16 năm nỗ lực để được sung túc của cô gái Sài Gòn trên đất Mỹ

Từ một người tiếng Anh bập bẹ, làm nail, cuốn chả giò, giờ chị Phương Thy đã có công việc đáng mơ và 4 ngôi nhà hàng trăm mét vuông.

12:30 19/10/2019

Chị Phương Thy, 39 tuổi, kết hôn với anh Robert, một người lính Mỹ hơn chị 12 tuổi năm 2001. Chị đã định cư ở quê chồng 16 năm nay và có hai đứa con xinh xắn. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, làm đủ thứ nghề, hiện giờ chị đã có cuộc sống khá sung túc trong ngôi nhà rộng gần 500m2, và đứng tên ba căn khác rộng hàng trăm mét vuông ở bang Oklahoma. Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình khẳng định bản thân nơi xứ người.

21/7/2001, ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, tôi đã nghĩ ngay tới việc sẽ tìm việc làm, để có tiền gửi về cho mẹ. Nhưng tiếng Anh của tôi khi đó còn bập bõm. Hai vợ chồng quyết định về sống chung với ba mẹ để tôi có thể học nói nhiều hơn.

3 tháng sau khi tiếng đã khá hơn một chút, tôi được mẹ chồng dẫn vào một công ty địa ốc rất lớn ở Oklahoma, nơi bà là phó giám đốc. Tôi được phân công việc làm trợ lý cho một khu chung cư gồm 156 hộ, tên Bright Place Apartment, vừa làm, vừa học nghề, học . Sau đó tôi được tín nhiệm quản lý sổ sách thêm cho một khu chung cư kế bên gồm 175 hộ. Từng học đại học kinh tế ở Việt Nam nên việc tính toán, quản lý với tôi không phải quá khó khăn.

Để kiếm thêm thu nhập, cuối tuần tôi tranh thủ làm 200 cái chả giò cho đồng nghiệp của chồng. Cô ấy có cửa hàng ăn nhanh, nên đặt tôi làm chả giò nhân thịt bò xay, heo xay… với chi phí 5 đôla/hộp cho 15 chiếc. Mỗi lần cuốn xong, lưng tôi như muốn sụn xuống vì quá mỏi.

Chị Thy chuẩn bị quà Noel cho các em nhỏ trong một khu chung cư của nhà nước.

Mọi việc tưởng như suôn sẻ, đến tháng 6 năm đó, tôi nhận được tin từ cấp trên là không được làm dưới quyền của mẹ chồng, lúc đó tinh thần tôi dường như bị sụp đổ. Nếu mất việc làm, mức lương nghề lính của chồng tôi không thể nào đủ trả tiền xe và tiền nhà mới mua năm 2003.

Tôi mải miết đi kiếm việc ở khắp nơi. Sau nhiều ngày đi gửi hồ sơ, tôi được nhận vào làm quản lý của một chung cư khác với 220 căn hộ. Đây là khu chung cư cho thuê chứ không bán. Người thuê sẽ phải trả tiền vào đầu tháng. Sau ngày mùng 5, nếu khách không trả, họ sẽ bị phạt tiền khoảng 50 đôla. Công cuộc đòi nợ sẽ kéo dài khoảng 2 tuần sau đó. Nếu họ vẫn không đóng, bên chung cư chúng tôi sẽ kiện họ ra tòa.

Khi làm quản lý ở đó, tôi phải kiêm công việc đi đòi tiền nhà, làm thủ tục ra tòa, làm hồ sơ cho người thuê mới… đến việc đi quảng cáo cho khu chung cư. Thậm chí, khi không có người làm tôi phải đi lượm rác ngoài bãi đậu xe, quét dọn nhà cho khách thuê… Nhìn tôi nhỏ bé, chỉ cao có 1m42 nên nhiều người thuê nhà từng hù dọa, quát nạt … nhưng tôi không tỏ ra sợ sệt. Từng sống trong gia cảnh nghèo khó, nên tôi cũng hiểu hoàn cảnh của họ, tùy từng trường hợp tôi mềm mỏng hay cứng rắn để có thể thu tiền được về cho chủ.

Phải gánh trên vai khối lượng công việc lớn nên tôi rất mệt mỏi, hôm nào về nhà cũng căng thẳng, nhiều khi còn nổi quạu với chồng. Bù lại, tôi được sếp rất tin tưởng. Mỗi lần, sếp tuyển khoảng 6 quản lý vào làm nhưng chỉ chừng hơn một năm là bị đuổi việc hết vì không làm được, sau cùng chỉ còn mình tôi đảm nhiệm. Nhờ công việc này nên tôi có khá nhiều mối quan hệ với các chủ chung cư, nhà đất, và những cán bộ nhà nước, nơi xét duyệt những hồ sơ trợ cấp cho người có thu nhập thấp…

Năm 2008, tôi mạnh dạn nộp đơn vào cơ quan nhà nước, Oklahoma City Housing Authority, nơi xét duyệt trợ cấp, giúp tiền nhà và nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên, lính, giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành, những người sa ngã, cai nghiện…. Xin vào đây không dễ, phải làm bài test, phỏng vấn kinh nghiệm sát sao. Tôi đã vượt qua 5 người có kinh nghiệm rất lâu năm, có bằng đại học ở Mỹ để được nhận vào. Tôi thậm chí còn thỏa thuận được với sếp mức lương cao hơn 

Chị Thy trước trụ sở nơi chị làm việc Oklahoma City Housing Authority.

Trong khoảng thời gian chờ nhận việc của nhà nước, tôi từng xin đi làm nail (làm móng tay) được 2 tháng, mặc dù không có bằng cấp, không biết gì về nghề nail, nhưng chủ vẫn nhận làm, vì mùa hè tiệm cần người. Nhưng chỉ vì một xích mích nhỏ, cô chủ đuổi hết 3 nhân viên trong đó có tôi và không trả tiền. Tôi và chồng đến năn nỉ, cô chủ không trả tôi hơn 1.000 đôla còn thiếu, còn thách thức đi kiện. Tôi đã nhờ luật sư, và cuối cùng cô chủ phải trả gấp 3 lần số tiền đó. Tôi vốn dĩ như vậy, đã làm điều gì là sẽ làm đến cùng, và làm hết sức.

Khi vào làm cho nhà nước, tôi luôn cố gắng khẳng định bản thân. Đồng nghiệp toàn trêu là có ca nào khó, cứ chuyển qua tôi, tôi sẽ xử lý hết. Hiện giờ tôi quản lý hơn 600 hồ sơ.

Ngày đi làm nhà nước, chiều về tôi chạy bàn thêm 3 buổi tối ở một nhà hàng của người Việt từ 5h30 tới 9h tối, nhận tiền boa mỗi tối khoảng 70-100 đôla. Tôi đi làm tối mắt tối mũi, về nhà người đã mệt nhoài nên không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Chồng và đồng nghiệp nói tôi nghỉ ở nhà cho mệt, sao phải vất vả như vậy nhưng tôi không muốn, tôi không thích một cuộc sống an nhàn, sáng cắp cặp đi làm, tối về nhà thảnh thơi. Quan trọng hơn là đi làm thêm tôi có thể tích góp được thêm tiền, thực hiện những dự định tôi mong muốn. Tôi chỉ nghỉ làm thêm ở nhà hàng khi có bầu em bé thứ 2, năm 2011.

Sau nhiều năm nỗ lực làm thêm nhiều việc, tôi đã có một khoản tích lũy kha khá và 4 căn nhà, trong khi nhiều đồng nghiệp và hàng xóm của tôi chỉ có một căn hoặc vẫn phải đi thuê. Để có thể mua được nhà giá tốt, tôi đã rất chật vật đấu giá, vì chồng tôi không rành về mấy việc này. Những kinh nghiệm trong thời gian làm việc giúp tôi có thể mua được nhà với giá tốt. Căn đầu tiên năm 2003, chúng tôi mua theo suất lính của chồng. Số tiền vay được trả trong vòng 30 năm, nhưng chỉ trong 7 năm, chúng tôi đã trả nợ xong.

Căn nhà thứ hai năm 2010 cũng được vay theo dạng này, trả trong 15 năm, nhưng cũng chỉ 3 năm sau đó, tôi đã hoàn toàn sở hữu nó. Năm 2016, tôi tiếp tục đứng tên hai căn nhà khác. Mỗi căn đều có diện tích khoảng 200 m2, đang cho thuê.

Căn nhà 500 m2 của chị Thy và chồng ở Mỹ, nơi mọi thông tin về quyền sở hữu nhà đều có thể tra được trên mạng.

Tiền lương hưu của chồng đủ để nuôi sống cả nhà nhưng tôi không muốn dựa vào anh ấy. Tôi muốn tự mình kiếm tiền, chủ động trong cuộc sống. Hiện giờ lương của anh để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, thu nhập của tôi để tiết kiệm, đóng bảo hiểm nhân thọ. Tiền thuê nhà tôi sẽ dùng để chi trả khoản nợ mua nhà trước đó. Tôi muốn tiếp tục đầu tư tiền để mua nhà nhưng chồng tôi không muốn. Anh nói thích để dành tiền đi du lịch.

Trước đây, tôi từng sống trong ngôi nhà lợp tôn, phải hứng nước mưa mỗi khi mưa bão. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ sống trong ngôi nhà rộng lớn như vậy và có được những gì ngày hôm nay… Tôi đã gặp nhiều may mắn nhưng tôi tin chính sự cố gắng của mình mới góp phần quan trọng nhất. Tôi tin, nếu bản thân luôn nỗ lực không ngừng, thành công rồi sẽ đến.

Phương Thy

Nguồn: vnexpress

Tags:
Tiểu thư Mỹ rời nhà sang nuôi trẻ Việt

Tiểu thư Mỹ rời nhà sang nuôi trẻ Việt

Carly rời ngôi nhà nửa triệu đô với tài xế riêng, để ở trong ngôi nhà thuê một triệu đồng, chăm trẻ bị down không lương suốt 6 năm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất