Vui, buồn chuyện ở ‘mobile home’ với những luật lệ và giá đất
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều nghe nói về “mobile home”, nhưng không phải ai cũng tường tận về kiểu nhà này. Trong hình dung của nhiều người, “mobile home” là kiểu nhà di động có bánh xe, có thể dời đi bất cứ ở đâu. Cũng có người nghĩ rằng “mobile home” chỉ dành cho người nghèo. Nhưng sự thật có phải vậy không?
02:31 06/02/2018
Đem câu hỏi này hỏi ông Trần Nguyên Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch ATNT Travel, ông nói: “Ở nhà mobile home vừa dễ vừa khó, bởi tùy thuộc vào điều kiện của người mua. Trước nhất là người mua phải có đủ tiền trả 100% cho cái nhà, bởi ngân hàng không cho vay mua ‘mobile home’. Xong, người mua nhà phải hỏi kỹ về quy định của chủ đất nơi mình muốn mua nhà, xem điều kiện của họ có phù hợp với mình không? Rồi tiếp đến là phần thuê đất. Nên nhớ phần nhà và phần đất là hai việc tách rời. Chủ của khu đất sẽ xét điểm ‘credit’ của người thuê. Nếu đạt yêu cầu họ mới cho thuê.”
Có nhiều dạng “mobile home” với những quy định khác nhau của các chủ đất, như người đứng tên ký hợp đồng phải trên 55 tuổi và người ở cùng phải ở độ tuổi theo quy định của chủ đất, có khu chỉ nhận housing, dễ dàng nhất là khu dành cho “family.”
Ông Trần Nguyên Thắng kể rằng trước đây gia đình ông có căn “mobile home” ở thành phố Westminster, giá thuê đất là $850, nhưng khu này chỉ dành cho các gia đình không có trẻ con. Thế nên, khi vợ của ông mang thai, ông phải bán căn “mobile home” này và mua một căn khác ở Huntington Beach với tiền thuê đất hằng tháng là $1,190. Cũng may, khi bán lại, ông lời được hơn $20,000. Căn mới ông mua năm 2016 có giá $80,000 và tốn thêm khoảng $30,000 để sửa chữa cho vừa ý.
Gần đây, ông Thắng bán luôn căn “mobile home” thứ hai để mua nhà “house” vì muốn vợ con được sống thoải mái hơn và bản thân ông cũng muốn có một khu vườn nho nhỏ trong khuôn viên nhà mình. “Tôi cho rằng ‘mobile home’ rất là tiện lợi cho những người lớn tuổi. Tôi hoàn toàn không có phàn nàn gì trong thời gian sống trong ‘nhà di động,’ ngoại trừ việc không có sân vườn và các nhà đặt sát nhau quá”, ông Thắng nói thêm.
Bà Hồng Kim ở thành phố Garden Grove cho biết chị ở căn “mobile home” trên đường Westminster đã 10 năm nay và chị không có điều gì phàn nàn cả, ngoại trừ việc đậu xe. Thiếu chỗ đậu xe nên ai về trước đậu xe bên trong, nhưng nếu cần đi thì phải gọi chủ nhân chiếc xe bên ngoài dời xe đi, xe bên trong mới ra được. Điều này gây phiền hà cho nhiều người.
Bà Hồng Kim cho biết, mỗi tháng bà trả $1,000 tiền thuê đất. Còn căn nhà thì trước đây mua chỉ với giá $20,000. Bây giờ để có được một căn tương tự như vậy, người mua phải trả ít nhất $60,000.
Phóng viên nhật báo Người Việt cũng trò chuyện với bà Kim Lan Nguyễn ở một khu “mobile home” trên đường First, thành phố Santa Ana. Bà Kim Lan cho biết, bà cùng với chồng ở khu nhà này từ 2004 đến nay và bà chỉ trả $395/tháng vì vợ chồng bà xin được “housing”.
“Phải nói rằng Chính phủ Mỹ thật tuyệt vời. Nếu vợ chồng tôi không được hưởng trợ cấp như vậy, căn ‘mobile home’ đúng ra phải trả hơn $1,000/tháng, làm sao vợ chồng tôi trả nỗi?”, bà Kim Lan chia sẻ.
Gia đình bà Kim Hương mua căn “mobile home” trên đường Westminster đã hơn 10 năm nay và gia đình bà không hài lòng về người quản lý của khu nhà. “Đó là một người khó chịu, bắt ép đủ thứ, như không được để những đồ đạc linh tinh bên ngoài nhà. Cây trồng cũng phải theo quy định, loại cây gì, chiều cao bao nhiêu. Nếu cây cao quá quy định là quản lý yêu cầu chặt bớt. Tiền thuê đất thì mỗi năm mỗi tăng. Ai cũng phàn nàn cả,” bà Kim Hương nói thêm.
Ông Kính Nguyễn ở khu Prado Verde Mobile trên đường Magnolia hơn 17 năm cho biết, ngoại trừ chuyện đậu xe, gia đình anh không có gì phàn nàn. Cũng như nhiều khu “nhà di động khác” thiếu chỗ đậu xe, cư dân trong khu nhà anh ở phải đậu xe ngoài đường. Nếu đậu xe trước nhà, xe sẽ bị “tow”. Biết vậy nhưng do chủ quan, anh đã bị kéo xe hai lần.
“Giá thuê đất hiện tại là $1,300 một tháng cho một căn ‘mobile home’ 3 phòng ngủ. Mỗi năm họ tăng $25. Nói chung, nhà đất tăng giá, mọi thứ đều tăng nên gia đình tôi ‘ok’ với mức giá này. Tôi thấy mô hình nhà ‘mobile home’ là ‘cứu cánh’ cho rất nhiều người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, người mua ‘mobile home’ phải chú ý là không được cho thuê lại, không được cho ‘share’ phòng. Kể cả nếu có người thân, bạn bè muốn ở nhờ vài tuần cũng là phạm luật,” ông Kính Nguyễn nói thêm.
Theo quan điểm của bà Phụng Linh, cư dân trong một khu “mobile home” trên đường Euclid, thành phố Westminster, “mobile home” rất phù hợp cho người lớn tuổi và người có thu nhập thấp. Trước khi mua “căn nhà di động” hiện tại, gia đình bà thuê condo với giá $1,400 một tháng. Một người bạn của bà phân tích và thuyết phục bà mua “mobile home”, bà mua một căn với giá $27,000 vào năm 2013.
Mỗi khu “park” có quy định riêng nên bà Phụng Linh không phàn nàn gì, vì thực ra họ cũng chỉ muốn đảm bảo an ninh, sạch sẽ cho cư dân trong “park.” Khu nhà bà ở không cho trồng chuối vì trong một thời gian ngắn, nhiều cây chuối con mọc lên xung quanh. Đó là chưa kể rễ chuối ăn phát triển rất ‘khủng khiếp’ dưới lòng đất. Trước đây vì không biết, bà trồng cây chuối sau sân nhà. Khi quản lý yêu cầu chặt bỏ, bà phải cần đến 3 người đàn ông mới đào và lấy được hết chùm rễ chuối to lớn.
Bà Phụng Linh cho biết, giá thuê đất có tăng chút ít mỗi năm, nhưng không đáng kể. Hiện tại bà trả $850 một tháng cho chủ đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được khu “park” tốt. Có những khu, cứ mỗi năm họ tăng tiền thuê hằng tháng thêm cả trăm.
“Tôi nghĩ chính quyền phải nên ban hành một luật nào đó nhằm kiểm soát vấn đề giá cả của các chủ đất ‘mobile home’. Đồng ý cho họ tăng giá nhưng tăng trong mức quy định chứ không thể tự ý muốn tăng bao nhiêu thì tăng như vậy. Phần lớn người ở ‘mobile home’ là người già và người có thu nhập thấp, nếu cứ tăng mãi, nhiều người không có khả năng thuê rồi chẳng lẽ thành ‘homeless’ hết sao?” bà Phụng Linh đặt vấn đề.
Những luật lệ siêu kỳ quặc chỉ riêng có tại… Mỹ
Các bang của Mỹ có quyền áp đặt các điều luật riêng chỉ cần không vi phạm Hiến pháp và luật liên bang, điều này dẫn tới những luật lệ siêu kỳ quặc.