Vụ ông Trump kiện gian lận bầu cử khác với tranh cãi năm 2000 thế nào?
Chiến dịch pháp lý mà phe ông Trump theo đuổi có thể sẽ không được định đoạt nhanh như vụ tranh chấp Bush - Gore trong cuộc bầu cử 20 năm trước.
00:00 13/11/2020
Khi Tổng thống Trump và các đồng minh tuyên bố theo đuổi kiện tụng đến cùng nhằm lật ngược tình thế, nhiều người không khỏi liên tưởng đến lùm xùm xoay quanh cuộc bầu cử năm 2000.
Thời điểm đó, Ủy ban Bầu cử Florida mất 5 tuần để đếm phiếu lại. Hai phe Dân chủ và Cộng hòa cũng trải qua một loạt các phiên làm việc tại tòa trước khi ứng viên George W. Bush được tuyên bố chiến thắng trước ông Al Gore với cách biệt 537 phiếu phổ thông.
Sự khác biệt nằm ở Florida
Các chuyên gia pháp lý cho rằng phe ông Trump và đảng Cộng hòa sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với ông Bush và các đồng minh trong bối cảnh cuộc bầu cử 20 năm trước.
"Không có nhiều điểm tương đồng", luật sư Barry Richard của ông Bush trong vụ kiện năm 2000 nhận định.
"Thời điểm đó, vấn đề với những lá phiếu bị lỗi là khá rõ ràng. Năm đó cũng không xuất hiện những cáo buộc về gian lận hoặc hành vi bất chính. Trọng tâm của vụ kiện xoay quanh việc đảm bảo mọi lá phiếu của cử tri đều được kiểm đếm đầy đủ", luật sư Richard nói.
Toà án Tối cao Florida yêu cầu kiểm lại hơn 70.000 phiếu bấm lỗ đã bị máy loại từ trước, nhưng quyết định này cuối cùng bị Toà Tối cao Liên bang hủy bỏ.
Tới ngày 12/12/2000, Toà án Tối cao Liên bang phán quyết yêu cầu kiểm lại phiếu ở Florida là “phi hiến pháp”.
Hiện nay, chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đang khởi kiện ở ít nhất 5 bang. Đây đều là những nơi ông Trump bị ông Joe Biden dẫn trước hàng chục nghìn phiếu - khác xa khoảng cách vài trăm phiếu ở Florida hồi năm 2000.
"Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất giữa hai trường hợp là kết quả tại Florida 20 năm trước sít sao hơn rất nhiều so với khoảng cách ở bất kỳ bang nào trong cuộc bầu cử năm nay", giáo sư khoa học chính trị Aubrey Jewett tại Đại học Central Florida nhận định.
"Theo kết quả kiểm đếm ban đầu, với tổng cộng 6 triệu phiếu ở Florida thời điểm đó, khoảng cách giữa ông Bush và ông Gore chỉ rơi vào 2.000 phiếu bầu. Về mặt toán học, nếu kiểm phiếu lại, kết quả hoàn toàn có thể xoay chiều", ông Jewett nói.
"Trong khi đó, khoảng cách tại các bang chiến trường của cuộc bầu cử năm nay đều lớn hơn rất nhiều so với 20 năm trước", vị giáo sư từ Đại học Central Florida nhận định.
Diễn biến năm 2000 liệu có lặp lại?
Một số người thuộc phe Cộng hòa cho rằng động lực khiến ông Trump kiên quyết theo đuổi kiện tụng chính là việc ông Bush lật ngược tình thế trong cuộc bầu cử năm 2000 nhờ quyết định của Tòa án Tối cao.
"Hai mươi năm trước, khi mức độ chênh lệch trong kết quả ở Florida rất nhỏ, chúng ta chứng kiến ông Gore viện đến sự can thiệp của hệ thống hành pháp, song cuối cùng phải nhận thua vào tháng 12", Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell phát biểu hôm 9/11.
"Bất kỳ dấu hiệu bất thường đáng kể nào trong cuộc bầu cử năm nay đều nên được phơi bày ra ánh sáng, và trước toàn thể người Mỹ", ông McConnell nói thêm.
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng có quyền chất vấn tính hợp lệ của kết quả bầu cử, và có quyền kiện lên tòa án tại các bang mà ông nghi ngờ là có gian lận trong quá trình kiểm phiếu.
"Một trong những cách để kết quả cuộc bầu cử này được đông đảo người Mỹ chấp nhận chính là thông qua quá trình xử lý hậu bầu cử", ông Rubio nói trong một video đăng tải trên Internet hôm 10/11.
Với sự hậu thuẫn của các đồng minh, Tổng thống Trump nhiều lần công khai rằng bản thân sẽ không bao giờ nhượng bộ trước ông Biden.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là phe Cộng hòa có đủ bằng chứng xác thực để đưa vụ kiện ra Tòa án Tối cao Liên bang hay không.
"Tôi đã xem qua các cáo buộc của phe ông Trump. Tuy nhiên, họ vẫn chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng đáng tin cậy. Để thay đổi cục diện bầu cử, vụ kiện phải tác động đến kết quả kiểm phiếu ở một mức độ nhất định”, Luật sư Richard của cựu Tổng thống Bush nhận định.
Tổng thống đương nhiệm và các phụ tá đã đệ đơn lên tòa án tại 5 bang tranh chấp đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử. Đó là Pennsylvania, Arizona, Georgia, Michigan và Nevada. Con số các bang mà phe ông Trump muốn khởi kiện có thể sẽ tăng lên.
Ông Trump tiếp tục báo tin vui về cuộc chiến pháp lý: Từ tuần sau sẽ bắt đầu có kết quả!
"Chúng ta đang đạt được bước tiến lớn", ông Trump tuyên bố trên các mạng xã hội Facebook và Twitter.