7 tháng quyết tâm và 15 ngày cho một hành trình xuyên Mỹ, tại sao không?
Không phải sớm hay muộn, mà là có dám thử thách hay không!
02:00 07/05/2018
“Mình tin rằng với mỗi nấc thang của cuộc đời, nhất là những người trẻ, ắt hẳn phải có một chút nhân duyên dẫn dắt chúng ta lựa chọn con đường nào đó để đi. Một số đúng như theo kế hoạch, một số lại hoàn toàn dẫn đến với cánh cửa khác mà bạn không ngờ tới. Hành trình đến với nước Mỹ của mình cũng như thế”.
Vũ Thị Nguyên, cô gái Đak Lak sinh năm 1991, bắt đầu sự nghiệp là một nhân viên kế toán như bao cô nàng công sở khác. Đầu quân cho một công ty nước ngoài với môi trường làm việc trẻ trung, năng động nhưng sâu trong tâm trí mình, cô biết, đây không phải là công việc mà cô mong muốn, ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Với cô, cuộc sống của một nhân viên kế toán thật vô vị, tẻ nhạt và nhàm chán đến mức khó khăn và căng thẳng; mặc cho đó có là ước mơ của biết bao nhiêu người ngoài kia.
“Trái tim mình luôn mách bảo phải làm một cái gì đó, mình phải thay đổi”
Và cách mà Nguyên tạo cơ hội cho mình bước qua một cánh cửa mới, thay đổi bản thân, thay đổi tương lai, thay đổi cuộc sống hiện tại chính là tham gia “Chương trình trao đổi văn hóa – Au pair”.
Nguyên đã bước đầu thành công sau 7 tháng kiên trì, ngày 10/6/2015, Nguyên đã đặt chân đến vùng đất mới, cách quê hương Việt Nam 22 giờ bay, bang Massachsetts, Mỹ. “Một trang sách mới cuối cùng cũng bắt đầu… Và là một trang sách đầy màu sắc của cuộc sống như mình hằng ao ước để được trải nghiệm và khám phá”.
Nước Mỹ với Nguyên không chỉ là những thành phố tráng lệ và xa hoa như New York, Washington DC,… những siêu thị hoành tráng, xe ô tô đi nườm nượp ngoài đường,… mà còn là những gì xấu xí nhất: khu ổ chuột, những vụ án triền miên… Nhưng không vì thế mà cô quên mất sự chăm chỉ, nguyên tắc, thật thà, hiếu khách, tôn trọng luật và tôn trọng mọi người xung quanh của những con người nơi đây. “Cửa hàng hay quán ăn ở đây không mở tới tận khuya như ở Việt Nam để phục vụ khách tới uống bia hay ăn uống. Thay vào đó họ tận hưởng cuối tuần bằng nhiều hoạt động như leo núi, đạp xe, chạy bộ,… Không kể đến cuộc sống giàu có bao nhiêu của con người ở đây thì sự lành mạnh trong lối sống hàng ngày của họ khiến mình rất thích. Khi mới tới, cuối tuần mình thường tranh thủ đi train lên Boston để… ăn. Thức ăn từ khắp nơi: Thái, Nhật, Ý, Mexico, Cambodia, Vietnam, Africa, …. Ẩm thực cũng là một nét văn hóa tuyệt vời. Vì ở với gia đình người gốc Việt nên mình có dịp được nấu nhiều món ăn Việt nên cũng đỡ nhớ nhà”.
Sau khi tới Mỹ được khoảng 5 tháng và lấy được bằng lái xe, Nguyên tham gia vào công việc tình nguyện cho Hội chữ Thập đỏ Mỹ ở Boston. Công việc tuy đơn giản: giúp đóng gói và phân phát thức ăn cho người nghèo và người vô gia cư quanh xanh khu vực Boston vào mỗi thứ 4 hàng tuần, nhưng lại cho Nguyên những trải nghiệm và nhận thức mới mẻ về cuộc sống.
Ở đó, Nguyên quen một một người bạn Việt Nam cũng làm tình nguyện cùng mình
có sở thích đi du lịch giống cô. Và càng phấn khích hơn khi được biết anh bạn ấy vừa có một chuyến vòng quanh nước Mỹ trước đây. Ham muốn khám phá và chinh phục nổi lên, Nguyên quyết định rủ rê người bạn ấy cùng mình làm chuyến chu du nước Mỹ một lần.
Kết thúc chương trình Au pair năm thứ nhất, với 15 ngày nghỉ phép, đôi bạn quyết định lái xe từ bờ Đông tới bờ Tây để khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng của Mỹ.
Cuộc hành trình qua 20 tiểu bang
Quả thật không thể kể hết được những kỉ niệm đáng nhớ trên từng bước hành trình xuyên Mỹ của cô gái, khi đó, mới 25 tuổi này.
“Mình đặc biệt ấn tượng khi đi qua Redwood National and State Park ở Bắc Califonia, công viên quốc gia này là nơi sinh sống của những cây cao nhất thế giới. Lái xe xuyên qua rừng, mình cảm thấy vô cùng choáng ngợp trước sự hùng vĩ của khu rừng ấy. Trước mẹ thiên nhiên, con người thực sự quá nhỏ bé. Cây ở đây cao đến nỗi mình không thể nhìn thấy được ngọn vì một số đó đã bị bao phủ trong mây. Cứ như thể mình đang ở một hành tinh xa xôi nào đó vậy”.
Những ngày sau đó, Nguyên tiếp tục bị choáng ngợp bởi cảnh vật ở đây, những rặng núi đá màu đỏ tuyệt đẹp ở Grand Canyon, những sa mạc làm tạo cảm giác như ở trên sao hỏa, mặt hồ Crater Lake xanh tuyệt đẹp ngay trên miệng núi lửa, những thành phố không ngủ như Las Vegas, những cánh đồng, trang trại tiên tiến trải dài hàng trăm kilomet, được đứng ngay trên ngọn núi lửa lớn nhất thế giới, suối nước nóng và nước phụt lên từ lòng đất ở Yellowstone National Park, được nhìn thấy những động vật hoang dã đang ăn cỏ hay đi lang thang trong rừng,… Quá nhiều, quá nhiều thứ để nhớ qua mỗi ngày ý nghĩa của cuộc phiêu lưu quý giá này.
“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa” – (You are the apple of my eye)
Có lẽ những trải nghiệm đó sẽ chỉ mãi ở trong những trang sách mà Nguyên tình cờ đọc được hay là những trải nghiệm được kể từ một người nào đó chứ chẳng phải là cuộc hành trình đáng nhớ của cô nàng “cựu” nhân viên kế toán Vũ Thị Nguyên.
Ấp ủ ước mơ đi du học từ những năm học cấp 3, cộng với tính cách thích khám phá và mong muốn được đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để tăng vốn hiểu biết cho bản thân. Thế nhưng, vì không đủ chi phí trang trải với cuộc sống và học tập ở nước ngoài, Nguyên chỉ biết ấp ủ ước mơ đó cho riêng mình.
“Cho tới khi mình biết đến chương trình Trao đổi văn hóa – Au pair”
Hai năm cho một chuyến khám phá thật sự, hai năm để cùng sống, cùng sinh hoạt ở một môi trường hoàn toàn khác, đã mang đến cho Nguyên nhiều trải nghiệm và trưởng thành hơn. Dường như hai năm vẫn chưa phải là thời gian đủ để cô thỏa sức chinh phục những điều mới mẻ. Nguyên dự định, sau khi kết thúc chương trình vào tháng 6 này, cô sẽ dành khoảng thời gian vài tuần để đi du lịch thêm vài nơi chưa kịp ghé qua trên nước Mỹ.
Và quan trọng hơn nữa, cô đã tìm cho mình một lĩnh vực mà bản thân cảm thấy đam mê và yêu thích: “Đó là công việc trong ngành du lịch để thỏa mãn niềm đam mê du lịch và khám phá của mình”.
Rồi cuộc sống của Nguyên sẽ không còn tẻ nhạt, nhàm chán với những con số và bốn bức tường nữa. Mà thay vào đó là những sắc màu, những dư vị cuộc sống đến từ khắp nơi trên thế giới, như chính cuộc sống mà Nguyên mong đợi.
Chỉ có ở nước Mỹ: Gara sửa xe toàn thợ nữ, lại miễn phí làm móng, gội đầu cho khách
Có vẻ như câu nói phục vụ khách tận “răng” đang trở nên đúng và đúng hơn nữa theo nghĩa đen.