Y tá ám ảnh bởi lời cuối của bệnh nhân Covid-19
Derrick Smith, y tá chuyên khoa gây mê, không lạ với sự ra đi của các bệnh nhân. Nhưng Covid-19 khiến anh nhìn thực tế "đáng sợ hơn nhiều".
22:30 13/04/2020
Smith đang làm việc tại một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở thành phố New York. Anh nhớ những lời cuối cùng đầy bi thảm của một người đàn ông sắp chết: "Ai sẽ trả tiền viện phí cho tôi?". Bệnh nhân hỏi Smith giữa những hơi thở mệt nhọc.
"Đó là những lời cuối cùng tôi sẽ không bao giờ quên", Smith chia sẻ.
Bệnh nhân này bị suy hô hấp nặng. Smith giải thích cho anh ta rằng sẽ phải thở máy, đưa một ống nhựa vào trong phổi mới có cơ may sống sót. Nhưng mối quan tâm chính của bệnh nhân lúc đó vẫn là "ai trả tiền cho tôi?".
Tiên đoán bệnh nhân có thể không hồi phục sau khi thở máy, Smith và các đồng nghiệp đã gọi cho vợ của anh để họ nói với nhau lời cuối qua điện thoại. Nhiều bệnh nhân Covid-19 chết sau khi được cho thở máy, tỷ lệ này lên tới 80%, Smith nói.
Smith gọi câu chuyện này là "điều tồi tệ nhất" mà anh đã chứng kiến trong 12 năm hành nghề chăm sóc bệnh nhân nặng và gây mê.
"Tôi rất buồn và thành thật có một chút kinh hoàng. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã thất bại khi để người bệnh phải lo lắng về tiền, khi họ đang phải chiến đấu giữa sống và chết.
"Đại dịch xảy ra cho thấy rất nhiều bất cập về xã hội ở Mỹ, không chỉ là phản ứng với chính đại dịch, mà cả cách tiếp cận với bảo hiểm y tế", Smith nói.
Mỹ là nước phát triển duy nhất không có hệ thống chăm sóc sức khoẻ phổ cập cho toàn dân. Gần 28 triệu người Mỹ không nằm trong nhóm cao tuổi, tương đương 10,4%, không được bảo hiểm trong năm 2018, theo dữ liệu gần đây nhất của Cục điều tra dân số.
Khi đại dịch xảy ra, khoảng 16,8 triệu công nhân Mỹ, chiếm khoảng 11% lực lượng lao động, nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp. Đối với những người Mỹ đang thất nghiệp, đây là một cuộc khủng hoảng lớn, bởi họ sẽ không còn được nhận bảo hiểm từ công ty.
Larry Levitt, Phó chủ tịch điều hành chính sách y tế tại Kaiser thừa nhận: "Xử lý Covid-19 với hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm không đầy đủ là một thách thức của Mỹ so với các nước phát triển".
Lo ngại chi phí cao có thể khiến người dân ít đi xét nghiệm khi có triệu chứng, nhiều công ty bảo hiểm và một số tiểu bang có chính sách miễn các khoản phí xét nghiệm nCoV cho một số trường hợp. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải trả tiền cho việc thăm khám, các xét nghiệm khác và điều trị nCoV.
"Nhiều người mất việc do đại dịch sẽ khiến tỷ lệ dân số không có bảo hiểm tăng lên. Một phân tích mới đây cho thấy phí bảo hiểm có thể tăng đến 40% vào năm tới, đó sẽ là một vấn đề lớn hơn mà chúng ta cần quan tâm", Smith nói.
Tính đến ngày 12/4, toàn thế giới ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 108.000 người chết, Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn nửa triệu ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong.
Lê Cầm (Theo CNN)
Link nguồn: https://vnexpress.net/y-ta-am-anh-boi-loi-cuoi-cua-benh-nhan-covid-19-4083553.html
Giữa dịch Covid-19, chủ nhà hàng Việt ở Cali tặng cơm sườn, gỏi cuốn… cho bác sĩ Mỹ
Chị Helen Nguyễn, chủ nhà hàng Phở Hà Nội ở California đã tặng các món cơm Việt như cơm gà, cơm tôm rang me, cơm sườn… cho các bác các sĩ, y tá để động viên tinh thần những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.