Yêu cô gái Việt xinh đẹp ngay lần đầu gặp, chàng trai Mỹ quyết lấy làm vợ
Anh Phương không có dự định sang Mỹ học tiến sĩ, cho đến khi gặp Chance - chàng trai Mỹ thu hút cô ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
19:33 10/09/2023
Kết thúc một tuần trao đổi ngắn hạn tại Việt Nam, Chance Clark nói "rất thích" Vũ Anh Phương, nhưng tiếc nuối hai người sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Khoảng cách hơn 13.000 km giữa Việt Nam và Mỹ khiến Chance nghĩ rằng họ chỉ nên làm bạn.
"Hãy cho em một năm. Em nhất định sẽ sang Mỹ gặp anh", Phương nói. 6 tháng sau, cô gái Việt thực hiện được lời hứa, chính thức mở ra chuyện tình đẹp với chàng trai Mỹ.
Lời hứa với chàng trai Mỹ
Năm 2018, Chance Clark (SN 1997), sinh viên ngành Di truyền thực vật, Đại học Purdue (bang Indiana, Mỹ) sang Việt Nam theo chương trình trao đổi ngắn hạn (một tuần).
Khi đó, Anh Phương (SN 1996), sinh viên năm 3, chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được cử đón tiếp và dẫn đoàn của Chance.
"Chance có nụ cười rất tươi, gương mặt hiền lành và tỏ ra thích thú với những điều mới mẻ ở Việt Nam", cô gái Việt nhớ lại hình ảnh ban đầu về chàng trai Mỹ.
Phương để ý, khi cùng đoàn trao đổi với các chuyên gia hoặc các thầy cô người Việt, nếu những bạn khác có phần thờ ơ và không tập trung do rào cản ngôn ngữ, thì Chance luôn đứng hàng đầu, lắng nghe chăm chú, hỏi thêm nhiều thông tin.
Khi đoàn đến các tỉnh thành lân cận Hà Nội, ánh mắt của Chance luôn hướng ra cửa sổ xe buýt, ngắm nhìn đường phố và quang cảnh ở Việt Nam. Anh cũng chủ động lại gần Phương hỏi cách phát âm bằng tiếng Việt hay ý nghĩa của những từ trên biển quảng cáo. Kết thúc đợt tham quan, Chance thuyết trình về những điều đã học được ở Việt Nam.
"Chính sự yêu thích văn hóa Việt Nam và thái độ nghiêm túc học hỏi của anh ấy đã khiến tôi cực kỳ ấn tượng", Phương nhớ lại.
Sau này, Chance kể với Phương và gia đình, rằng ngay từ ánh nhìn đầu tiên, cô gái Việt đã thu hút anh với vẻ ngoài ưa nhìn, sự năng động, hoạt bát và tự tin. Anh nói, trong đoàn đón tiếp có nhiều bạn gái Việt Nam, nhưng ai cũng ngại ngùng và e thẹn, không dám bắt chuyện. Chỉ có Phương vui vẻ và tự tin trò chuyện với những người bạn Mỹ.
"Phương thể hiện quan điểm cá nhân rõ ràng, có vốn hiểu biết tương đối tốt về các chủ đề trong chương trình. Tôi rất thiện cảm với cô ấy", anh nhớ lại.
Chance xin kết bạn mạng xã hội với Phương, nhắn tin: "Anh rất ngưỡng mộ cô gái Việt Nam như em" và chủ động nắm tay cô.
"Nhưng Chance luôn nghĩ rằng tôi "tán" anh trước vì tôi cũng "bật tín hiệu đèn xanh" nhiều lần. Anh còn đưa ra "dẫn chứng" như tôi chủ động ngồi cạnh anh trên xe buýt, lại gần bắt chuyện, còn "giả vờ" ngủ gật trên vai anh", Phương cười, nói.
Cô nghĩ có lẽ cả hai đã cùng thích nhau, cùng "thả thính" nên không phân biệt ai là người chủ động trước hay sau.
Ngày Chance về nước, cứ ngỡ chuyện tình chưa kịp bắt đầu đã vội kết thúc, lời hứa "Hãy cho em một năm" của Anh Phương như một tia hy vọng với chàng trai Mỹ.
Mua nhẫn kim cương cầu hôn
Dù Anh Phương đã đỗ học bổng toàn phần Chính phủ YSEALI của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng 10 học bổng khác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, nhưng chỉ đến khi gặp Chance cô mới quyết tâm định hướng cuộc đời mình, sẽ đi Mỹ để học tập và làm việc lâu dài.
Mỗi tuần, nữ sinh phấn đấu "nạp" thêm 40 - 60 từ mới, học liên tục không nghỉ xuyên hè, lễ, Tết, cuối tuần.
Cô học hỏi từ các anh chị đi trước, lắng nghe kinh nghiệm, tổng hợp thành những bài học cho riêng mình. Do điều kiện tài chính không đủ, cô chỉ học 2 khóa tiếng Anh tại trung tâm, "vay tiền" bố mẹ và anh chị để mua sách văn học .
Phương cũng cân đối thời gian với rất nhiều hoạt động khác như học trên lớp sao cho điểm GPA (tổng kết môn) cao, điều hành CLB tiếng Anh của trường với tư cách là Chủ nhiệm CLB, tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khóa, tìm và chuẩn bị hồ sơ săn học bổng cùng lúc.
"Có những thời điểm tôi học chính trên lớp, chiều làm nghiên cứu khoa học, tối học tiếng Anh, GRE (bài kiểm tra điều kiện đầu vào bậc sau đại học), cuối tuần chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Tôi đã phải thường xuyên uống cà phê để có thể thức đêm, dậy sớm đi học", cô kể.
Sau 6 tháng, Phương xin thực tập làm khóa luận tốt nghiệp tại Đại học Missouri (thành phố Columbia, Mỹ). Lần đầu cô gặp Chance trên đất Mỹ cũng là lần đầu anh ngỏ lời yêu. Anh đã dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm dành cho Phương 3 ngày đi chơi ở thành phố Chicago.
Họ quyết định yêu xa, bang Missouri nơi Phương sinh sống cách bang của Chance 6 tiếng lái xe. Mỗi 2 tuần, anh sang gặp người yêu, chỉ kịp tranh thủ 24 tiếng cuối tuần.
Trước khi Phương về Việt Nam bảo vệ khóa luận đại học, Chance dành toàn bộ số tiền tiết kiệm suốt 2 năm, mua một chiếc nhẫn kim cương cầu hôn bạn gái. Anh đã dẫn Phương đến vườn bách thảo của thành phố St. Louis (bang Missouri) để ngỏ lời cầu hôn ngay trước ngày cô bay về Việt Nam.
Họ yêu xa thêm 6 tháng, trước khi Phương nhận thư mời học tiến sĩ tại Đại học Purdue. Chance cũng đã về Việt Nam gặp gia đình bạn gái để chính thức hỏi cưới.
"Vợ đi làm cho chồng yên tâm học tiến sĩ"
Tháng 11/2019, Phương và Chance nên duyên vợ chồng. Năm đầu sau hôn nhân là giai đoạn khó khăn với họ, bởi những khác biệt về văn hóa, cách giao tiếp và lối sống.
Thời điểm này, cả hai cùng học tiến sĩ, bị áp lực về học hành và tài chính, cũng khiến cuộc sống hôn nhân đầy "sóng gió".
Những lúc tranh cãi, cặp đôi thường im lặng, dành cho bản thân 10 phút bình tĩnh, sau đó chủ động nói chuyện thẳng thắn.
"Tôi thường trao đổi quan điểm rõ ràng với chồng, chứ không giận hờn hay im lặng", Phương nói.
Những buổi nói chuyện có thể kéo dài 1 - 2 tiếng đồng hồ, họ lắng nghe cách nhìn và quan điểm của nhau. Ai cảm thấy người kia đúng thì sẽ chủ động xin lỗi, làm lành trước. Tỷ lệ chủ động xin lỗi làm lành giữa hai vợ chồng là 50/50.
Sau khi cùng Chance vượt qua tất cả khó khăn trong năm đầu "học làm vợ chồng", Phương nhận thấy, nếu cả hai đều thực sự yêu và tôn trọng đối phương, biết lắng nghe và có tư duy mở, chung quan điểm về những giá trị cốt lõi, thì việc vượt qua những thử thách trong hôn nhân sẽ dễ dàng hơn.
"Mỗi lần xích mích, chúng tôi lại hiểu thêm được về nhau, cùng điều chỉnh bản thân để trở thành một người bạn đời tốt hơn, cũng như hiểu thêm đối phương cần gì ở mình", cô dâu Việt chia sẻ.
Phương và Chance cùng thống nhất quan điểm: "Gia đình là tất cả, là điều ưu tiên số một trước mọi điều khác" và "Không bao giờ lên giường đi ngủ khi cả hai còn đang cãi nhau và chưa tìm được tiếng nói chung".
Trong khi Chance luôn nói: "Anh thật may mắn khi có được em. Nhờ có người vợ có chí tiến thủ và chăm lo cho sự nghiệp như em mà anh tin rằng anh sẽ trở thành một người đàn ông thành công hơn", thì Phương luôn ngưỡng mộ tính cách trung thực, sống có trách nhiệm và tư duy phản biện cũng như tinh thần ham học hỏi của chồng.
Vợ chồng Phương hiện sinh sống tại bang Indiana. Cô làm việc cho một công ty lớn về công nghệ sinh học, đồng thời lập ra một Fanpage hỗ trợ tổng hợp thông tin học bổng và chia sẻ những kinh nghiệm bản thân.
Cô được mọi người gọi với cái tên "thợ săn học bổng", đã giúp đỡ hơn 200 sinh viên tiềm năng của Việt Nam xin được những suất học bổng toàn phần thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Mỗi ngày, Phương đều nhận được 10-15 tin nhắn từ những người đang tìm cách "săn" học bổng như cô trước đây.
"Thật mừng khi số lượng học sinh đỗ các loại học bổng khác nhau rất nhiều, có những bạn không chỉ đỗ một mà còn 3, 4 học bổng", cô hào hứng nói.
Còn Chance hiện theo học năm cuối bậc tiến sĩ, dự kiến tốt nghiệp tiến sĩ năm 27 tuổi ngành Di truyền thực vật tại Đại học Purdue - cùng trường với vợ.
Anh đã có 7 bài báo nghiên cứu khoa học công bố trên tạp chí danh tiếng với 100 trích dẫn, như: Nature Plants, Nature Communications, đồng thời là tác giả chính của bài báo trên Applied Theoretical Genetics.
Sau gần 4 năm kết hôn, vợ chồng Phương cảm thấy hạnh phúc và hiểu nhau hơn rất nhiều. Cô dâu Việt rất tự hào, dành cho người chồng Mỹ sự ngưỡng mộ tuyệt đối.
"Thành tích học tập của Chance hơn tôi rất nhiều. Nhưng điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả là nhân cách, thái độ nghiêm túc trong công việc và cách đối xử của anh với mọi người xung quanh", Phương tâm sự.
Đời người có '4 kiếp nạn' ai thoát được sẽ sống thọ ngoài 80
Cuộc đời mỗi người có 4 kiếp nạn về bệnh tật, nếu ai vượt qua sẽ sống lâu sống thọ.