VỪA VÀO NHÀ TRẮNG, ÔNG BIDEN ĐÃ KHÔNG THỂ BẢO TOÀN LỜI HỨA
Hàng loạt quyết sách được cho là cấp tiến đang khiến Nhà Trắng mâu thuẫn với phe Cộng hòa, làm dấy lên nghi ngờ về lời hứa đoàn kết đất nước của Tổng thống Joe Biden.
09:30 24/01/2021
Tổng thống Joe Biden hôm 22/1 đã chỉ đạo nhiều cơ quan chính phủ có biện pháp tăng cường các chương trình phúc lợi liên bang, như mở rộng hỗ trợ thực phẩm, phát tiền cứu trợ, cho phép người lao động từ chối công việc với điều kiện làm việc không bảo đảm mà vẫn có thể xin trợ cấp thất nghiệp.
"Chúng ta không thể, và sẽ không để người dân gặp khó. Chúng ta cần hành động giống như đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia", ông Biden phát biểu sau khi cho biết đang hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ lên tới 1.900 tỷ USD, theo Wall Street Journal.
Xóa bỏ di sản của chính quyền Trump
Kể từ khi nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Biden đã nhanh chóng đảo ngược các chính sách dưới thời chính quyền Trump, như hủy bỏ việc cấm nhập cảnh với người đến từ một số nước Hồi giáo, hủy bỏ giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Các chỉ thị được Nhà Trắng đưa ra đặt nền móng cho cái mà Tổng thống Biden miêu tả là các ưu tiên của ông, gồm tăng đẩy mạnh triển kinh tế, ứng phó với đại dịch, tăng chi tiêu chính phủ cho các chương trình được xây dựng nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Dưới sự chỉ đạo của Nhà Trắng, Bộ An ninh nội địa cũng đã tạm dừng việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Quyết định này có hiệu lực từ 22/1, kéo dài trong 100 ngày.
"Chúng ta phải sử dụng mọi công cụ có trong tay, bao gồm các sắc lệnh hành pháp, để nhanh chóng xóa bỏ những chính sách tồi tệ nhất mà chính quyền trước đã thực thi, giải quyết hàng loạt khủng hoảng mà đất nước đang đối mặt", lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer ra tuyên bố ủng hộ ông Biden.
Ở phía bên kia, đảng Cộng hòa phê phán nặng nề các bước đi đầu tiên, được cho là quá cấp tiến, của chính quyền Biden. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cáo buộc Tổng thống Biden đang đi ngược lại phát biểu về đoàn kết lưỡng đảng trong lễ nhậm chức.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện. Ảnh: Bloomberg.
"Có rất nhiều thời gian để Tổng thống Biden nhớ ra ông ấy không chiến thắng cuộc bầu cử nhờ vào phe cực tả", Thượng nghị sĩ McConnell phát biểu hôm 21/1.
Các nghị sĩ Cộng hòa khác chia sẻ ủng hộ với lập trường của Thượng nghị sĩ McConnell.
"Tổng thống Biden nói chuyện như một người trung dung, nhưng ông ấy điều hành đất nước như một tay cực tả. Trong một thời gian ngắn, ông ấy đã ký nhiều sắc lệnh hành pháp hơn mọi tổng thống trước, hơn cả Obama, hơn cả Trump", Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói.
Sau 3 ngày đầu nắm quyền, Tổng thống Biden đã ký 29 sắc lệnh hành pháp. Cùng khoảng thời gian tương tự, Tổng thống Barack Obama ký 5 sắc lệnh, trong khi con số này của Tổng thống Trump chỉ là 3.
Mọi tổng thống Mỹ trong thời kỳ hiện đại đều dựa vào quyền lực hành pháp để thực thi các chính sách. Ví dụ, Tổng thống Trump sử dụng các sắc lệnh hành pháp để áp đặt hàng loạt hạn chế về nhập cư hay đẩy nhanh đánh giá môi trường trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Quan chức Nhà Trắng tuyên bố việc ông Biden kêu gọi đoàn kết đất nước không đồng nghĩa ông ấy sẽ bỏ qua các ưu tiên chính sách để làm hài lòng phe Cộng hòa.
Một số quyết sách của ông Biden, như dừng thi công tường biên giới với Mexico, hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người từ các nước Hồi giáo và châu Phi, cũng như tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới, là nhằm sửa chữa các sai lầm của chính quyền Trump, phe Dân chủ cho biết.
Tuy nhiên, những bước đi khác như công bằng chủng tộc hay mở rộng biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động là các ưu tiên dài hạn của đảng Dân chủ, các quan chức Nhà Trắng tuyên bố.
Lời hứa đoàn kết tiêu tan?
Ông Biden đã có gần 40 năm làm việc tại Thượng viện. Để thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông miêu tả là sẽ có lợi cho toàn bộ người dân Mỹ, Tổng thống Biden sẽ phải dựa vào kinh nghiệm và mối quan hệ với các nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ McConnell.
Các nghị sĩ Cộng hòa phàn nàn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà đang thúc đẩy là khoản chi quá tốn kém. Một số nội dung của gói cứu trợ không liên quan trực tiếp tới đại dịch, như tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.
"Tôi nghi ngờ khả năng toàn bộ gói cứu trợ được thông qua, nhưng một số nội dung có thể khả thi. Chúng tôi (phe Cộng hòa) sẵn sàng xem xét những gì cần thực hiện để đẩy nhanh phân phát vaccine", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt cho biết.
Sửa đổi trong chính sách nhập cư của ông Biden cũng vấp phải sự phản đối từ phe Cộng hòa, một phần bởi kế hoạch cấp quốc tịch cho hàng triệu người đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ.
Đây là vấn đề làm khó cả 3 đời tổng thống tiền nhiệm, và cách tiếp cận của ông Biden ít có khả năng sẽ thuyết phục được Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay.
Ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng hôm 22/1. Ảnh: WSJ.
Hôm 22/1, phe Cộng hòa tại Texas - đi đầu là Tổng chưởng lý tiểu bang Ken Paxton - đã khởi kiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì quyết định dừng trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Vụ kiện được khởi động chỉ 50 giờ sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Đây là hành động pháp lý đầu tiên của phe bảo thủ nhắm vào các nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm đảo ngược chính sách nhập cư của chính quyền Trump.
Hiện tại, một số đảng viên Dân chủ kêu gọi ông Biden tìm mọi cách thúc đẩy việc thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD.
Tại Thượng viện Mỹ, một phe có thể sử dụng thủ tục "filibuster" để trì hoãn gần như vĩnh viễn việc tiến hành bỏ phiếu thông qua một dự luật. Để có thể vô hiệu hóa thủ tục "filibuster" và tiến tới bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ, cần 60 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ.
Hiện tại, phe Dân chủ chỉ có 50 ghế ở Thượng viện. Nếu không thể thuyết phục ít nhất 10 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, phe Dân chủ sẽ phải sử dụng một thủ tục có tên "hòa giải" để có thể thông qua gói cứu trợ với đa số quá bán phiếu thượng nghị sĩ.
Tuy nhiên, thủ tục "hòa giải" chỉ có thể được sử dụng tối đa 1 lần mỗi năm trong mỗi vấn đề gồm chi tiêu ngân sách, thu nhập chính phủ và trần nợ công liên bang.
Bên cạnh đó, kích hoạt thủ tục "hòa giải" đồng nghĩa chính quyền mới của ông Biden sẽ bỏ qua truyền thống thương lượng và hợp tác tại Thượng viện, khiến những phát ngôn về "đoàn kết" và "hợp tác lưỡng đảng" trở nên vô nghĩa.
"Ưu tiên của tổng thống là thông qua được một dự luật với sự nhất trí lưỡng đảng. Không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ những công cụ có thể giúp Nhà Trắng và Thượng viện thông qua dự luật này", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố.
Không chỉ vấp phải phản đối từ đảng Cộng hòa, Tổng thống Biden cũng đang đứng trước sức ép từ phe cấp tiến cực tả trong đảng Dân chủ.
Một số phe nhóm trong đảng Dân chủ đã đặt câu hỏi về những lựa chọn nhân sự chủ chốt của ông Biden, tỏ ra không hài lòng đối với những đề cử có quan hệ với giới công nghiệp và Phố Wall.
Khi ông Biden gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay của sinh viên, phe cấp tiến trong đảng Dân chủ thậm chí yêu cầu ông đi xa hơn. Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, một trong những người đứng đầu phe cấp tiến, yêu cầu ông hủy bỏ các khoản vay của sinh viên.
4 năm Barron Trump bị cuốn vào sóng gió
Là con út của một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất thời đại, cậu bé 14 tuổi Barron Trump đã bị công chúng xét nét.