18 năm sau vụ 11/9: Sáu bài học không được phép quên

Những bài học này rút ra sau ngày 11/9/2001 vẫn còn nguyên giá trị, với không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới.

09:30 12/09/2019

18 năm sau khi Tòa tháp đôi biểu tượng ở trung tâm tài chính New York đổ sụp, những bài học này rút ra từ loạt vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vẫn còn nguyên giá trị, với không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới.

Ngày hôm nay, 11/9, đánh dấu 18 năm loạt vụ khủng bố kinh hoàng tấn công giữa lòng nước Mỹ. Hình ảnh hai chiếc máy bay lao vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đã vĩnh viễn hằn sâu vào ký ức của người dân Mỹ và cộng đồng thế giới.

Trong loạt vụ tấn công gây rúng động cả thế giới 18 năm trước, WTC không phải là mục tiêu duy nhất của nhóm khủng bố al-Qaeda gồm 19 tên không tặc. Bốn chiếc máy bay dân dụng chở khách được điều hành bởi hai hãng hàng không chở khách lớn của Mỹ (United Airlines và American Airlines). Tất cả đều cất cánh từ các sân bay tại phía Đông Bắc Mỹ để tới California đã bị 19 tên không tặc khống chế.

Hai chiếc máy bay trong số đó, Chuyến bay 11 của American Airlines và Chuyến bay 175 của United United Airlines, lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York. Chỉ trong 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ, gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa cao ốc  khác trong khu phức hợp bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn. Chiếc máy bay thứ ba, Chuyến bay 77 của American Airlines, đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) tại Quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Chiếc máy bay thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào Washington, D.C., nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.

Chú thích ảnh
Hình ảnh chiếc máy bay khi đang lao vào một trong các tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới New York ngày 11/9/2001. Ảnh: AP 

Loạt vụ tấn công đã làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương, và gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3 nghìn tỷ USD. Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng.

Trong ngày thảm họa đó, khủng bố dường như trở thành kẻ bá chủ thế giới. Một làn sóng hoảng sợ lan rộng khắp các quốc gia khi al-Qaeda đánh thẳng vào công trình biểu tượng của một siêu cường không có đối thủ trên thế giới. Đó cũng là lần đầu tiên nước Mỹ bị một thế lực bên ngoài tấn công, kể từ trận Trân Châu cảng, quần đảo Hawaii năm 1941.

Chú thích ảnh
Người dân hoàng sợ bỏ chạy khi một trong các tòa tháp WTC sụp đổ. Ảnh: AFP 

Vụ khủng bố đã để lại cho không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới nhiều bài học không được phép quên.

1.Không  quốc gia nào "miễn nhiễm" khủng bố

Những âm mưu táo bạo, vô cùng tỉ mỉ mà al Qaeda lên kế hoạch đã phơi bày lỗ hổng an ninh ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Không một nước nào có thể được coi là miễn nhiễm.

Từ lâu, các vụ tấn công khủng bố tại Ấn Độ do các nhóm vũ trang đóng tại Pakistan đã được cộng đồng quốc tế mặc định là vấn đề mang tính chất địa phương, phát sinh do lịch sử thù địch lâu dài giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan. Nhưng vụ tấn công 11/9 đã xóa bỏ quan niệm đó. Lần đầu tiên thế giới thấm thía bài học rằng chủ nghĩa khủng bố tồn tại không có biên giới, và là chính sách của những tổ chức, thể chế nhằm đạt được sức mạnh chính trị bằng con đường bạo lực.

2.An ninh là chìa khóa then chốt

Lực lượng an ninh là chìa khóa then chốt để ngăn chặn bất cứ tội ác nào, trong đó có tội ác khủng bố. Tuy nhiên an ninh không chỉ được thực thi bởi các lực lượng cảnh sát mà bởi tất cả các lực lượng thực thi pháp luật.

Vài ngày sau vụ tấn công 11/9 đã xuất hiện những video cho thấy hình ảnh nhóm không tặc trên chiếc máy bay lao xuống Lầu Năm góc tại sân bay Dulles ở Washinton D.C. Trong đoạn video, nhân viên an ninh đang làm công việc thường ngày là soi chiếu nhóm hành khách, mà hai trong số chúng có tên trong danh sách theo dõi chống khủng bố và một người không có thẻ căn cước. Tuy vậy tất cả bọn chúng vẫn được phép lên máy bay.

Nếu như công tác kiểm soát an ninh được tiến hành hiệu quả hơn, âm mưu cướp máy bay có thể đã bị phơi bày hoặc ít nhất một mục tiêu đã thoát khỏi vụ tấn công.

Chú thích ảnh
Một bức ảnh trên đống đổ nát phủ dày bụi tại khu vực WTC đã sụp đổ. Ảnh: News Corp

3. Không thể bỏ qua thông tin tình báo dù nhỏ nhất

Hầu hết các cường quốc đều tự hào về khả năng thu thập thông tin tình báo của mình. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được cho là cơ quan quyền lực nhất, nhiều nguồn lực nhất trong số đó. Trước vụ 11/9, CIA đã thu thâp được thông tin tình báo về một vụ tấn công khủng bố “sắp xảy đến”

Các báo cáo cho rằng CIA đã gửi thông tin này tới bà Condoleezza Rice, khi đó là Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống George Bush, vài tháng trước khi vụ tấn công 11/9 xảy ra. Thông tin tình báo của CIA chỉ ra rằng al-Qaeda đang lên kế hoạch các vụ tấn công “táo bạo” nhằm vào “nhiều mục tiêu” trên lãnh thổ Mỹ trong tương lai gần.

Những cảnh báo tương tự đã được chuyển đến Nhà Trắng, tuy nhiên các cơ quan liên bang về cơ bản đã bỏ qua chúng, coi đây là “những báo cáo thường lệ”. Điều này đã dẫn đến hậu quả thảm khốc. Bài học rút ra là các thông tin tình báo về các âm mưu khủng bố không thể bị xem nhẹ bất kể số lượng các báo cáo được gửi, hay nguồn thông tin.

4. Khủng bố không thể tách rời tài chính

Bất cứ vụ tấn công khủng bố nào đến liên quan đến tài chính. Trong vụ 11/9, tiền đã được luân chuyển qua nhiều thể chế quốc tế nhưng nhà chức trách đã bỏ qua.

Cuộc điều tra về vụ 11/9  tiết lộ rằng tiền đã được chuyển tới nhóm 19 tên không tặc từ nước ngoài. Về phần mình, nhóm khủng bố đã gửi tiền tới Các Tiểu vương quốc Arab qua bốn gói giao dịch chỉ ba ngày trước khi chúng làm rúng động thế giới. Toàn bộ bốn khoản thanh toán được tiến hành qua dịch vụ của Western Union nhưng công ty này hoặc các cơ quan an ninh đã không phát hiện ra giao dịch đáng ngờ.

Hiện nay, các cơ quan tài chính đã trở nên thận trọng hơn, các luật chống rửa tiền được siết chặt ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên vẫn còn những “thiên đường trú ẩn” cho hoạt động rửa tiền đang tồn tại và chúng có thể đóng vai trò hoàn hảo cung cấp tài chính cho những âm mưu khủng bố trong tương lai. 

Chú thích ảnh
Một nạn nhân được dìu ra ra khỏi khu vực Tháp đôi sau vụ tấn công kinh hoàng. Ảnh: Alamy 

5. Bất ổn chính trị nuôi dưỡng khủng bố

Bất ổn chính trị hoặc các cuộc xung đột là nơi dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Đây là một bài học rất quan trọng từ vụ 11/9. Nó diễn ra theo cả hai con đường – bất ổn chính trị tại một quốc gia “nguồn” (như Afghanistan, Pakistan...) và một quốc gia mục tiêu (như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ…)

Nước Mỹ đã chứng kiến một bất ổn chính trị bất thường trong nhiều tháng và nhiều năm trước vụ 11/9. Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã vượt qua cuộc luận tội tại quốc hội sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua thủ tục này để trừng phạt ông vì bê bối tình ái với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Đấu đá chính trị vào thời điểm đó ở nước Mỹ đã không lộ ra trong hàng thập kỷ. Khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra năm 2000, cuộc đấu đá này vẫn không được giải quyết trong suốt 41 ngày trước khi thắng lợi được tuyên bố thuộc về ông George Bush. Nước Mỹ trải qua một thời kỳ hồ nghi chính trị. 10 tháng sau, sự phối hợp giữa các bộ máy chính quyền vẫn thất bại, và quân khủng bố đã giết hại 2.977 người vô tội chỉ bằng một cuộc tấn công.

Đó là bất ổn tại quốc gia mục tiêu. Trước khi nhóm khủng bố đến được nước Mỹ để tiến hành tấn công, mạng lưới al-Qaeda đã lớn mạnh trên những “mảnh đất màu mỡ” của xung đột ở Afghanistan và Trung Đông.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc Tổng thống George Bush được thông báo máy bay không tặc lao vào WTC ở New York. Ảnh: AP 

6. Cuộc chiến chống khủng bố chưa thể kết thúc

Cuộc chiến chống khủng bố “hao người tốn của” đã kéo dài 18 năm kể từ thảm kịch đẫm máu trong lòng nước Mỹ, song khủng bố vẫn tồn tại dai dẳng, là nỗi ám ánh với người dân Mỹ và thế giới. Đáng lo ngại hơn đòn tấn công của khủng bố không chỉ đến từ các tổ chức khủng bố toàn cầu như Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al Qaeda mà còn có thể xuất phát từ những “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Hiện trường khu phức hợp Trung tâm Thương mại New York sau vụ tấn công 11/9. Ảnh: AP

Khủng bố giờ đây không chỉ là các phần tử cầm vũ khí lẩn khuất tại những nơi hẻo lánh xa xôi, chúng đã tận dụng những phương thức công nghệ và truyền thông hiện đại và phổ biến nhất như các mạng xã hội để chiêu nạp, đào tạo… Một nghiên cứu do các trường Đại học Cambridge, Oxford của Anh và Yale của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ những kẻ khủng bố có thể lợi dụng trí nhân tạo (AI) để thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu tự động như gây ra các vụ va chạm ô tô không người lái hay biến các máy bay thương mại không người lái thành những vũ khí tấn công…

Chống khủng bố vì thế không thể chỉ dựa trên sức mạnh quân sự, an ninh đơn phương mà cần phải dựa trên nền tảng hợp tác quốc tế sâu rộng và tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo của các quốc gia dựa trên luật pháp quốc tế. Chủ nghĩa khủng bố về sâu xa sinh ra từ thù hận, từ tư tưởng cực đoan, mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp bền vững và lâu dài để xóa bỏ bất công, bình đẳng, đói nghèo… mới có thể xóa bỏ được căn nguyên sinh ra chủ nghĩa khủng bố.

Tags:
Tỷ phú Mỹ ngăn chặn thuốc lá điện tử

Tỷ phú Mỹ ngăn chặn thuốc lá điện tử

Ông Michael Bloomberg sẽ dùng 160 triệu USD trong 3 năm để vận động cho lệnh cấm thuốc lá điện tử có hương thơm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất