Yêu cầu của khách Việt khiến nhân viên khách sạn ‘dở khóc dở cười’
Một khách trả phòng trước giờ quy định một tiếng và yêu cầu được nhận lại số tiền tương ứng với thời gian không sử dụng đó.
11:00 27/05/2019
Ngày nay, người Việt đi du lịch ngày càng đông. Theo nhận xét của nhiều người làm trong ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khách Việt phần lớn là những người lịch sự, văn minh. Nhưng không ít trường hợp khiến các lễ tân, bộ phận phục vụ… phải khó xử.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, 33 tuổi, sống ở Sài Gòn, có thâm niên hơn 13 năm làm việc tại các khách sạn, chia sẻ một kỷ niệm. Khi đó, anh làm tại Phú Quốc và phải đón tiếp đoàn đến thuê biệt thự có tầm nhìn ra biển.
Anh Bảo hiện là đại diện chủ đầu tư một khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng.
Trong lúc dẫn khách nhận phòng, trưởng đoàn thắc mắc tại sao villa của mình lại đắt hơn villa đối diện. Anh Bảo giải thích do khác biệt về vị trí, một căn nằm ngay cạnh biển, căn còn lại hướng ra sân vườn, tầm nhìn không đẹp bằng và đường ra biển xa hơn. Nghe vậy, người khách liền bảo: “Vậy tôi vẫn ở villa sát biển này, nhưng không đi ra biển theo lối gần, mà đi vòng giống biệt thự kia, thì được giá rẻ hơn phải không”.
“Lúc đó tôi trả lời khách là được. Họ có vẻ rất hài lòng. Sau đó, tôi nói yêu cầu để được điều chỉnh giá: Kỹ thuật và nhân viên sẽ che lại tầm nhìn, khóa cửa ở lối ra biển… khách mới thôi không kỳ kèo bớt giá phòng nữa”, anh Bảo nhớ lại.
Sau này, anh Bảo làm quản lý cho một khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng, cũng gặp tình huống trớ trêu. Khi trả phòng, một nhóm khách vây quanh nhân viên lễ tân mới vào làm và yêu cầu trả lại tiền phòng, vì khách sạn tính tiền từ 14h hôm trước đến 12h hôm sau. Nhưng họ chỉ ở đến 11h nên muốn nhận lại số tiền tương ứng với một giờ không ở đó.
Thấy tình huống căng thẳng, anh Bảo phải trợ giúp nhân viên lễ tân và giải thích để họ hiểu rằng ở Việt Nam chưa có quy định hoàn tiền như vậy. Cuối cùng, mọi việc được giải quyết ổn thỏa.
Nhiều khách đặt phòng có tầm nhìn ra biển, nhưng sau đó lại muốn được giảm giá bằng phòng có view nhìn ra sân vườn. Ảnh: Kim Ngọc.
Chị Hoàng Vy, nhân viên chăm sóc khách hàng của một khách sạn tại Hà Nội, cho biết từng gặp nhiều trường hợp khiến chị và đồng nghiệp khó xử khi phục vụ khách du lịch.
“Một khách nữ yêu cầu chúng tôi cung cấp phòng có tầm nhìn ra sông. Sau khi trả phòng, chị ấy lên TripAdvisor phàn nàn rằng con sông đó bẩn, ô nhiễm và chấm cho khách sạn 2 sao. Mọi người đều chỉ biết dở khóc dở cười nhìn nhau”, chị Vy kể.
Nhiều khách còn yêu cầu khách sạn cho mình thuê phòng giá rẻ nhưng lại phải đầy đủ yêu cầu như: tầm nhìn rộng, đẹp, tầng ở trên cao, phòng rộng, tiền phòng bao gồm ăn sáng, wifi mạnh, có thể ngủ được 5 người và kê thêm giường.
Tuy vậy, nhân viên khách sạn, nhà hàng cũng không ít lần cảm động vì lời nói, cử chỉ tốt đẹp của khách. Quỳnh Như, nhân viên phục vụ nhà hàng trong một khách sạn ở Đà Nẵng, là một trong số đó.
“Hồi đầu tháng 5, tôi phục vụ 4 du khách từ Sài Gòn ra Đà Nẵng du lịch. Số khách hôm đó không đủ để nhà hàng chuẩn bị buffet, nên chỉ phục vụ một số món chính. Tuy nhiên, các cô chú ấy tỏ ra thoải mái, vui vẻ. Lúc ăn xong chuẩn bị lên phòng, một chú trung niên, gương mặt hiền hậu cố nán lại, rồi dúi vội vào tay tôi hai tờ tiền và nói: chú lì xì cho con nè”, Như cho biết số tiền được tip không nhiều, nhưng cô cảm thấy rất vui.
Số tiền tip khách chưa kịp vuốt phẳng do đưa vội cho phục vụ, nhưng khiến Quỳnh Như có thêm động lực để yêu nghề. Ảnh: NVCC.
Anh Minh
Cư dân mạng chế giễu ‘vũ khí sắc bén của Trung Quốc’ trong chiến tranh thương mại
Việc chính quyền Trung Quốc đổi ý trong thỏa thuận thương mại với Mỹ đã khiến cho hình thế chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có sự chuyển biến ngược. Một mặt, Trung Quốc để cho Đài truyền hình Trung ương (CCTV) phát sóng 7 bộ phim “chống Mỹ”, một mặt lại hiệu triệu nội bộ đảng học “Tuyển tập Mao”, và gần đây lại nói về “Vạn lý trường chinh mới”. Nhiều người châm chọc rằng, “Những thứ này là vũ khí sắc bén để đối phó với chiến tranh thương mại chăng?”