Vườn bonsai của người đàn ông Việt trên đất Mỹ

Khu vườn giống như một "trạm sạc" giúp anh Bách tái tạo năng lượng trong cuộc sống đi làm từ sáng tới khuya, hiếm có ngày nghỉ.

15:19 31/07/2023

Sang Mỹ 5 năm trước, gia đình anh Bách Nguyễn sống ở thành phố Sarasota, bang Florida. Hai vợ chồng làm nghề nail và chụp ảnh cưới vào mỗi cuối tuần.

"Cuộc sống ở đây như một vòng quay không có điểm dừng. Hồi mới sang tôi quay quắt nhớ những buổi chiều thư thái bên dòng sông Hương", người đàn ông gốc Huế chia sẻ.

Anh tìm đến trồng bonsai - đam mê từ nhỏ mà chưa có điều kiện thực hiện - để mang những dấu ấn quê hương sang, khỏa lấp đi nỗi nhớ quê nhà và cân bằng cuộc sống chỉ biết công việc. Thời tiết ở thành phố Sarasota mát mẻ, gần giống Việt Nam, thuận lợi cho thú vui cây cảnh.

Việc chăm sóc cây không đơn giản với những người mới. Anh thợ nail phải tìm hiểu từ vị trí đặt cây, xử lý sâu bệnh, bón phân và quan trọng nhất là tưới nước. Bận rộn cả ngày, thời gian anh chăm vườn chủ yếu vào ban đêm.

Đây là gốc linh sam trắng lẫn tím nguyên bản trong vườn nhà. Theo anh Bách, chơi cây bonsai ở Mỹ rất tốn kém. Giá một cây đẹp từ 10.000 đến 20.000 USD nên anh thường mua phôi về tự uốn tỉa để tiết kiệm chi phí, đồng thời mang nét riêng của mình. Cần từ 1,5 đến 2 năm để tạo được dáng cây như ý muốn.

Thời gian đầu do anh ít kinh nghiệm lại bận nên cây chết nhiều. Có lần anh mua cây sanh ngũ long khá đắt tiền đem về cắt, tỉa, uốn, bẵng đi mấy ngày kiểm tra thì cây đã chết. Anh tìm đến vườn của người Mỹ, hỏi về giá thể, cách chăm, qua đó biết được cây này cần phải định kỳ thay đất để nó phát triển.

Hay như cây mai Huế rất khó sống trong thời tiết mùa đông lạnh ở đây. Sau mấy lần cây chết, anh phải đưa chúng vào nhà mỗi mùa đông, hoặc vào lán, che chắn lại.

Chị Linh Trần, vợ anh Bách cho biết cứ mỗi ngày đi làm về, anh vội vàng đưa túi cơm cho vợ con rồi lao ra vườn. Hôm nào cũng gọi tới năm bảy lần anh mới vào ăn cơm. "Anh ấy làm quên ăn, quên ngủ. Có hôm 2h sáng còn mặc áo mưa đi tỉa, uốn cây", chị Linh cho hay.

Đến nay sau ba năm chơi bonsai, vườn của anh Bách có hơn 500 cây với khoảng 200 loại khác nhau, trong đó đa số là những loại mà người Việt hay chơi như mai chiếu thuỷ, linh sam, hoa giấy, hồng ngọc mai và nhiều cây người Mỹ chuộng như ficus Iland, shohin, willow leaf ficus...

"Tôi đặc biệt thích các loài bonsai nở hoa nhất vì chơi được cả dáng, sắc và hương", anh nói.

Không dám so với giới chơi bonsai ở Việt Nam, nhưng ở Mỹ, vườn của anh Bách cũng có một số cây quý. Anh có một bộ sưu tập hoa giấy, trong đó có hai cây hoa giấy ngũ sắc được nhiều người hỏi mua.

Một trong hai cây này có tuổi đời 37 năm, giá mua phôi vài nghìn USD. Từ màu hồng nguyên thủy, cây được ghép thêm màu của hoa giấy Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Anh Bách đã mất hàng chục lần thử nghiệm, cuối cùng mới đúc ra kinh nghiệm ghép đơn giản là chọn cành to rồi đưa cành nhỏ vào.

Một trong những loài anh Bách thích nhất là linh sam. Vườn có những gốc tuổi đời cả chục năm. Hai chậu quý nhất là gốc trắng lẫn tím, kích cỡ 30 cm, mua rất rẻ nhưng sau khi thành bonsai được trả khoảng 2.000 USD.

Cây tím mua của người Mỹ tuổi đời hơn chục năm, vốn hoang dã trong vườn. Anh đem về tỉa lại trồng theo dáng nằm nghiêng, cành buông. "Chủ nhân của cây này đã bất ngờ và trầm trồ không ngớt với dáng của nó sau khi được tôi làm lại", anh nói.

Bonsai là tên gọi chung của các loại cây trồng trong chậu hoặc khay, được chăm sóc, cắt tỉa, tạo các kiểu dáng, từ đó mang lại một hơi thở mới cho một loại hình cây cảnh vừa mang tính nghệ thuật lại vừa có nét hoài cổ. Anh Bách cho biết bản thân chưa hiểu sâu, chưa thẩm được hết về bonsai nên đây sẽ là một thú chơi suốt cuộc đời.

"Tôi luôn nghĩ cây cũng có cảm xúc như người. Có lần tôi đi công tác vài tuần, đến khi trở về cảm tưởng như vườn thiếu hơi người, không còn đẹp nữa", anh chia sẻ.

Khu vườn bonsai đã giúp anh Bách hòa nhập cuộc sống và quen được nhiều bạn bè. Có nhiều người Việt từ các bang khác lái xe tới nhà anh chơi, lại có cả những khách hàng người Mỹ chọn vườn nhà anh làm địa điểm chụp hình cưới. Mỗi dịp hoa nở, khi lễ Tết, vườn được mọi người lựa chọn để lưu lại kỷ niệm.

Trong hình một đôi dâu rể gười Mỹ chụp hình cưới tại vườn anh Bách vào tháng 4/2023.

Khu vườn cũng mang lại niềm vui cho cả gia đình anh Bách. Hai con có một không gian chạy nhảy, sống gần gũi với thiên nhiên, được ngắm và ngửi hương hoa mỗi ngày.

Mỗi sáng, vợ chồng anh lại cùng nhau thưởng thức một tách cà phê trong vườn trước khi bước vào guồng quay công việc gấp gáp. Tối về khi người mệt mỏi rệu rã, hai vợ chồng lại cùng nhau nhâm nhi một tách trà. "Điều đó càng ý nghĩa hơn với những người đang sinh sống nơi đất khách quê người", cặp vợ chồng nói.

Riêng với anh Bách, nhờ bonsai mà thấy mình trở nên trầm tính, yêu cái đẹp. Có cây phôi mang về trồng tưởng chết, nửa năm sau nó đâm cành, nảy lộc khiến anh sung sướng. Mỗi khi có cây nở đẹp, anh cũng mang tới tiệm để bản thân và khách hàng ngắm nghía.

"Sau tất cả, vườn mang lại cho tôi một cuộc sống đầy cảm nhận. Tôi chắc rằng chẳng nơi đâu bình yên bằng góc vườn nhỏ nhà mình", người đàn ông 40 tuổi, chia sẻ.

Tags:
Đàn bà U70 có còn háo hức với đàn ông không? 3 người trong cuộc tâm sự thật

Đàn bà U70 có còn háo hức với đàn ông không? 3 người trong cuộc tâm sự thật

Phụ nữ tới độ tuổi U70 liệu có còn khao khát đàn ông không? Hãy nghe tâm sự của những người trong cuộc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất