Xúc phạm trên Facebook, xin lỗi ở đâu?

08:30 07/01/2016

Sáng 7-1, TAND quận 2, TP.HCM sẽ tuyên án vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm giữa bà NT (ngụ quận 4) kiện ông TGN (ngụ quận 2). Đây là vụ án dư luận khá quan tâm do vụ việc gần gũi với đời sống thực tế hiện nay có liên quan đến mạng xã hội nổi tiếng Facebook.

3
ảnh minh họa
Nội dung vụ án, sau khi chia tay và… trả lại quà tặng thì bà T. phát hiện ông N. đã đăng trên Facebook của ông với những nội dung “vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi cực kỳ nghiêm trọng” như lời bà T.

Ông N. tự ý đưa lên Facebook (ở chế độ mọi người, ai cũng xem được) bốn hình nhạy cảm của bà T. và đính kèm nhiều thông tin bịa đặt, nội dung rất thô tục. Bà T. tố cáo sự việc đến Công an quận 2, công an đã xử phạt hành chính ông N. 7,5 triệu đồng về hành vi truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác theo Nghị định 174/2013. Sau đó, bà T. nộp đơn khởi kiện đến tòa yêu cầu ông N. xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (tổng cộng 35,2 triệu đồng).

Điều đáng nói, việc xin lỗi (nếu được tòa chấp nhận, yêu cầu ông N. thực hiện) thì sẽ thực hiện tại đâu, trên báo chí (như bà T. yêu cầu) hay trên mạng xã hội Facebook?

Nhiều chuyên gia luật và luật sư cũng có những ý kiến bày tỏ quan điểm về vụ án này, PLO xin giới thiệu một số ý kiến.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM: Xin lỗi ở nơi xuất phát thông tin

Có thể thấy đây là một vụ việc mà hiện nay luật chưa quy định cụ thể việc xin lỗi công khai đó được diễn ra ở đâu? theo hình thức nào?… Tuy nhiên theo tôi, với sự việc này việc bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải xin lỗi công khai do có những hình ảnh, lời lẽ xúc phạm danh dự uy tín của cá nhân mình trên Facebook. Như vậy có thể thấy việc xúc phạm đó được xuất phát từ Facebook nên những thông tin đó sẽ được lan truyền trên trang mạng xã hội này. Vì thế nếu kết quả giải quyết của tòa án buộc người có những hành vi xúc phạm đó phải xin lỗi công khai và phải đính chính sự việc thì theo tôi, nơi để thực hiện việc đó phải là nơi xuất phát những thông tin không đúng đó.

Theo quy định của pháp luật thì người có hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người khác phải có nghĩa vụ xin lỗi công khai người đã bị xúc phạm. Nội dung xin lỗi phải thể hiện được những thông tin, hình ảnh mình đưa ra là không đúng sự thật. Còn nếu người tung những thông tin đó cho rằng đó là sự thật nên không có nghĩa vụ phải đính chính thì trong trường hợp này, tôi cho rằng hành vi đó là vi phạm vì việc sử dụng hình ảnh, thông tin đời tư của một cá nhân nào đó nhưng chưa được sự đồng ý của người đó thì trách nhiệm của người đã đưa thông tin đó là phải tháo gỡ những hình ảnh, thông tin đó khỏi Facebook cùng với lời xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được phép làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM: Xin lỗi công khai tại tòa cũng là chế tài phù hợp

Đây là hành vi mà Điều 12/d Luật CNTT 2006 nghiêm cấm  “… Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân” vì vậy việc xử phạt VPHC theo Nghị định 174/2013 là đúng. Đây là quan hệ pháp luật hành chính. Phần dân sự với trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phải đề cập và tùy theo sự chứng minh thiệt hại của nguyên đơn khi đối chiếu pháp luật và sự hợp lý thì tòa sẽ xác định là chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu.

Với hành vi xúc phạm trên Facebook dùng chế độ công khai, tức mọi người đều xem được thì tác hại đã xảy ra nhưng để xác định mức độ thì không dễ dàng. Chắc chắn tòa không thể căn cứ vào mức “like” hay “view” tin đó từ Facebook mà xác định sự tác hại để suy ra sự thiệt hại. Bởi hiện tại chưa có quy định pháp luật nào quy định chi tiết vấn đề này. Như vậy chỉ còn việc chứng minh của nguyên đơn về sự thiệt hại của mình khi bị bôi nhọ, xúc phạm và những chi phí vật chất để khắc phục làm căn cứ yêu cầu tòa. Nếu đủ căn cứ chứng minh với đầy đủ nguyên tắc khách quan, hợp pháp, liên quan về chứng cứ lẫn nguyên tắc trực tiếp, liên quan của thiệt hại thì tòa sẽ chấp nhận dù khoản này có cao bao nhiêu đi nữa.

Đối với lời xin lỗi, chế tài phổ biến trong các vụ án loại này phải xin lỗi công khai tại tòa cũng là chế tài phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về việc có đăng tải lời xin lỗi tại chính Facebook của người đã đăng tin bôi nhọ kia thì tòa có thể áp dụng nguyên tắc tương tự theo quy định của Luật Báo chí về việc đăng lời xin lỗi, cải chính và đúng vị trí và số lượng chữ, hình tương ứng với phần nội dung bôi nhọ, xúc phạm.

Trường hợp người bị xúc phạm (trường hợp này là nguyên đơn) thì có thể sử dụng bản án công khai kia (đã có hiệu lực pháp luật) để đăng báo hay bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào để công khai nội dung mà không xem là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên vì luật không quy định nên chi phí thì tự chịu.

Chị Lê Nguyễn Hương Trà có Facebook được cộng đồng mạng quan tâm nhiều nhất: Rất khó cưỡng chế người vi phạm thực hiện việc xin lỗi

Hiện cộng đồng Facebook chia ra thành hai dạng người chơi ẩn danh và những Facebook có tên tuổi rõ ràng. Việc yêu cầu xin lỗi do xúc phạm trên Facebook hiện chưa có tiền lệ nên quan trọng nhất theo tôi vẫn là văn hóa ứng xử giữa người với người khi luật chưa có dự liệu và cũng rất khó cưỡng chế người vi phạm thực hiện việc xin lỗi. Có thể đưa ra ví dụ gần đây khi một Facebooker đưa thông tin về trễ chuyến bay chưa đúng sau khi được trao đổi người này đã post một status khác đính chính lại vụ việc. Vì Facebook là mạng cộng đồng nên cần có những cách cư xử văn minh.

Phong Linh/Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Tags:
Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Chưa bao giờ các lời mời chào viết luận, làm bài tập hộ lại trắng trợn và tràn lan trên những diễn đàn, nhóm hội du học sinh trên Facebook như bây giờ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất