"Vũ khí bí mật" của Tổng thống Trump
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump thường xuyên đưa ra những chính sách khiến người khác phải nháo nhào chống đỡ rồi lại thu hồi chúng. Đó là vũ khí bí mật của ông.
14:00 17/08/2020
Đêm 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ban hành lệnh cấm ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Quyết định được đưa ra khi nhà lãnh đạo Mỹ đang bay từ Cleveland đến New Jersey.
Các giám đốc điều hành công ty, luật sư và quan chức bỗng phải phản ứng với một chính sách gây leo thang căng thẳng địa chính trị và có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.
Cuộc chiến với TikTok và WeChat là một phần của câu chuyện đã dần trở nên quen thuộc. Tổng thống Trump hoặc những người trung thành của ông đe dọa sẽ thay đổi một số chính sách, hoặc quy chuẩn mà họ biết những người khác sẽ chiến đấu để bảo vệ.
Lời đe dọa được đưa ra một cách rất dễ dàng. Một bài phát biểu, rò rỉ thông tin, một hoặc hai bài đăng Twitter về các quy tắc nhập cư hoặc quy định giáo dục, hay cắt giảm thuế đối với người giàu đều có thể khiến các đối thủ của ông Trump phải đầu tư đáng kể thời gian, tiền bạc và nỗ lực để chống lại đề xuất đó. Nếu không, ông Trump mặc định sẽ thắng.
Về cơ bản, chính quyền ông Trump biến việc làm tiêu tốn thời gian của người khác thành vũ khí.
Nhiệm kỳ của ông Trump trông giống như một trận chiến lặp đi lặp lại bởi vì đó thực sự là chuyện đã và đang diễn ra.
Tốn hàng trăm nhân viên, hàng nghìn giờ để đối phó
Tháng trước, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo rằng sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường ở Mỹ sẽ bị tước thị thực nếu học online 100%. Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần trước khi bắt đầu học kỳ mùa thu đã làm đảo lộn kế hoạch của hàng trăm đại học và hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài.
Hàng chục bang và đại học đã đệ đơn kiện để ngăn chặn quy tắc này ngay lập tức. Các giáo sư tức giận cam kết sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này. Tám ngày sau, cuộc khủng hoảng kết thúc. Chính quyền ông Trump đột nhiên nói rằng họ đã bỏ đề xuất này.
Bằng các thước đo thông thường về tính hiệu quả của chính sách, có thể thấy rằng không có gì xảy ra cả. Tuy nhiên, phí tổn cho kết quả “không có gì” này là rất lớn. Hàng chục nhân viên của một đại học có thể phải mất 10-12 giờ mỗi ngày, trong nhiều ngày liên tiếp, để phân tích tác động của quy tắc ICE đưa ra và xác định cách ứng phó. Nhân với số trường bị ảnh hưởng, có thể thấy đại học tiêu tốn hàng chục nghìn giờ của nhân viên để đối phó với quy định của ICE trong khi vẫn đang chật vật vì Covid-19.
Và nỗ lực của những người khác như tổng chưởng lý của bang và luật sư tư nhân đại diện cho đại học vẫn chưa được tính vào con số trên. Chưa kể đến đến những tổn thương tinh thần của sinh viên quốc tế khi phải chọn giữa nguy cơ bị lây nhiễm và bị trục xuất. Nếu các quan chức của ông Trump muốn tìm cách lãng phí thời gian của các đại học, không chiến lược nào hiệu quả hơn đề xuất chính sách rồi sau đó từ bỏ nó khi chưa bước vào cuộc chiến nào.
Chính quyền của ông Trump cũng tạo ra hiệu quả tương tự trong những lĩnh vực chính sách khác. Đầu mùa hè này, Tòa án Tối cao ra phán quyết bảo lưu chương trình Hoãn trục xuất người vào Mỹ khi còn là trẻ em (DACA) bất chấp những nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm chấm dứt chương trình này.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã chậm chạp trong việc tuân thủ phán quyết của tòa án, đưa ra những hạn chế mới với chương trình và nói rằng chương trình cần được "xem xét toàn diện". Bên chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý giờ đây phải đối mặt với hai lựa chọn: đưa chính quyền trở lại tòa án để thực thi luật hoặc từ bỏ việc bảo vệ những người thụ hưởng DACA.
Một lần nữa, chính quyền ông Trump đã sử dụng một cách ít mất chi phí để khiến đối phương tốn thời gian và năng lượng. “Nếu thời gian là một nguồn lực chính trị có giá trị thì bất cứ điều gì buộc mọi người dành thời gian cho những gì bạn muốn họ thực hiện chứ không phải công việc họ muốn làm đều hiệu quả”, giáo sư Elizabeth Cohen của Đại học Syracuse nói với Washington Post.
Chính sách "từ trên trời rơi xuống"
Những thay đổi về chính sách của ông Trump diễn ra thường xuyên đến mức mọi người thường nghĩ rằng phải có động cơ khác. Chính quyền ông Trump thường đưa ra những quy tắc có vẻ “từ trên trời rơi xuống” như thay đổi tiêu chuẩn liên bang về vòi hoa sen, cắt giảm thuế lãi vốn hoặc để tổng thống phát biểu tại nơi từng là chiến trường Nội chiến Mỹ để đánh lạc hướng khỏi các vụ bê bối hoặc đơn giản là để trêu chọc đối thủ của họ.
Nhưng hiệu ứng của các hành động này vượt qua cả những mục đích trên.
Năm 2017, chính quyền ông Trump nói sẽ thêm một câu hỏi vào cuộc điều tra dân số xem liệu người trả lời có phải là công dân Mỹ hay không. Điều này có thể dẫn đến thống kê sai lệch ở một số nhóm người nhất định bằng cách khiến họ sợ tham gia và làm số ghế phân bố trong quốc hội có lợi cho đảng Cộng hòa. Nỗ lực này đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ vào tháng 6/2019 nhưng rất nhiều nguồn lực và thời gian đã bị tiêu tốn cho việc này.
Các hành động của chính quyền ông Trump dẫn đến các vụ kiện tụng, điều tra và hàng núi nỗ lực để chống lại động thái của ông. Những cuộc đấu đá liên tục khiến các nhà hoạt động, nhà báo và phương tiện truyền thông xã hội luôn sôi sục trong suốt chu trình khám phá, giải thích và xử lý từng sáng kiến mới của chính quyền. Trong một số trường hợp, những chu kỳ này khiến người ta cảm thấy trận đấu quyết định cuối cùng cũng đến.
Tuy nhiên, chuyện đó không bao giờ xảy ra. Hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác diễn ra. Lần lượt từng tổng thanh tra và công tố viên bị sa thải. Khủng hoảng chuyển từ luận tội sang đại dịch. Việc lập danh mục các trận chiến cũng khiến người ta phải mệt mỏi.
Link nguồn: https://zingnews.vn/vu-khi-bi-mat-cua-tong-thong-trump-post1120430.html
Nga công bố video sản xuất những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên
Truyền thông Nga công bố đoạn video cho thấy những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên được sản xuất, mang lại hy vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi trong tương lai gần.