VŨ KHÍ SẮC BÉN TỔNG THỐNG BIDEN CHƯA DÙNG TỚI
Kế hoạch Giải cứu người Mỹ - gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD - có thể trao cho đảng Dân chủ lợi thế chưa từng có suốt hàng chục năm trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022.
10:00 16/03/2021
Một ngày sau khi đạo luật có tác động mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ được thông qua, còn được biết tới với cái tên Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD, Tổng thống Joe Biden có bài phát biểu "giờ vàng đầu tiên".
Thế nhưng, gói cứu trợ lịch sử chỉ được đề cập tới thoáng qua trong vài phút cuối bài phát biểu. Phần lớn thời lượng bài diễn văn tập trung vào nỗ lực ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch Covid-19.
Điều khiến không ít người ngạc nhiên là ngoài nhắc đến việc người tiền nhiệm đã "im lặng" và "phủ nhận" dịch bệnh, bài phát biểu của Tổng thống Biden hầu như không động chạm tới yếu tố chính trị đảng phái, theo Politico.
Tổng thống Biden đọc bài diễn văn giờ vàng. Ảnh: AP.
Gói cứu trợ 1.900 tỷ
Ông Biden có những lý do để lựa chọn bài phát biểu ôn hòa. Diễn văn giờ vàng đầu tiên trên cương vị tổng thống đã gửi đi thông điệp đoàn kết, giống như cách ông Biden từng nói trong thời gian tranh cử hay ngày nhậm chức.
Tổng thống Biden không đề cập tới thực tế toàn bộ nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối gói cứu trợ. Ông chủ Nhà Trắng cũng không khoét sâu vào sự chia rẽ đảng phái khi Kế hoạch Giải cứu người Mỹ được thông qua chỉ bằng lá phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ.
Dù vậy, không nghi ngờ gì kế hoạch giải cứu 1.900 tỷ USD mang thông điệp chính trị cấp tiến nhất từ trước tới nay.
11 năm trước, gần như cùng thời gian này, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu về chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare, rằng "chúng tôi phải thông qua dự luật để các bạn biết có gì trong dự luật ấy". Điều bà Pelosi từng nói về Obamacare thậm chí còn đúng hơn nữa trong trường hợp của Kế hoạch Giải cứu người Mỹ.
Chỉ tới sau khi dự luật được Thượng viện thông qua, nhiều người Mỹ mới biết rõ về những khía cạnh toàn diện của Kế hoạch Giải cứu người Mỹ - một trong những đạo luật về an sinh xã hội tham vọng nhất kể từ khi đạo luật Chính sách kinh tế mới ra đời năm 1933 nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi đại khủng hoảng.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer công bố gói cứu trợ. Ảnh: Getty.
Kế hoạch này mang lại một khoản ưu đãi thuế, trên thực tế trao cho gia đình mỗi trẻ em hàng nghìn USD mỗi năm. Đây là ý tưởng đã bắt đầu được thảo luận tại Mỹ từ thời Richard Nixon nhưng tới nay mới thành hiện thực.
Những khoản trợ cấp về chăm sóc sức khỏe được mở rộng đáng kể, cùng chương trình miễn phí tiếp cận bảo hiểm y tế trong nhiều tháng cho những người mất việc làm hoặc mất bảo hiểm y tế.
Gói cứu trợ cũng mang lại 86 tỷ USD bảo vệ quỹ lương hưu của hàng triệu người Mỹ trong bối cảnh nhiều tổ chức có trách nhiệm bảo đảm lương hưu đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Bảo đảm về lương hưu là điều chỉ có ở những quốc gia nơi nghiệp đoàn chiếm phần lớn tỷ lệ người lao động. Tại Mỹ, dù nghiệp đoàn chỉ đại diện 6% người lao động trong lĩnh vực tư nhân, giờ đây bảo vệ lương hưu của người lao động đã được luật hóa.
Công cụ giành lại khối cử tri dao động
Về khía cạnh chính sách, câu hỏi then chốt là liệu những điều khoản như vậy của Kế hoạch Giải cứu có thể giúp nền kinh tế bùng nổ, hay sẽ chỉ khiến đất nước lụn bại bởi lạm phát phi mã.
Trên góc độ chính trị, kế hoạch giải cứu là cơ hội để đảng Dân chủ tìm ra công cụ kết nối lại với tầng lớp trung lưu và người lao động, vốn đã dao động giữa hai phe Dân chủ - Cộng hòa trong hơn 50 năm qua.
Cuối thập niên 1970, khủng hoảng kép suy thoái kinh tế ở các bang công nghiệp và lạm phát hai con số đã khiến hàng triệu cử tri Dân chủ quay sang ủng hộ ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Ronald Reagan. Phe Cộng hòa sau đó chiến thắng 3 cuộc tổng tuyển cử và nắm giữ Nhà Trắng trong 12 năm liên tiếp.
Suốt thập niên 1980, phe Dân chủ đau đầu với thực tế là cử tri dường như ủng hộ các chính sách của đảng này - như y tế, giáo dục, thuế - nhưng lại bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.
Khi Bill Clinton xuất hiện, ông nói đảng Dân chủ cần có "bộ mặt khác" để giành lại, ít nhất là tạm thời, những cử tri đã bỏ sang phe Cộng hòa.
Hai ông Clinton và Obama đều hứng chịu thiệt hại trong bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Getty.
Ông Clinton đã thành công bằng cách từ bỏ các quan điểm Dân chủ chính thống về tội phạm và phúc lợi xã hội, cam kết "kỷ nguyên siêu chính phủ đã qua", hàm ý chính phủ sẽ giảm can thiệp vào các mặt của đời sống. Cách tiếp cận này giúp phe Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng trong 8 năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Và với sự thay đổi về quy mô nhân khẩu học, dẫn đến bộ phận cử tri da màu ngày càng đông đảo, cùng nhóm cử tri da trắng học cao nghiêng về cánh tả, áp đảo khối cử tri da trắng bảo thủ, ông Barack Obama đã trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ.
Cả ông Clinton và Obama đều thiệt hại lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên, nguyên nhân từ các cuộc chiến chính sách tại Quốc hội không mang lại hiệu quả rõ rệt. Với ông Clinton là việc tăng thuế, trong khi trường hợp của ông Obama là gói kích thích kinh tế và kế hoạch bảo hiểm y tế.
Dù cả hai ông Clinton và Obama đều tái đắc cử sau đó, thất bại trong bầu cử giữa kỳ mang tới những hậu quả to lớn cho đảng Dân chủ, đặc biệt là khi phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát phần lớn các cơ quan lập pháp tiểu bang từ năm 2010.
Với Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, phe Dân chủ hứa hẹn mang lại một điều rất khác, đó là việc mở rộng quyền lực chính phủ để giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội nhưng không thúc đẩy cuộc chiến về bản sắc chính trị đảng phái.
Trước thực tế khắc nghiệt cho thấy đại dịch có tác động đặc biệt tồi tệ tới cộng đồng người da đen, gói cứu trợ hướng tới các nạn nhân dựa trên hoàn cảnh, không phải màu da của họ.
Vũ khí cho bầu cử giữa nhiệm kỳ
Lợi thế tiềm năng mà gói cứu trợ mang lại cho đảng Dân chủ có thể vô cùng to lớn.
Trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ năm 2022 diễn ra không lâu sau khi người dân nhận được những khoản ưu đãi thuế dành cho trẻ em, các nghị sĩ Cộng hòa tại cả lưỡng viện sẽ phải đau đầu giải thích với cử tri lý do họ bỏ phiếu chống lại đạo luật này.
Hàng chục nghìn chủ doanh nghiệp nhỏ - trái tim trong khối cử tri doanh nhân của đảng Cộng hòa - sẽ đi bỏ phiếu sau khi doanh nghiệp của họ "vượt cạn" thành công nhờ gói cứu trợ được thông qua dù không nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ.
Trong khi các nghị sĩ Cộng hòa có thể nói chỉ một phần nhỏ gói cứu trợ được dùng để giải quyết hậu quả đại dịch, vô số cặp cha mẹ, chủ nhà hàng, cửa hiệu biết chính xác cuộc sống đã lao đao như thế nào trong đại dịch, và gói cứu trợ giúp giải quyết khó khăn của họ ra sao.
Có khả năng phe Cộng hòa đã không lường trước gói cứu trợ sẽ khiến họ thiệt hại đến mức nào, bởi đảng này từng thành công ngoạn mục trong các cuộc bầu cử giữa kỳ sau khi phản đối sáng kiến chính sách của hai đời tổng thống dân chủ trước đây, kéo theo những thảm họa chính trị liên tiếp cho chính quyền Clinton và Obama.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 sẽ là bài thuốc thử uy tín của ông Biden. Ảnh: AFP.
Nhưng lần này, tình thế có vẻ sẽ khác. Lợi ích của gói cứu trợ rất dễ nhìn thấy và chúng sẽ đến tay người Mỹ chỉ trong vòng vài tuần tới.
Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trợ mang lại lợi ích cho cả người nghèo và bộ phận lớn cử tri trung lưu, đó là lý do gói cứu trợ nhận được mức độ ủng hộ trước đó không ai tiên lượng được, xét tới đây là dự luật bị phe Cộng hòa hoàn toàn tẩy chay.
Gói cứu trợ dường như chứa đựng mọi chính sách, mà mỗi chính sách riêng lẻ trong số đó đều từng là hòn đá cản đường chương trình phúc lợi xã hội mà đảng Dân chủ thúc đẩy trong quá khứ.
Khi chính sách bị coi là chỉ mang tới lợi ích cho một nhóm cử tri, nó sẽ vấp phải vô vàn phản đối. Nhưng khi chính sách đủ rộng lớn, bao hàm nhiều mặt từ an ninh xã hội, y tế cho tới nhập cư, nó sẽ trở nên mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ rộng lớn.
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều khả năng bầu cử giữa nhiệm kỳ 2020 sẽ một lần nữa trở thành thảm họa cho phe Dân chủ. Đó có thể là lạm phát tăng cao, những vấn đề liên quan tới người nhập cư hay tỷ lệ tội phạm gia tăng chiếm hết sự chú ý của công chúng.
Nhưng rõ ràng, không giống các biện pháp khác từng đòi hỏi đa số đáng kể nghị sĩ Quốc hội ủng hộ, Kế hoạch Giải cứu người Mỹ có thể tạo ra thay đổi căn bản trong cấu trúc xã hội Mỹ, và cùng với đó là một cơ hội trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, điều mà đảng Dân chủ chưa từng có suốt hàng chục năm.
11 bang kiện chính quyền Biden vì bỏ chính sách nhập cư của Trump
Epoch Times đưa tin, 11 bang của Hoa Kỳ đã đệ đơn lên tòa án để phản đối chính quyền Biden vì bãi bỏ chính sách nhập cư thời Tổng thống Trump. Đứng đầu đơn kiện là ông Mark Brnovich, Tổng chưởng lý bang Arizona.