Xem người Việt ở Mỹ lái xe hơi đi lượm rác về… dùng
‘Đừng có nói người giàu không đi lượm đồ nha. Nhiều khi người ta cần một vật dụng nào đó, ra bãi rác tìm, khỏi mất công đi mua. Ở Mỹ chuyện đó rất bình thường, không đi ăn cắp của ai, chẳng có gì mắc cỡ cả’ – Kohn, người Việt sống tại Mỹ chia sẻ.
23:00 30/11/2018
Lái xe hơi đi đến các bãi rác vào tháng 4 hoặc tháng 5 ở Santa Clara (Bắc Cali), người ta có thể nhặt nhạnh được chiếc xe đạp, cặp loa, bàn ủi… còn dùng được.
Mỗi năm một lần, vào các ngày cuối tuần trong tháng 4 hoặc tháng 5, người dân sống ở Santa Clara gom “rác” trong nhà ra bỏ thoải mái ở khu vực quy định, chờ chính quyền tổ chức mang đi tiêu hủy, không sợ bị tính phí thu gom rác. Những ngày khác trong năm, nếu đổ rác như vậy, người dân phải đóng tiền.
Đây cũng là ngày những người có thu nhập thấp tại Mỹ tranh thủ đi tìm những thứ “rác’ còn sử dụng được, mang về nhà dùng hoặc mang đi bán. Mang tiếng là rác, nhưng có những thứ còn dùng rất tốt, một số khác bị hư hỏng thì phải bỏ công sửa chữa.
Các bãi rác không nhớp nhúa, ô nhiễm, hôi thối như trong suy nghĩ của nhiều người, thậm chí khá sạch sẽ, gọn gàng. Hoàn toàn không có rác hữu cơ. Đồ còn phong phú hơn cả một chợ trời lớn, hầm bà lằng các thứ: Sofa, nệm, bàn, ghế, bánh xe đạp, dao, muỗng, loa, quạt máy, vali, đèn bàn, máy hút bụi, lò nướng…người ta mang đi quăng cho đỡ chật nhà.
Kohn, nam thanh niên đang định cư ở Mỹ cười: “Đừng nghĩ ở Mỹ là giàu sang, cũng phải đi lượm rác về xài đó nha. Tôi đang đi kiếm vài phụ kiện về ráp chiếc xe đạp ở nhà, khỏi tốn tiền mua. Thấy cái nào hay thì lượm, không thì thôi”.
Một chiếc xe đạp còn khá tốt, chỉ thiếu yên ngồi. Chẳng sao, cứ nhặt và đi sang bãi rác khác tìm cái yên vừa vặn thay thế. Một cái quạt máy còn chạy tốt, cánh quạt bị gãy, cũng vẫn lượm, lát nữa thế nào cũng tìm được cánh vừa vặn ở bãi rác khác.
Nói chung là chịu khó một chút, góp nhặt mỗi bãi rác một phụ kiện, người ta có thể ráp hoàn chỉnh một vật dụng nào đó. Đa phần là những đồ điện tử còn khá tốt, chẳng cần phải sửa, nhặt về là có thể dùng ngay.
Cầm cái máy hút bụi vừa nhặt trên tay, Kohn nói: “Cái máy này tôi chắc chắn là 70% còn dùng được. Nhiều khi nhà chật chội, người ta quăng đi cho trống”.
Chỉ một chiếc xe bán tải chạy ngang, Kohn cho biết: “Đi nhặt đồ phải đi bằng xe đó và đi từ sáng sớm mới còn đồ. Tôi đi muộn nên đồ không còn nhiều lắm, những nhóm người Mễ Tây Cơ đã lượm hết rồi, chỉ còn những thứ lặt vặt”.
Tiếp tục tấp xe hơi vào một bãi rác khác, lục lọi một hồi, Kohn thấy một chiếc tivi còn khá tốt. Ngắm nghía chiếc tivi, anh chàng bảo: “Tôi bảo đảm cái tivi này còn xài được. Do nó đời cũ quá người ta quăng đi đó”.
Một thùng giấy chứa nguyên cái bumper xe hơi còn mới cáu cạnh, chưa được dùng qua. Cả chục chiếc xe đạp thể thao còn mới chất đống. Có cả bộ máy tính hiệu Dell cũng bị quăng ra đường. Theo lời Kohn, đi nhặt đồ điện tử rất hên xui, phải mang về nhà cắm điện thử xem nó còn hoạt động không. Nếu không hoạt động thì mang ra quăng trở lại, chẳng sao cả.
Rẽ xe vào khu vực toàn những căn biệt thự sang trọng. Kohn đùa: “Khu này là khu nhà giàu. Để coi họ có quăng đồ kiểu nhà giàu không”. Bước xuống xe, đi quanh quẩn các bãi rác một hồi, Kohn cầm cái quạt, cái bàn ủi còn mới lên xong, lại bỏ xuống. Anh than phiền, khu nhà giàu nhưng quăng đồ bèo, không có đồ giá trị để nhặt.
“Năm ngoái tôi đi nhặt đồ, thấy cuộn ống nước còn mới nhưng không nhặt. Đến khi nhà cần dùng, phải chạy đi mua hết mấy chục đô la”, Kohn kể.
Ở Mỹ người thu nhập thấp có thể lái xe hơi đi lượm…rác như thế này
Một cái máy tỉa cây nằm trong đống lộn xộn. Kohn khẳng định cái máy còn dùng tốt, nhưng anh ta bỏ xuống, “nhường” cho ai cần thì đến lấy. Năm ngoái anh cũng nhặt được một cái rồi, vẫn còn dùng tốt.
Một phụ nữ (giấu tên) sống ở thành phố Winter Garden, bang Florida kể: “Năm 2011, chồng tôi thất nghiệp, ở nhà buồn quá nên cũng đi loanh hoanh trong khu vực gần nhà lượm những món đồ điện máy vẫn còn sử dụng được. Tôi thấy chật chội nhà, bày ra trước cửa bán. Những ngày cuối tuần cũng có nhiều người đến mua. Có tuần tôi bán được đến 500 usd, ít nhất cũng 200 usd. Ở Mỹ nếu chịu khó làm, thượng vàng hạ cám đều không ngại thì mau ổn định, chẳng sợ đói”.
Đại gia Nguyễn Đức An, người sống lâu năm ở Mỹ nói về nghề nhặt rác: “Người Mỹ họ không từ nan bất cứ việc gì, kể cả những công việc rất đỗi thấp kém, miễn sao lương thiện và không vi phạm luật pháp. Chính vì vậy, đi nhặt rác ở Mỹ về dùng chẳng có gì đáng xấu hổ”.
Học giả Mỹ: Thời kỳ 'tiếp xúc ngây thơ' với Trung Quốc đã qua
Một báo cáo mới cho rằng Bắc Kinh tìm cách lợi dụng sự cởi mở của xã hội dân chủ Mỹ để "thách thức, và đôi khi phá hoại, sự tự do, các quy chuẩn và luật lệ cốt lõi của nước Mỹ".