ngày 29/7/1960, Scorpion được biên chế và sau đó khởi hành từ New London, bang Connecticut cho đợt triển khai đầu tiên dài hai tháng ở vùng biển châu Âu.

Sau những chuyến đi đầu tiên, Scorpion dành phần lớn thời gian ở Norfolk, bang Virginia để phát triển và hoàn thiện khả năng tác chiến dưới biển. Tàu ngầm này được sử dụng trong các cuộc tập trận dọc theo bờ biển Đại Tây Dương cho đến vùng biển Bermuda và Puerto Rico. Thời điểm đó, Scorpion được xem là tàu ngầm hàng đầu của Mỹ.

Scorpion dài hơn 76 m, có lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S5W cung cấp nguồn điện 11.000 kilowatt, cho phép nó di chuyển dưới nước với tốc độ khoảng 61 km/h.

USS Scorpion được trang bị ống phóng ngư lôi 533 mm, vũ khí chống tàu ngầm và chống hạm, cùng hai ngư lôi hạt nhân. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô leo thang đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh, Scorpion được xem là phương tiện phòng thủ và tấn công rất có giá trị với Mỹ.

Tàu ngầm USS Scorpion (SSN-589). Ảnh: Wikimedia Commons

Tàu ngầm USS Scorpion (SSN-589). Ảnh: Wikimedia Commons

Song thời gian hoạt động của Scorpion không kéo dài. Scorpion được yêu cầu đại tu toàn diện sau gần 7 năm hoạt động. Vào tháng 2/1967, việc sửa chữa tàu bắt đầu ở căn cứ tại Norfolk, Virginia. Song Mỹ không thể để một trong những tàu ngầm hiệu quả nhất dừng hoạt động lâu như yêu cầu của cuộc đại tu.

Căng thẳng Chiến tranh Lạnh leo thang khiến Mỹ yêu cầu sửa chữa tàu Scorpion nhanh chóng. Đến tháng 10/1967, Scorpion sẵn sàng ra khơi lần nữa với sĩ quan chỉ huy mới, trung tá Francis Slattery. Thủy thủ đoàn cũng trải qua khóa huấn luyện để sẵn sàng cho khởi đầu mới của Scorpion.

Ngày 15/2/1968, USS Scorpion ra khơi cùng thủy thủ đoàn 99 người để tới Địa Trung Hải. Hoạt động ban đầu với Hạm đội 6 diễn ra theo đúng kế hoạch. Song khi Scorpion chuẩn bị trở về vào ngày 20/5, thủy thủ đoàn bất ngờ được giao thực hiện nhiệm vụ tình báo.

Mục tiêu là chặn thông tin của lực lượng đặc nhiệm hải quân Liên Xô ở phía tây nam quần đảo Canary, ngoài khơi châu Phi. Liên Xô được cho là đang tiến hành thu thập tín hiệu âm thanh tàu chiến NATO trong khu vực.

Scorpion rất phù hợp với nhiệm vụ này vì nó vốn được thiết kế để khó bị phát hiện khi hoạt động. Thủy thủ đoàn liên lạc qua tín hiệu vô tuyến ngày 21/5, báo cáo rằng họ đang cách quần đảo Azores hơn 400 km về phía tây nam và dự kiến trở về căn cứ ngày 27/5.

Nhưng sau đó, Scorpion biệt vô âm tín. Tại căn cứ Norfolk, các nhân viên liên lạc ngày càng lo lắng. "Trong hai năm rưỡi làm việc ở đây, tôi chưa từng thấy chuyện này xảy ra. Các đại úy và đô đốc tán loạn tìm kiếm thông tin. Chuyện này thật điên rồ. Thủy thủ đoàn đã bị ngắt toàn bộ liên lạc", Ken Larbes, nhân viên liên lạc, nói.

Ngày 27/5/1968, ngày trở về của tàu theo dự kiến, gia đình của các thành viên thủy thủ đoàn tập trung tại cảng chờ đợi người thân, song tàu ngầm Scorpion không xuất hiện.

Hạm đội Đại Tây Dương tiến hành cuộc tìm kiếm ngày 28-30/5, với sự tham gia của 55 tàu chiến và 35 máy bay, song không có kết quả. Tới ngày 5/6, tàu Scorpion và thủy thủ đoàn được tuyên bố mất tích.

Cuối tháng 10/1968, tàu nghiên cứu hải dương Mizar của hải quân Mỹ đã xác định được xác tàu Scorpion dưới đáy đại dương ở độ sâu hơn 3.000 m và cách Azores khoảng 740 km về phía tây nam.

Một nhóm điều tra được triệu tập cùng tàu ngầm Trieste II tới hiện trường để thu thập hình ảnh và dữ liệu. Tàu Scorpion đã cày xới một rãnh sâu dưới đáy đại dương. Con tàu không còn nguyên vẹn, trung tâm điều khiển bị phá hủy từ bên trong. Tháp điều khiển của tàu ở phía trên cũng bị xé toạc.

Một phần xác tàu ngầm USS Scorpion dưới đáy đại dương. Ảnh: Wikimedia Commons

Một phần xác tàu ngầm USS Scorpion dưới đáy đại dương. Ảnh: Wikimedia Commons

Báo cáo của hải quân Mỹ cho rằng có khả năng ngư lôi bị kích hoạt nhầm đã phóng ra từ tàu Scorpion rồi quay lại tấn công chính tàu này. Tuy nhiên, trung úy Rob Saxon, người đã thực hiện 9 lần lặn để điều tra xác tàu Scorpion năm 1969, không tìm thấy bằng chứng cho thấy tàu bị trúng ngư lôi. Các cửa ngư lôi của tàu vẫn được đóng kín nên không thể có khả năng ngư lôi đã bị kích hoạt.

Nhóm phân tích cấu trúc (SAG), bao gồm các chuyên gia của hải quân Mỹ, cho rằng giả thuyết xảy ra vụ nổ trên tàu là không khả thi. Họ lập luận rằng nếu có vụ nổ dưới nước, các bong bóng nước sẽ xuất hiện. Nhưng họ không thấy điều đó trong trường hợp của Scorpion.

Năm 1970, một ủy ban khác của hải quân Mỹ cũng bác bỏ giả thuyết tàu gặp nạn do ngư lôi. Họ nói Scorpion có thể bị đắm do lỗi cấu trúc, khiến nước bị rò vào bên trong tàu ngầm và nhấn chìm nó.

Vào giữa những năm 1990, Stephen Johnson, nhà báo điều tra của Houston Chronicle, đã thu được vài nghìn trang tài liệu thông qua Đạo luật Tự do Thông tin liên quan tới cuộc đại tu tàu Scorpion. Johnson phát hiện tàu ngầm này đã bị cắt giảm thời gian bảo dưỡng, khi cả quá trình chỉ diễn ra trong 8 tháng cùng chi phí 3 triệu USD thay vì trung bình 24 tháng và khoảng 23 triệu USD như thường lệ.

Trước đợt triển khai cuối cùng, sĩ quan Dan Rogers đã rời khỏi thủy thủ đoàn của Scorpion, với lý do lo ngại về an toàn của tàu khi không được đại tu đầy đủ. Johnson cũng phát hiện nhiều lá thư của thành viên thủy thủ đoàn về những lo ngại cho tình trạng của tàu ngầm Scorpion.

Một giả thuyết khác cho vụ chìm tàu Scorpion là nó đã đối đầu với Liên Xô trong nhiệm vụ bí mật. Mike Hannon, cựu nhân viên liên lạc vô tuyến tại căn cứ tàu ngầm, nói USS Scorpion đã bị đánh chìm sau một cuộc chạm trán với tàu ngầm Liên Xô. Hệ thống giám sát âm thanh tuyệt mật của hải quân Mỹ (SOSUS) đã phát hiện tàu ngầm Liên Xô nhanh chóng rời khu vực, theo Hannon.

Phóng viên quân sự Ed Offley từng phát hành cuốn sách ủng hộ giả thuyết này vào năm 2007 với tên gọi Scorpion Down. Song những báo cáo chính thức trong những năm sau vụ chìm tàu Scorpion cung cấp rất ít bằng chứng cho giả thuyết rằng đây là do vụ đối đầu với Liên Xô.

Năm 2012, tổ chức Submarine Veterans của Mỹ kiến nghị điều tra lại vụ chìm tàu Scorpion nhưng bị từ chối.

Vị trí xác tàu ngầm Scorpion và Thresher. Đồ họa: Freethoughtblogs

Vị trí xác tàu ngầm Scorpion và Thresher. Đồ họa: Freethoughtblogs

Dù nhiều giả thuyết được đưa ra, không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với tàu ngầm và thủy thủ đoàn.

Scorpion bị chìm đánh dấu chiếc tàu ngầm thứ hai của Mỹ gặp nạn kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1963, tàu ngầm USS Thresher bị chìm khi đang kiểm tra khả năng lặn sâu trong cuộc tập trận gần Cape Cod, bang Massachusetts năm 1963, khiến 129 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Vụ tai nạn đã thúc đẩy hải quân Mỹ thực hiện chương trình an toàn tàu ngầm nghiêm ngặt SUBSAFE để ngăn các thảm họa tương lai. Song điều đó không giúp Mỹ ngăn được vụ chìm tàu USS Scorpion.

Xác tàu Scorpion và lò phản ứng hạt nhân của nó hiện vẫn nằm ở Bắc Đại Tây Dương. Nhà hải dương học Robert Ballard của hải quân Mỹ năm 1985 thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh xác tàu Scorpion và Thresher. Dữ liệu của Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm an toàn dưới đáy đại dương và không có tác động đến môi trường.

Nhiệm vụ kiểm tra hai tàu ngầm này đã là bước đệm giúp Ballard tìm ra xác tàu Titanic, con tàu chở khách khổng lồ chìm dưới đáy Đại Tây Dương năm 1912 do đâm vào băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Tags:
Vợ 55 tuổi ly hôn khi con gái út lấy chồng: Cái tát giúp tôi tỉnh ngộ vì sống quá tàn ác với gia đình

Vợ 55 tuổi ly hôn khi con gái út lấy chồng: Cái tát giúp tôi tỉnh ngộ vì sống quá tàn ác với gia đình

Hồi trẻ tôi không tiếc tay đánh đập vợ con để thể hiện sự quyền lực của mình. Điều này tuy khiến trong nhà không còn tiếng nói cười vui vẻ, nhưng để củng cố địa vị, thì mất chút không khí ấm áp gia đình cũng không đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất