'Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng không nhờ chiến tranh thương mại'
Theo TS Trần Đình Thiên, kinh tế Việt Nam đã tốt lên từ 3 năm nay, trong đó có xuất khẩu, chứ không nhờ vào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
05:00 17/08/2019
Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 17,8 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Trước đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khởi phát vào tháng 6/2018, được vài ý kiến cho là một phần yếu tố giúp xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng kinh tế Việt Nam đi lên nửa đầu năm nay không nhờ chiến tranh thương mại bên ngoài.
"Kinh tế đã phát triển tốt từ khoảng 3 năm trở lại đây chứ không phải từ khi chiến tranh thương mại nổ ra. Thành quả đó nhờ vào cải cách kinh tế vĩ mô, giúp là điểm đến và trú ẩn của nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng ta hấp dẫn vì đã ký được các hiệp định thương mại đẳng cấp cao như EVFTA hay CPTPP. Thông qua đó, nhà đầu tư tin tưởng quá trình cải cách sẽ được đảm bảo", ông Thiên nói tại 'Diễn đàn Kinh doanh: Tiến vào kỷ nguyên số' do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên (ngồi giữa) phát biểu tại sự kiện chiều ngày 15/8 tại TP HCM. |
Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chỉ ra, dù tăng trưởng gần 30% nhưng thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ chỉ tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lần lượt tăng từ 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.
Do vậy, chiến tranh thương mại là lúc Việt Nam cần nhìn nhận kỹ hơn về những nguy cơ trước mắt và cơ hội dài hạn. Ví dụ, tỷ giá hối đoái của Việt Nam ở thế mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu chiến tranh tiền tệ xảy ra, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào khả năng ứng phó cũng như những động thái phản hồi của kinh tế Việt.
"Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của . Chúng ta có thể ảnh hưởng khi hai nước này va chạm lâu dài chứ không phải chuyện 'kiếm chác' ngắn hạn. Bối cảnh như vậy đặt vào một thời điểm mang tính thử thách để đạt đến đẳng cấp phát triển mới. Sáu tháng qua, đầu tư và thương mại tiến triển tốt nhưng có thể 'giông bão' sẽ nổi lên", ông Thiên nói.
Để bước sang 'đẳng cấp mới', sẵn sàng cho 'giông bão' nếu có, các chuyên gia đồng thuận rằng, Việt Nam phải chuyển mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên số. Hiện tại, hành trình này có cả thuận lợi lẫn thách thức.
Ông Chua Hak Bin - chuyên gia kinh tế cao cấp MayBank Kim Eng nhận xét dòng chảy FDI vào rất ổn định trong 20 năm qua. "Điều đáng khen ngợi là FDI Việt Nam được đầu tư phân tán và không bị phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ nước nào," ông Chua nhận định.
Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam khá thấp. Ông Nguyễn Đức Thuấn , Chủ tịch TBS Group, thành viên Hội đồng tiên lương quốc gia nói rằng Việt Nam đang trong thời điểm vàng lao động với 53 triệu người lao động.
Song, năng suất bình quân thấp vì 30% lao động làm nông nghiệp, 10% làm trong cơ quan công quyền và chỉ còn lại khoảng 30% tạo ra giá trị gia tăng cao. Do đó, theo ông phải chuyển mạnh cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đồng thời, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất.
"Cái khó nhất là phải tạo ra nền tảng cơ bản về công nghệ học của hệ thống. Các doanh nghiệp phải xây dựng được dữ liệu lớn (Big Data), các trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển. Còn những việc khác như ứng dụng điện toán đám mây... thì có thể đi thuê", ông Thuấn khuyến nghị.
Theo ông Bruce Delteil, Đối tác điều hành McKinsey&Company, thâm nhập Internet và sử dụng smartphone khá nhanh so với nhiều nước Đông Nam Á và sự sẵn sàng là 'cực kỳ cao'. Do đó, con đường bước vào số hóa là rất nhiều cơ hội. Tất nhiên, doanh nghiệp cần phải được giúp đỡ để hiểu rõ chuyển đổi số là gì. "Tôi nghĩ thách thức chính cho bất kỳ công ty nào là hiểu được bản chất của việc chuyển đổi số mà họ làm", vị chuyên gia nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ một doanh nghiệp truyền thống sang áp dụng những giải pháp chuyển đổi số, ông Lê Trí Thông - CEO PNJ nói rằng doanh nghiệp cần có tầm nhìn, nhưng không phải là tầm nhìn cố định mà linh động theo thời gian, vì công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Ngoài ra, cần phải có sự 'lì lợm' và quyết tâm vì chuyển đổi số là quá trình 'tiến hóa' nên không thể có kết quả ngay.
"Cuộc chiến thương mại là cơ hội rất lớn để thoát khỏi nền tảng yếu kém cũ và sang cái mới. Nếu không bước được vào kỷ nguyên số thì chúng ta bị loại khỏi cuộc chơi chứ chẳng phải tuột hậu nữa", ông Trần Đình Thiên nói.
Nguồn: VnExpress.net
Báo Mỹ nhận định về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng ông muốn một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế Mỹ có thể rơi vào một đợt suy thoái lớn.