Xu hướng tập trung quyền lực kinh tế ở Mỹ

Các bài viết trên New York Times, Bloomberg và CNBC cho thấy một nhóm nhỏ các siêu tập đoàn đã thống trị nền kinh tế Mỹ – một biểu hiện rõ nét của xu hướng tập trung quyền lực kinh tế ở nước này.

13:30 20/08/2018

Biểu tượng Apple tại New York, Mỹ. 

Tính đến năm 2018, có 30 công ty ở Mỹ có cổ phiếu bán trên thị trường chứng khoán nắm giữ 50% lợi nhuận của cả nước Mỹ, trong khi đó, năm 1975, có đến 109 công ty mới tạo ra 50% lợi nhuận của cả nước.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, hiện 5 ngân hàng lớn của Mỹ kiểm soát 1/2 số tài sản trong hệ thống tài chính của Mỹ so với cuối thập niên 1990, 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ chỉ kiểm soát 1/5 số tài sản trong hệ thống tài chính.

Trong số các siêu tập đoàn của Mỹ, nhóm 5 công ty công nghệ (Apple, Amazon, Facebook, Netflix và Alphabet) được đánh giá là dẫn dắt sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế Mỹ. Hiện Apple và Google thâu tóm 99% doanh thu phần mềm điện thoại thông minh.

Trong khi, Facebook và Google thu 59 xu/ 1 USD tiền quảng cáo trực tuyến tại Mỹ, còn Amazon tạo sự thống trị hoàn toàn trong mảng mua sắm trực tuyến và đang mở rộng sang lĩnh vực âm nhạc và video trực tuyến.

Xét về sở hữu tài sản, Apple đạt hơn 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường (2/8/2018), lợi nhuận tăng lên 11,52 tỷ USD, tăng gần 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu của Apple được giao dịch ở mức 207,39 USD. Trong khi đó, Amazon hiện sở hữu 880 tỷ USD.

Để trở thành các siêu tập đoàn, quá trình thâu tóm, sáp nhập giữa các công ty diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây.Có 3/4 công ty trong ngành công nghiệp của Mỹ đã bị sáp nhập, hợp nhất kể từ năm 1980, trong đó sự sáp nhập thể hiện rõ nét trong lĩnh vực công nghệ.

Trong 10 năm qua, có 6 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ đã tiến hành sáp nhập thành 3 hãng. Hiện có 4 công ty kiểm soát 98% thị trường viễn thông của Mỹ, và có thể giảm xuống còn 3 công ty nếu T-Mobile và Sprint được phép sáp nhập.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xu hướng tập trung quyền lực kinh tế vào nhóm nhỏ công ty ở Mỹ thời gian qua đã giúp thúc đẩy kinh tế phát triển, dẫn dắt thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng.Sản phẩm (nhất là sản phẩm công nghệ) của các siêu tập đoàn đang định hình lại cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

iPhone là một trong những ví dụ tiêu biểu, sau khi được ra mắt vào năm 2007, sản phẩm này đã nhanh chóng chuyển đổi cách xã hội tương tác với công nghệ, với hơn 1,4 tỷ người sử dụng.

Các chuyên gia cũng cho rằng các siêu tập đoàn đang tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập ở Mỹ, thu hẹp tầng lớp trung lưu. Ngược lại với lợi nhuận thu được, các công ty này trả lương không tương xứng cho người lao động.

Xu hướng sáp nhập các công ty sẽ khiến cho số lượng ít các công ty trong một ngành nhất định, do đó, đồng nghĩa với việc các công ty này ít chịu áp lực tăng lương cho người lao động. Điều này diễn ra trong các ngành công nghiệp có kỹ năng chuyên môn cao, bởi vì người lao động khó tìm nơi khác để trả lương tốt hơn.

Các công ty này sẵn sàng hợp tác với nhau để giữ mức lương thấp bằng cách đưa các điều khoản vào hợp đồng với người lao động, ngăn chặn họ chuyển sang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh và đồng ý không thu hút chất xám của nhau.

Các nhà phân tích nhấn mạnh sức mạnh chi phối của các siêu tập đoàn không ngừng gia tăng sẽ khiến cho cơ chế chống độc quyền của các nước trở nên yếu đi, điều này sẽ giúp cho các siêu tập đoàn dễ dàng đạt được lợi ích kinh tế lớn hơn so với trước.

Trong thời gian qua, một số tập đoàn của Mỹ bị xử phạt hoặc bị cáo buộc có liên quan đến độc quyền hoặc gian lận trong quá trình hoạt động.

Google bị giới chức châu Âu phạt 5 tỷ USD vì vi phạm chống độc quyền khi tập đoàn này buộc các công ty điện thoại di động cài đặt các ứng dụng của Google trên điện thoại của họ.

Trong khi Facebook phải đối mặt với cáo buộc của giới chức Mỹ liên quan đến vi phạm bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, sử dụng dữ liệu người dùng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bê bối này khiến cổ phiếu của Facebook giảm 19%, mất gần 120 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày.

“Người khổng lồ” ngành thương mại điện tử Amazon từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc nợ thuế và lợi dụng dịch vụ bưu chính Mỹ vào các hoạt động kinh doanh.

Nếu những cáo buộc của ông Trump chuyển thành những thay đổi về chính sách của Mỹ, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Amazon trong thời gian tới. Với Apple, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc – nơi mà Apple tạo ra khoảng 18% doanh thu đang đe dọa đến lợi nhuận của tập đoàn này.

Bên cạnh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nếu các tập đoàn này gặp khủng hoảng, giới quan sát cho rằng những ảnh hưởng về mặt chính trị – xã hội rộng lớn của các tập đoàn này đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ yêu cầu cần có thêm quy định để kiềm chế họ 

Theo Bnews

Tags:
Món sườn bò dâu tây lấy cảm hứng từ món ăn Việt 'gây thương nhớ' ở Mỹ

Món sườn bò dâu tây lấy cảm hứng từ món ăn Việt 'gây thương nhớ' ở Mỹ

Sự kết hợp giữa giữa sườn và dâu tây được một đầu bếp lấy cảm hứng từ món ăn trong một lần du lịch đến Việt Nam mang đến trải nghiệm thú vị cho thực khách.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất