Xã hội và đạo đức thời đại dịch

Nhiều nước lớn nhỏ đã căn bản khống chế được đại dịch COVID-19 nhưng Mỹ thì chưa. Vấn đề không chỉ do sự kém cỏi của chính phủ Trump trong việc tổ chức phòng chống dịch mà có nguồn gốc sâu xa trong quan niệm của người Mỹ về vai trò của chính phủ và đức hạnh của cá nhân.

02:30 07/12/2020

Trong những ngày cuối Tháng Mười Một, 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở Mỹ với hơn 1 triệu người bị nhiễm bệnh trong một tuần, người ta ngạc nhiên nhìn thấy chính phủ liên bang Mỹ hầu như không có động tác nào để kiểm soát dịch. Tổng Thống Donald Trump thậm chí còn khuyến khích dân Mỹ tụ tập trong thời gian lễ Tạ Ơn, còn Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết không cho phép tiểu bang New York giới hạn tụ tập ở các nơi thờ phượng trong các khu vực đại dịch lây lan trầm trọng. Phán quyết được thông qua với tỷ số phiếu 5-4; trong đó ba thẩm phán có quan điểm cấp tiến cùng với Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts không đồng ý

Hơn 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ – người cho rằng COVID-19 không đáng sợ – là dấu hiệu cho thấy ở Mỹ, đại dịch sẽ khó kết thúc sớm. (Hình minh họa: AP Photo/Seth Wenig)

Những người lo âu về đại dịch cảm thấy bất bình với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện và cách hành xử của chính phủ Trump mà họ cho là vô cảm với sinh mệnh người dân, coi trọng chăm sóc về tinh thần hơn là đối phó với nguy cơ dịch bệnh về thể xác. Nỗi bất bình đó hoàn toàn có thể hiểu được; nhưng xét kỹ thì đó chỉ là biểu hiện nổi bật của cách đối phó với đại dịch “không giống ai” của chính phủ Hoa Kỳ, có nguồn gốc từ sâu trong quan niệm và cách điều hành xã hội Mỹ.

Trên báo Foreign Affairs, Giáo Sư David Rosner, đại học Columbia University, đã dẫn lịch sử đại dịch thổ tả trong thập niên 1830, so sánh cách xử lý đại dịch rất khác nhau giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc và đi đến đưa ra một nhận xét đáng chú ý: “Người Anh và người Mỹ hiện nay vẫn sống với sự lựa chọn mà quốc gia họ đã lựa chọn trong thời dịch thổ tả.” Sự khác nhau đó như thế nào?

Anh: Dịch bệnh là vấn đề xã hội

Năm 1831, dịch tả lan nhanh từ vùng Trung Á, qua Châu Âu rồi đến Hoa Kỳ. Báo chí ở cả hai bờ Đại Tây Dương theo dõi chi tiết con đường truyền nhiễm chết chóc của nó. Đại dịch thật kinh hoàng: những người khỏe mạnh lúc ban ngày có thể chết đột ngột khi đêm xuống. Ở Anh, dịch tả quét sạch hàng ngàn sinh mạng chỉ trong vài giờ. Những thi thể gầy nhom và khô đét – bệnh tả làm mất nước trầm trọng – nằm đầy các đường phố.

Người Anh cho rằng đại dịch thổ tả có liên quan tới tình trạng xã hội khi ấy và việc chống dịch đòi hỏi một phản ứng xã hội rộng lớn. Bắt đầu từ thập niên 1780, việc phát minh ra động cơ chạy bằng hơi nước đã khởi động cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh; hàng trăm ngàn người rời bỏ vùng nông thôn tìm tới các thành phố như Leeds và Manchester, nơi các xưởng dệt vải mọc lên nhanh và cũng là nơi họ phải sống trong những ổ chuột, làm việc đến kiệt sức để nhận đồng lương chết đói. Các xưởng máy mà nhà thơ William Blake năm 1810 gọi là “Những công xưởng đen của quỷ Satan” đã chiếm chỗ và xé nát các cộng đồng nông thôn, đẩy dân chúng vào môi trường đô thị đông đúc và mất vệ sinh; họ sống và chết trong những tình cảnh hết sức kinh khủng. Trong lúc người dân khổ sở thì lao động của họ làm ra nhiều của cải cho một số người trong nền kinh tế đang mở rộng của Anh Quốc – những thương nhân, chủ nhà máy, nhà nhập cảng và nhà ngân hàng. Một cuộc khủng hoảng xã hội do nền kinh tế công nghiệp và sự phân phối của cải một cách độc ác đã làm cho đại dịch lan rộng.

Nên để ý rằng, khủng hoảng xã hội và đại dịch thổ tả ở Anh trong buổi đầu của chủ nghĩa tư bản công nghiệp cũng đã kích thích sự ra đời của chủ nghĩa Cộng Sản. Lý thuyết gia Friedrich Engels, bản thân là chủ một nhà máy dệt ở Manchester, trong tác phẩm kinh điển của ông,“Tình Cảnh Giai Cấp Công Nhân Anh” xuất bản năm 1845, đã lên án điều kiện sức khỏe tồi tệ của người lao động dưới sự bóc lột tàn nhẫn của các ông chủ tư bản. Cùng với “Tư Bản Luận” của Karl Marx, cuốn sách này đã đặt nền móng cho “Tuyên Ngôn Cộng Sản” và sự hình thành phong trào cộng sản quốc tế ba năm sau đó.

Đại dịch thổ tả và bất công xã hội đã không dẫn tới việc lật đổ chế độ tư bản Anh bằng “bạo lực cách mạng” như tuyên ngôn của Karl Marx và Friedrich Engels nhưng nó dẫn tới cuộc tranh luận về trách nhiệm của nhà nước đối với môi trường sống của người dân và những dịch vụ mà người dân được hưởng. Sau đại dịch của thập niên 1830, các nhà cải cách xã hội như Edwin Chadwick bắt đầu gây áp lực buộc chính phủ phải có những luật lệ mới về nhà ở, cung cấp nước sạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường. Năm 1842, Chadwick xuất bản báo cáo dài 536 trang “Tình trạng vệ sinh của dân chúng lao động ở Anh,” trong đó ông cho rằng, các yếu tố làm bệnh dịch nảy sinh và lan tràn giết chết người nghèo đô thị ngoài cấp nước, thoát nước và thu gom rác còn bao gồm những thứ như xây cất nhà cửa, điều kiện làm việc ở các công xưởng và phẩm chất không khí. Báo cáo của Chadwick đã thôi thúc chính phủ Anh gia tăng đầu tư vào việc cải thiện môi trường đô thị và cuộc sống người lao động trong nhiều thập niên sau đó.

Kết nối các vấn đề dịch bệnh, môi trường với chính sách xã hội, Chadwick đã đặt nền tảng cho việc suy nghĩ lại về vai trò của chính phủ và y tế cộng đồng. Nỗ lực của ông giúp thuyết phục nhiều người Anh rằng vấn đề sức khỏe nằm trong các điều kiện xã hội, rằng chính phủ phải có trách nhiệm chính, đã dẫn tới không chỉ sự ra đời của Sở Y Tế Quốc Gia (National Health Services, NHS) mà còn tới nhiều dịch vụ y tế cộng đồng được tích hợp vào nhau trong một hệ thống phúc lợi xã hội rộng lớn.

Mỹ: Dịch bệnh là vấn đề đạo đức cá nhân

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, dịch tả đã không kích thích một suy nghĩ tương tự về trách nhiệm của nhà nước. Báo chí Mỹ tường thuật diễn tiến từng ngày của dịch tả ở Châu Âu, mô tả chi tiết con số người chết tăng vọt ở London, Paris, và các thành phố Châu Âu khác, nhưng người Mỹ vẫn không mấy lo lắng. Ban Y Tế thành phố New York, một cơ quan được lập ra tạm thời trong vài tháng vào mùa Hè năm 1832, trấn an dân chúng: “Dù cho dịch bệnh tấn công chúng ta trong hình thức đáng sợ của nó, hoặc nhờ ân sủng của Đấng Toàn Năng mà chúng ta thoát được, hoặc dẫu Thượng Đế mang thảm họa đến cửa nhà chúng ta, chúng ta và các đồng bào vẫn sẽ đối mặt với nó với lòng thanh thản.”

Đại dịch đã sớm lan tràn. Các lãnh đạo tôn giáo, các chính trị gia và cả Tổng Thống Andrew Jackson đều kêu gọi cả nước thực hành “một ngày chay tịnh, sám hối và cầu nguyện,” đi lễ nhà thờ để cầu xin sự tha thứ của Chúa như là phương cách để ngăn chặn đại dịch. Khi thời tiết trở lạnh, và dịch bệnh giảm đi, người ta tin rằng lời cầu nguyện của họ đã được “đáp lại.”

Nhưng tới những thập niên giữa thế kỷ 19, thiệt hại do dịch tả và các bệnh truyền nhiễm khác ở Mỹ là không thể phủ nhận được. Dịch tả, thương hàn, sốt vàng da lan tràn khắp các thành phố Bờ Đông, dọc theo những tuyến đường vận tải xuôi ngược sông Mississippi từ New Orleans, Louisiana, tới Minneapolis, Minnesota. Ở thành phố New York thời kỳ này, cứ 1,000 người dân thì có 48 người chết vì dịch tả; hàng ngàn người khác đã chết ở các vùng nông thôn miền Nam và miền Trung Tây, cả trẻ em và người lớn, cả người da đen và da trắng. Các học giả như John Griscom ở New York và Lemuel Shattuck ở Boston khảo sát các thành phố của họ và phát hiện những điều kiện xã hội giống như Chadwick đã mô tả ở Anh.

Năm 1844, học giả Griscom viết báo cáo “Tình trạng vệ sinh của dân chúng lao động ở New York,” mô phỏng báo cáo của Chadwick ở Anh hai năm trước đó nhưng đưa ra một cái nhìn khác. Ông Griscom cho rằng người nghèo và những thói quen mất vệ sinh của họ là nguồn gốc của dịch bệnh dù ông vẫn thừa nhận môi trường xã hội có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Thay vì đòi hỏi nhà nước phải có những luật lệ mới và có chiến lược đầu tư cải thiện môi trường sống, ông Griscom nhấn mạnh vào giáo dục. Ông cho rằng tôn giáo, giúp nâng cao đức hạnh của người nghèo và mục đích của việc chống dịch là nhắm tới một xã hội đạo đức hơn. “Dạy cho họ [người nghèo] biết cách sống, cách tránh bệnh tật và thanh thản hơn,” ông viết.

Khác với Anh Quốc, người Mỹ thời đó coi dịch bệnh là thất bại về đạo đức, là nỗi bất hạnh của những “người nghèo không xứng đáng;” những người đạo cao đức trọng và giàu có nói chung không phải lo rủi ro dịch bệnh. Từ đó giải pháp phòng và chống dịch dịch thuộc về trách nhiệm của từng người, vào sự ngoan đạo và trui rèn phẩm chất cá nhân, chứ không phải của chính phủ.

Cùng bị dịch, hai nhà lãnh đạo có hai quan điểm

Phản ứng khác nhau với đại dịch thổ tả trong thập niên 1830 không hoàn toàn quyết định hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia hoặc chính sách về sức khỏe cộng đồng nhưng nó cho thấy con đường mà hai nước Anh và Mỹ sẽ đi trong việc vạch ra trách nhiệm của chính phủ và của cá nhân liên quan tới chăm sóc sức khỏe và phòng chống các đại dịch tương tự.

Hồi Tháng Tư năm nay, Thủ Tướng Anh Boris Johnson trở thành một trong vài nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị nhiễm virus Corona; ông phải nằm bệnh viện gần tuần lễ, trong đó có vài ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Lúc bình phục, ông Johnson đã dùng trường hợp của chính mình để ca ngợi Sở Y Tế Quốc Gia (NHS) – tức là hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng do chính phủ điều hành và được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ. “NHS đã cứu mạng tôi, đó là điều chắc chắn,” ông Johnson nói trong ngày ra viện và khẳng định Anh Quốc sẽ ngăn chặn được đại dịch COVID-19 “bởi vì NHS của chúng ta là trái tim đang đập của đất nước. Đó là điều tốt nhất của đất nước. NHS sẽ không bị khuất phục. NHS được vận hành bởi tình yêu thương.”

Vài tháng sau đó Tổng Thống Mỹ Donald Trump cũng bị nhiễm virus Corona và cũng nằm điều trị trong bệnh viện của quân đội, được điều trị bằng những liệu pháp tối tân nhất. Nhưng việc nằm bệnh viện và được cứu chữa không làm ông Trump cảm thấy kính nể các định chế xã hội hoặc hạ tầng y tế công cộng mà chỉ làm tăng niềm thán phục chính bản thân ông. “Tôi nghĩ tôi đã vượt qua [bệnh tật] mà không cần thuốc men. Bạn không thật sự cần thuốc men,” ông nói trên đài Fox News sau khi ra viện, và khuyên người dân Mỹ không nên lo lắng, “COVID không có gì đáng sợ,” ông nói.

Phản ứng trái ngược nhau của ông Johnson và ông Trump sau khi bình phục từ COVID-19 là do hai tính cách khác nhau, nhưng cũng phản ảnh một sự khác biệt về quan niệm đã in sâu giữa Anh Quốc và Mỹ. Ông Johnson khẳng định chống dịch bệnh là nhiệm vụ của toàn xã hội, của chính phủ, trong khi ông Trump coi đó là cuộc đấu tranh của cá nhân. Sự khác biệt đó biểu thị hiện mạnh trong các phương thức chăm sóc y tế khác hẳn nhau giữa hai nước. Công dân Anh Quốc được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe phổ quát và phần lớn là miễn phí trong một hệ thống y tế quốc gia do nhà nước điều hành trong khi Hoa Kỳ có một hệ thống rối rắm các dịch vụ bảo hiểm y tế tư nhân ràng buộc với công việc làm.

Anh Quốc, sau những cuộc tranh luận kéo dài hàng trăm năm giữa những người bảo thủ, cấp tiến, cải cách, tự do… đã hình thành một nhà nước phúc lợi xã hội, coi lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và bất bình đẳng kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với nhau và chính phủ có vai trò điều tiết vì lợi ích chung mà không phân biệt tình trạng của từng cá nhân. Ở Hoa Kỳ thì khác, việc chăm sóc sức khỏe được phân tầng theo giá trị xã hội và của từng cá nhân: các công ty bảo hiểm y tế tư nhân phục vụ những người khỏe mạnh và có công ăn việc làm (mất việc thì mất luôn bảo hiểm y tế), người già được hưởng Medicare từ tiền thuế họ đã đóng khi còn lao động, còn người nghèo thì được chăm sóc theo chương trình Medicaid – được coi như chương trình “từ thiện” cho những người không có nhiều giá trị xã hội. Hậu quả là, nhiều định chế của Mỹ, kể cả các bệnh viện và dịch vụ xã hội có khuynh hướng coi nỗi đau đớn bệnh tật là chuyện cá nhân của từng người mà chính phủ không phải chịu trách nhiệm gì cả như ông Trump từng phát biểu.

Đại dịch khó kết thúc sớm

Cuộc khủng hoảng xã hội và y tế thế kỷ 19 đã tạo ra những đặc điểm khác nhau giữa Anh và Mỹ – cũng là sự khác biệt giữa Mỹ và các nước công nghiệp nói chung – kéo dài tới ngày nay. Khi Tổng Thống Trump và những người ủng hộ ông coi các khuyến nghị của các chuyên gia y tế cộng đồng như phải đeo khẩu trang, phải giữ khoảng cách, không được tụ tập đông người… là vi phạm quyền tự do cá nhân của họ, hoặc xem nhẹ tác hại của dịch bệnh và đề cao việc cầu nguyện, đi lễ nhà thờ, vô hình trung họ đã lặp lại những cách nhìn của thế kỷ trước, khi Mỹ và Anh Quốc phải vật lộn với đại dịch thổ tả và rút ra những kết luận khác nhau.

Thành công của Anh Quốc trong cuộc chống dịch COVID-19 tùy thuộc vào việc sử dụng các nguồn lực và thẩm quyền của nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng – điều mà ông Johnson ca ngợi khi ra khỏi bệnh viện, còn ở Mỹ thất bại trong cuộc chống dịch COVID-19 lại có phần do quan niệm của xã hội đề cao đạo đức và tự do cá nhân, coi nhẹ vai trò điều phối của chính phủ

Nước Mỹ đã có hơn 13 triệu người bị nhiễm virus Corona, hơn một phần tư triệu người đã tử vong, dẫn đầu thế giới, nhưng nhiều người Mỹ vẫn khước từ các biện pháp phòng dịch đơn giản họ vẫn tin rằng, phòng dịch như thế nào là vấn đề cá nhân của họ, là quyền tự do thiêng liêng mà chính phủ không được can thiệp – một quan niệm bị lầm tưởng là “giá trị bảo thủ” mà các Cha Già Lập Quốc (Founding Fathers) đã đề ra trong Hiến Pháp. Những ai có quan niệm khác, như đòi chính phủ phải đứng ra điều hành công cuộc chống dịch thay vì phó mặc cho ngành y tế, đòi mọi người phải tuân thủ những khuyến cáo của chuyên gia y tế và tôn trọng cộng đồng thì bị gán cho cái nhãn “cấp tiến,” “xã hội chủ nghĩa.”

Hơn 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống Trump – người cho rằng COVID-19 không đáng sợ và chính ông đã vượt qua bằng sức mạnh tinh thần của mình – là dấu hiệu cho thấy ở Mỹ, đại dịch sẽ khó kết thúc sớm. [qd]

Tags:
Trump 'chạy nước rút' giáng đòn lên Trung Quốc

Trump 'chạy nước rút' giáng đòn lên Trung Quốc

Trump vẫn tiến hành chống Trung Quốc quyết liệt

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất