Vụ tẩm độc vào thuốc giảm đau gây rúng động nước Mỹ, hung thủ đến nay vẫn còn là ẩn số

Vụ đầu độc khiến bảy người thiệt mạng năm 1982 đã thúc đẩy nhiều cải cách trong ngành công nghiệp dược phẩm, nhưng hung thủ đến nay vẫn là bí ẩn.

15:09 23/05/2023

Ngày 29/9/1982, Mary Kellerman, 12 tuổi, ở Elk Grove Village, bang Illinois, qua đời sau khi uống một viên Tylenol để trị cảm lạnh. Tylenol là loại thuốc giảm đau không kê đơn bán chạy nhất ở Mỹ thời đó, có công dụng giảm đau, hạ sốt, giúp giảm các triệu chứng ho, nhức đầu, dị ứng.

Cuối ngày hôm đó, nhân viên bưu điện Adam Janus, 27 tuổi, ở Arlington Heights, cũng qua đời trong bệnh viện sau khi uống Tylenol. Sau đó, em trai và em dâu theo chân Adam vì vô tình uống cùng lọ thuốc này.

Trong vài ngày tiếp theo, ba người ở ba nơi khác nhau của bang Illinoi đột tử vì sự cố tương tự.

Sau khi nhận ra điểm chung rằng tất cả nạn nhân đều uống Tylenol trước khi qua đời, nhà chức trách nhanh chóng xét nghiệm và phát hiện chất cực độc kali cyanide (KCN) có trong các viên thuốc con nhộng. Cảnh báo lập tức được đưa ra qua các phương tiện truyền thông và loa phóng thanh, đề nghị người dân trên khắp Chicago ngừng sử dụng các sản phẩm Tylenol.

1 Vu Tam Doc Vao Thuoc Giam Dau Rung Dong Nuoc My

Nhà chức trách tìm thấy cyanide trong viên nang Extra-Strength Tylenol ở bên phải. Chất bột màu trắng trong viên thuốc giả mạo có dạng hạt lớn hơn viên thuốc bình thường ở bên trái. Ảnh: Charles Osgood/Chicago Tribune

Các viên nang bị nhiễm độc được sản xuất tại hai địa điểm khác nhau - Pennsylvania và Texas - cho thấy chúng bị làm giả sau khi sản phẩm được bày bán trên kệ. Giả thuyết của cảnh sát là ai đó đã lấy các lọ thuốc trong các cửa hàng ở khu vực Chicago, cho kali cyanide vào một số viên nang, sau đó đặt lại lọ lên kệ, khách hàng mua phải thuốc chứa độc mà không hay biết gì. Ngoài năm lọ thuốc dẫn đến cái chết của bảy nạn nhân, một số lọ nhiễm độc khác được phát hiện sau đó tại Chicago.

Trong nỗ lực trấn an công chúng, Johnson & Johnson, nhà sản xuất Tylenol, gửi cảnh báo đến các bệnh viện và nhà phân phối, đồng thời tạm dừng sản xuất và quảng cáo Tylenol. Giám đốc điều hành Wayne Nelson gọi đây là "một vụ giết người bừa bãi".

Sau các sự cố khác như chất strychnine có độc tính cao được thêm vào lọ Tylenol ở California, lệnh thu hồi các sản phẩm Tylenol trên toàn quốc được ban hành vào ngày 5/10/1982. Ước tính 31 triệu lọ thuốc đã được phân phối, với giá trị bán lẻ hơn 100 triệu USD, tương đương 281 triệu USD vào năm 2021.

Công ty phát quảng cáo trên các phương tiện truyền thông quốc gia để người dân không tiêu thụ bất kỳ sản phẩm nào có chứa acetaminophen sau khi xác định rằng chỉ những viên nang này bị giả mạo.

Một đội đặc nhiệm gồm 15 cơ quan, 26 đặc vụ FBI được thành lập ngay lập tức để truy tìm thủ phạm khi sự hoảng loạn dâng cao.

2 Vu Tam Doc Vao Thuoc Giam Dau Rung Dong Nuoc My

Nhân viên nhà thuốc đưa một thùng Extra-Strength Tylenol cho cảnh sát ở Arlington Heights. Ảnh: Stan Policht/Chicago Tribune

Ngày 8/10/1982, tờ Chicago Sun-Times và Chicago Tribune tiết lộ câu chuyện về một bức thư gửi đến Johnson & Johnson. Nội dung thư đe dọa các vụ ngộ độc cyanide sẽ tiếp diễn trừ khi một triệu USD được đặt trong hộp thư tại Ngân hàng Continental ở Chicago. Nhà chức trách cho biết dấu vân tay của James Lewis khớp với dấu vân tay trên bức thư.

James bị bắt tại New York vào tháng 12/1982 sau một cuộc truy lùng toàn quốc. Tháng 10/1983, anh ta bị kết án 10 năm tù vì âm mưu tống tiền.

James luôn phủ nhận liên quan đến vụ đầu độc Tylenol. Anh ta nói chỉ có ý định thu hút sự chú ý của chính quyền vào người chủ cũ của vợ vì vấn đề tiền lương.

Một nghi phạm khác là Roger Arnold, 48 tuổi, công nhân bến tàu. Một chủ quán bar báo cảnh sát rằng nghe hai khách hàng nói Arnold đã mua một lượng lớn cyanide khoảng sáu tháng trước khi xảy ra vụ đầu độc và có hành động thất thường.

Khi khám xét căn hộ của Arnold vào ngày 11/10/1982, cảnh sát tìm thấy năm khẩu súng, đạn dược, những cuốn sách về chất nổ và chất độc, bao gồm một bản sao cuốn sách The Poor Man's James Bond, trong đó có mô tả cách tạo ra kali cyanide. Các lọ thí nghiệm, cốc thủy tinh, ống nghiệm và một loại bột dạng hạt màu trắng cũng được tìm thấy.

Cảnh sát cho biết Arnold thừa nhận từng có cyanide trong nhà, nhưng không phát hiện được gì trong quá trình khám xét.

Bảy tháng sau vụ việc, Arnold bị buộc tội giết một người đàn ông tại quán bar ở Chicago vì nhầm nạn nhân là người tố cáo anh ta với cảnh sát. Arnold bị kết án 30 năm tù, nhưng chỉ phải ngồi tù 15 năm và qua đời năm 2008. Cảnh sát đã loại trừ Arnold khỏi danh sách nghi phạm trong vụ đầu độc Tylenol.

Đầu năm 1983, theo yêu cầu của FBI, nhà báo Bob Greene của Chicago Tribune công bố địa chỉ và vị trí mộ của nạn nhân đầu tiên và nhỏ tuổi nhất, Mary Kellerman. Bài báo, được viết với sự cho phép của gia đình Kellerman, được đề xuất bởi nhà phân tích tội phạm FBI John Douglas dựa trên giả thuyết rằng thủ phạm có thể đến thăm ngôi nhà hoặc khu mộ nếu biết vị trí. Cả hai địa điểm đều được giám sát bằng video 24/24 trong vài tháng, nhưng thủ phạm không xuất hiện.

Trong nhiều năm, vụ án bế tắc. Hàng trăm cuộc tấn công bắt chước liên quan đến Tylenol, các loại thuốc không kê đơn khác và các sản phẩm khác diễn ra trên khắp nước Mỹ. Ba trường hợp tử vong xảy ra vào năm 1986 do viên nang gelatin giả mạo. Cũng năm 1986, một phụ nữ tử vong ở New York sau khi uống viên nang "Extra-Strength Tylenol" tẩm cyanide.

Với nhiều tiến bộ trong công nghệ pháp y, đầu tháng 1/2009, chính quyền Illinois xem xét lại vụ án và gia hạn cuộc điều tra. Các đặc vụ liên bang lục soát nhà James ở Massachusetts và thu giữ một số đồ vật.

Tháng 1/2010, James và vợ nộp mẫu ADN và dấu vân tay cho chính quyền. James nói "nếu FBI chơi công bằng, tôi không có gì phải lo lắng". James tiếp tục phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ đầu độc. Mẫu ADN từ kẻ đánh bom Ted Kaczynski cũng được FBI thu thập vào ngày 19/5/2011.

Vụ đầu độc kinh hoàng góp phần giúp ngành dược phẩm, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng phát triển bao bì chống giả mạo, như màng seal, tem chống hàng giả, đồng thời cải thiện các phương pháp kiểm soát chất lượng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn để tránh giả mạo sản phẩm.

Vụ việc cũng thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm thay thế các viên nang, loại dễ dàng bị mở ra thêm chất lạ vào bên trong, bằng các viên nén được phủ một lớp gelatin trơn, dễ nuốt.

Năm 1983, Quốc hội Mỹ thông qua "dự luật Tylenol", quy định hành vi giả mạo sản phẩm tiêu dùng là hành vi phạm tội liên bang. Các luật mới dẫn đến việc Stella Nickell bị kết án trong vụ giả mạo Excedrin để sát hại hai người vào năm 1986, nhận bản án 90 năm tù.

PV

Tags:
Trải nghiệm “Hành trình sống tỉnh thức” có 1-0-2 tại Thành phố Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trăm nghe không bằng một thử!

Trải nghiệm “Hành trình sống tỉnh thức” có 1-0-2 tại Thành phố Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trăm nghe không bằng một thử!

Doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng các hoạt độпg này giúp mỗi cá ɴɦân không chỉ rèn thể lực mà còn luyện tinh thần để chinh phục những giới hạn cao nhất của bản thân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất