6 ‘chiêu’ tinh tế ‘dụ dỗ’ người tiêu dùng trong mùa shopping
Mùa shopping cuối năm là lúc các cửa hàng tìm cách “dụ dỗ” người tiêu dùng “móc hầu bao,” không những bằng những món hàng giảm giá đặc biệt mà còn bằng những “chiêu tâm lý” mà chúng ta thường không để ý đến, theo CNN.
06:00 24/12/2018
1-Mùi hương quyến rũ
Một trong những “chiêu” lợi hại là “đánh vào” thính giác của khách hàng.
“Chúng ta biết rằng có một số mùi hương và loại nhạc phù hợp hoặc được ưa chuộng hơn tùy theo mùa. Nếu được sử dụng vào thời gian không thích hợp trong năm, những thứ này có thể khiến các cửa hàng không ‘dụ dỗ’ được khách hàng như ý muốn,” ông Eric Spangenberg, giáo sư và trưởng khoa tại The Paul Merage School of Business của University of California, Irvine, nói.
Ví dụ, một số người tiêu dùng có xu hướng mua những sản phẩm cao cấp hơn khi họ ở trong môi trường có mùi thơm ấm áp, chẳng hạn như mùi vanilla hay mùi quế, so với môi trường có mùi mát mẻ như bạc hà hay khuynh diệp, theo một cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Marketing năm 2015.
2-Mua sắm theo điệu nhạc
Có nghiên cứu cho thấy âm nhạc và tiếng động xung quanh có thể ảnh hưởng đến việc mua sắm. Theo kết quả nghiên cứu được trình bày năm ngoái tại hội thảo quốc tế về kinh tế và kỹ thuật quản lý, người tiêu dùng bị thôi thúc mua hàng nhiều hơn trong môi trường âm nhạc có nhịp độ nhanh so với môi trường âm nhạc có nhịp độ chậm.
3-Sức mạnh của việc “tạo nhóm”
Khi sản phẩm được trưng bày thành từng bộ hoàn chỉnh, nhiều khả năng người tiêu dùng bị thôi thúc mua cả bộ chứ không chỉ một món.
Kỹ thuật trưng bày sản phẩm thành từng bộ được gọi là “tạo nhóm,” bà Khalfani Cox, CEO và là người đồng sáng lập website Ask The Money Coach, cho biết.
Đôi khi, các cửa hàng “cố tình đặt các sản phẩm cạnh nhau như có ý rằng muốn món quà này nhìn cho được hoặc cho đầy đủ, khách phải mua cả 3 hoặc 4 món này,” bà Cox nói.
4-Khi nhân viên bán hàng “chảnh chọe”
Nhân viên bán hàng cũng có sức ảnh hưởng lớn.
Nhân viên bán hàng trong cửa hàng bán đồ cao cấp mà thô lỗ đôi khi lại khiến khách hàng tiêu tiền nhiều hơn, theo một cuộc khảo sát đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Người Tiêu Dùng năm 2014.
Theo bà Cox, “một trong những ‘chiêu’ mà nhân viên bán hàng thường xài là khiến shopper có cảm giác như họ không có đủ hàng để bán. Nghe thì hơi kỳ quặc, hơi khó chịu, nhưng hiệu quả không ngờ.”
5-Trưng bày kiểu “đóng khung”
Đôi khi, các cửa hàng trưng bày hai món hàng tương tự có giá khác nhau cạnh nhau để “dụ dỗ” khách hàng chi tiêu nhiều hơn, bà Cox cho biết. Kỹ thuật này gọi là “đóng khung.”
“Kỹ thuật đóng khung sẽ cho khách hàng một khung tham chiếu về giá cả, để rồi tinh tế hướng họ đến món có giá cao hơn,” bà nói.
6-Coi chừng chi tiêu quá lố cho online
Những “chiêu” dụ dỗ khách hàng không chỉ có ở cửa hàng. Nói đến mua sắm online, nhà bán lẻ có thể dùng công nghệ để theo dõi thói quen mua sắm online của khách hàng, và thậm chí còn nhắc nhở khách hàng về một sản phẩm nào đó mà họ bỏ quên trong shopping cart.
“Cho là bạn có thể cưỡng lại được cám dỗ, chỉ trả tiền cho vài món, rồi bỏ lại nhiều món khác trong shopping cart, như 2/3 số người mua sắm trực tuyến thường làm,” cựu nhà báo của CNN Beth Kobliner nói. “Nhưng ngay ngày hôm sau, bạn sẽ nhận được email với lời nhắc nhở rằng ‘Có quên gì không?’ ‘Còn muốn món này không’ – để dụ dỗ bạn quay trở lại mua cho hết. Những email ‘giỏ hàng bỏ quên’ này đôi khi rất lợi hại, đặc biệt là khi người bán chịu hạ giá một chút,” bà Kobliner cho biết.
Bà Kobliner khuyên rằng khi bị rơi vào tình huống như vậy, khách hàng nên tự hỏi: “Mình có thích món hàng đó không?” Với những sản phẩm có giá trị lớn, bà khuyên nên dành ít nhất một ngày dọ giá để tìm được giá tốt nhất.
Người tiêu dùng Mỹ khiếu nại quảng cáo trên di động nhằm vào trẻ em
Hầu hết các ứng dụng di động dành cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống đều chứa quảng cáo và đôi khi tần suất xuất hiện còn nhiều hơn cả thời gian sử dụng ứng dụng.