Xúc động ca mổ đặc biệt đón bé sơ sinh từ người mẹ ung thư giai đoạn cuối

Khi biết mình đang bị ung thư giai đoạn cuối, chị Nguyễn Thị L. đã đưa ra một quyết định dũng cảm, đó là ngừng điều trị bệnh để giữ đứa con trong bụng và chiều ngày 22/5, đứa trẻ đã chào đời tại Bệnh viện K (Hà Nội).

00:00 24/05/2019

Khó khăn nhất với ca mổ cho chị L. là nguy cơ đờ tử cung và chảy máu khi mổ, khi đó có thể phải cắt cả tử cung để cứu mẹ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ca mổ được tiến hành chiều 22/5 tại Bệnh viện K, để chào đón em bé Đỗ Bình An, ra đời ở tuần thai thứ 31 của thai kỳ. 

Khi chào đời, bé An được đưa nhanh ra xe cấp cứu để chuyển lên Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh Bệnh viện Phụ sản trung ương. Mẹ bé tiếp tục ở lại điều trị tại Bệnh viện K khi chứng bệnh ung thư quái ác đã ở giai đoạn muộn.

Video ca “vượt cạn” của chị Nguyễn Thị L. tại Bệnh viện K (Hà Nội) vào chiều 22/5. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Theo bác sĩ Trần Danh Cường – giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, đây là một ca mổ đẻ đặc biệt: Mổ đẻ ở Bệnh viện K, mẹ bé được mổ ở tư thế ngồi, mẹ bé đã thở khó từ trước ca mổ 1 ngày… 

Khi Bình An chào đời, câu đầu tiên mẹ bé hỏi thăm là em bé nặng bao nhiêu. Mẹ bé quan tâm, bởi Bình An sinh non và thời gian rất quý giá với cả mẹ và con.

Thời gian quý giá với cả mẹ và con

Hai tháng trước, hôm 20/3, gia đình anh Đỗ Văn Hùng và vợ là chị Nguyễn Thị L. ở Lý Nhân, Hà Nam đón một tin xấu: chị L. bị ung thư vú giai đoạn muộn. Chị L. 28 tuổi, đang mang thai con thứ hai ở tháng thứ 5, đột nhiên thấy một cái hạch ở cổ, đi khám, bác sĩ nói nên đến Bệnh viện K.

Khi chị L. đến Bệnh viện K, bệnh đã ở giai đoạn muộn, chị lại đang mang thai. Bác sĩ hỏi thăm gia đình có muốn giữ bé hay không? Giữ bé thì có nguy cơ đối với cả mẹ và con, vì chị L. rất cần tận dụng từng ngày để chữa bệnh, chữa sớm ngày nào thì quý ngày đó. Chưa kể giai đoạn mang thai miễn dịch suy giảm, bệnh có thể tiến triển nhanh hơn.

Chị Nguyễn Thị L. đang được bác sĩ động viên trước khi bước vào ca mổ đẻ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhưng là người mẹ, nhìn đứa con đã tượng hình ở tháng thứ 5, chị L. mong muốn giữ cháu, mong giữ thêm ngày nào trong bụng mẹ thì tốt ngày đó. Những ngày tháng vừa mang thai vừa chữa bệnh với chị là những ngày rất khó khăn: Chị nôn suốt, không ăn uống được, liên tục khó thở, sức khỏe kiệt quệ…

Dường như hiểu được mẹ gặp khó, em bé trong bụng vẫn lớn lên từng ngày. Vợ chồng anh Hùng hi vọng bé sẽ an toàn chào đời để mẹ bé được điều trị. Hai tháng qua, các bác sĩ Bệnh viện K đã nỗ lực từng ngày, mong sao giữ cháu bé thêm trong bụng mẹ và chị L. vẫn tận dụng được thời gian để chữa bệnh. 

Nhưng đến chiều 21/5, chị L. bắt đầu gặp những biến chứng xấu, khó thở nặng, nguy cơ với cả mẹ và con. Các bác sĩ đã quyết định hồi sức cho chị để phẫu thuật đón bé vào ngày 22/5, khi thai kỳ ở tuần thai 31.

Bên hành lang gần phòng mổ chiều ngày 22/5, mắt anh Hùng đỏ hoe. Chốc chốc, giọt nước mắt lại chực ứa ra trên đôi mắt người đàn ông lam lũ. Anh Hùng hồi hộp, cùng lúc gia đình anh có hai người trong phòng mổ kia, mong sao anh đón được cả mẹ và con về nhà, mong sao những ngày buồn sẽ qua đi…

Mong ước được bình an

Theo bác sĩ Cường, khó khăn nhất với ca mổ cho chị L. là nguy cơ đờ tử cung và chảy máu khi mổ, khi đó có thể phải cắt cả tử cung để cứu mẹ. Ca mổ phải tiến hành thật nhanh. Dù đã nhiều năm trong nghề, với êkip gây mê toàn các chuyên gia, với kíp bác sĩ, nữ hộ sinh 8 người của Bệnh viện Phụ sản trung ương nhưng ông Cường vẫn trải qua một ca mổ đáng nhớ trong đời. Lần đầu tiên, ông mổ đẻ khi bệnh nhân ngồi…

“Khi chào đời, em bé khóc to, nặng khoảng 1,6 kg, được đưa ngay ra xe cấp cứu về Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản trung ương. Trước đây, các bác sĩ Việt Nam gặp khó khăn nếu trẻ sinh non tháng (thai đưới 30 tuần), nhưng giờ chúng tôi đã nuôi thành công những bé nặng dưới 500gr, chưa đầy 25 tuần thai. Các em bé sinh ở tuần thai thứ 28 trở lên có tiên lượng hồi phục rất tốt”- ông Cường nói.

Chị L. đang được các bác sĩ gây mê trước khi bước vào ca mổ đẻ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo bác sĩ Cường, ca mổ chiều nay diễn ra thuận lợi, chị L. được cầm máu tốt. Những ngày tới đây là giai đoạn điều trị hóa chất, phẫu thuật cắt bỏ khối u… Một chặng đường còn rất dài ở phía trước. Vài năm trước, từng có một người mẹ là thiếu úy công an đã quyết định tạm hoãn điều trị ung thư để nuôi dưỡng mầm sống trong mình, chị ấy ra đi khi con trai chưa tròn một tháng tuổi. 

“Mong gia đình chị L. sẽ đón cả mẹ và bé về nhà”- ông Cường nói, sau khi kết thúc một ca mổ đặc biệt trong cuộc đời mình, để mở ra một cuộc đời mới có tên là Bình An. 

Đêm nay, Bình An sẽ ngủ giấc ngủ riêng đầu tiên trong cuộc đời mình.

Ca mổ kéo dài khoảng 10 phút, êkip gây mê toàn các chuyên gia, với kíp bác sĩ, nữ hộ sinh 8 người của Bệnh viện Phụ sản trung ương cùng nhiều bác sĩ Bệnh viện K – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngay sau khi chào đời, bé Đỗ Bình An được các bác sĩ và hộ sinh kiểm tra sức khoẻ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Do sinh thiếu tháng nên bé Bình An phải được chăm sóc đặc biệt – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngay sau khi bé chào đời, cha của bé là anh Đỗ Văn Hùng đã đặt tên con là Bình An với mong muốn con được an lành và mạnh khoẻ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sau khoảng 15 phút chuẩn bị, các bác sĩ đã đưa bé Bình An từ Bệnh viên K sang Bệnh viện Phụ sản trung ương để chăm sóc đặc biệt – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các điều dưỡng viên đang chăm sóc cho Bình An – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Anh Đỗ Văn Hùng, chồng của chị Nguyễn Thị L., đã bật khóc sau khi con trai chào đời. Anh Hùng sẽ ở lại Bệnh viện K để chăm vợ, còn bé Bình An sẽ được bà và các bác trông nom – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo Tuổi Trẻ

Tags:
Xúc động hình ảnh bên trong tang lễ của nghệ sĩ Anh Vũ tại Mỹ

Xúc động hình ảnh bên trong tang lễ của nghệ sĩ Anh Vũ tại Mỹ

Sáng 6/4, theo giờ địa phương, ca sĩ Leon Vũ và các nghệ sĩ đồng nghiệp tại Mỹ đã tổ chức tang lễ nghệ sĩ Anh Vũ tại nhà quàn An Lạc tại tiểu bang California – Mỹ. Nhiều nghệ sĩ đã đến thắp hương, tiễn đưa nghệ sĩ Anh Vũ trong niềm tiếc thương.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất