75 tỷ USD đấu 550 tỷ USD: "Nắm đấm" của Mỹ tuy lớn nhưng hiệu quả không cao như "nắm đấm" của TQ?

"Binh pháp" của hai nước Mỹ - Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại dường như ngày càng trở nên rõ rệt.

04:30 31/08/2019

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã leo thang hai lần trong tháng 8. Cụ thể, vào đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Bắc Kinh sau đó đáp trả Washington bằng tuyên bố áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào ngày 23/8. Ngay lập tức, Nhà Trắng bồi đòn quyết định tăng thuế với tất cả 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Theo giới quan sát, sự leo thang thuế quan đã làm tổn thương cả hai quốc gia và khiến thị trường toàn cầu hoang mang. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thậm chí còn bi quan hơn. Cuộc đối đầu giữa hai nước ngày càng trở nên kịch liệt và tại thời điểm này, thế giới đang chú ý đến cách Trung Quốc và Mỹ thực hiện các động thái.

Báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định, từ vòng danh sách thuế quan lần này, kết hợp với các chính sách trước đây của hai nước, thế giới có thể thấy "binh pháp" của mỗi nước trong cuộc chiến thương mại này. 

75 tỷ USD đấu 550 tỷ USD

Lần này, Trung Quốc "tấn công" vào 5.078 sản phẩm trị giá 75 tỷ USD của Mỹ với các mức thuế dao động từ 5%-10%, bắt đầu có hiệu lực trong hai giai đoạn từ ngày 1/9/2019 và ngày 15/12/2019.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/10, Mỹ sẽ nâng mức thuế hiện tại từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Còn mức thuế đối với 300 tỷ USD sẽ được tăng từ 10% lên 15% vốn có hiệu lực ngày 1/9 nhưng đã hoãn đến ngày 15/12.

Xét về khối lượng, danh sách thuế quan của Mỹ dài hơn nhiều so với Trung Quốc khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với Mỹ xuất sang Trung Quốc. Điều này được xác định bởi cấu trúc thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, theo Đa chiều, trong một trận đấu quyền anh, không phải cứ nắm đấm của ai to hơn sẽ hiệu quả hơn mà cần phải nhìn vào nhịp điệu và độ chính xác của nắm đấm đó.

75 tỷ USD đấu 550 tỷ USD: Nắm đấm của Mỹ tuy lớn nhưng hiệu quả không cao như nắm đấm của TQ? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Ảnh: VCG

Từ hành động phản đòn của Trung Quốc đến tuyên bố của Tổng thống Trump trên Twitter chỉ diễn ra trong vài giờ. Tờ này cho rằng, dù có bảng danh sách thuế quan khổng lồ nhưng Tổng thống Trump không tạo ra quá nhiều sự khác biệt. Về cơ bản, tất cả các sản phẩm của Trung Quốc chỉ phải chịu thêm mức thuế 5% trên cơ sở ban đầu.

Ở chiều ngược lại, phản ứng ở Trung Quốc hoàn toàn khác. Vào đầu tháng 8, Trung Quốc đã không công bố ngay lập tức các biện pháp đối phó với Mỹ. Danh sách cuối cùng 75 tỷ USD được đánh giá là một quyết định "cân nhắc kỹ lưỡng" của Bắc Kinh.

Theo phân tích mới nhất, trong danh sách hàng hóa trị giá 75 tỷ USD, Trung Quốc chỉ tăng thêm 6,2 tỷ USD hàng hóa mới, các mặt hàng còn lại trùng khớp với danh sách của ba đợt tăng thuế trước đó.

Trong danh sách áp thuế của Trung Quốc, các mặt hàng chịu mức thuế 10% chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông sản như thủy sản, rau, trái cây và nhu yếu phẩm, trong khi các mặt hàng chịu mức thuế 5% chủ yếu là các sản phẩm từ động vật, các loại đậu và các sản phẩm hóa học.

Đáng chú ý, trong danh sách thuế quan có hiệu lực từ ngày 1/9, mặt hàng đậu nành một lần nữa xuất hiện và điều này có nghĩa là mức thuế đối với đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ sẽ lên tới 30% khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số các mặt hàng mới được thêm vào, dầu thô là sản phẩm đầu tiên xuất hiện trong danh sách thuế quan của Trung Quốc. Ngoài ra, nước này tuyên bố sẽ nối lại thuế quan đối với ô tô Mỹ từ ngày 15/12, khiến cổ phiếu ô tô Mỹ trượt dốc.

Các mặt hàng này hầu hết được coi là các "công cụ đàm phán" mà Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng. Việc thu mua đậu nành, giảm thuế ô tô và nhập khẩu dầu thô luôn được Bắc Kinh đặt trên bàn đàm phán thương mại song phương.

Đa chiều nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược trước đó là vì các ngành nông nghiệp và năng lượng là lá phiếu bầu cử cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của ông Trump và Mỹ là quốc gia "trên bánh xe" - sử dụng nhiều xe ô tô, ngành công nghiệp ô tô cũng là một trong những lĩnh vực quan tâm nhất của Tổng thống Trump, còn thị trường dầu thô là một mắt xích vô cùng quan trọng ở Mỹ.

Có thể nói rằng "binh pháp" của hai nước trong cuộc chiến thương mại hiện tại chính là: Mỹ tấn công toàn diện còn Trung Quốc tập trung vào các mắt xích yếu nhất của đối phương. Đây là một sự khác biệt rất lớn trong cuộc đối đầu giữa hai bên.

Sách lược của Mỹ-Trung khác biệt

75 tỷ USD đấu 550 tỷ USD: Nắm đấm của Mỹ tuy lớn nhưng hiệu quả không cao như nắm đấm của TQ? - Ảnh 2.

Đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp Mỹ chịu mức thuế lên tới 30% khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Adobe stock

Theo Đa chiều, tất nhiên, trong chiến tranh không chỉ phải giỏi tấn công mà còn phải biết cách phòng thủ và bảo vệ "căn cứ" ở hậu phương. Điều này đặc biệt đúng với các cuộc chiến thương mại. Mặc dù thuế quan là "đạn dược" của cả hai bên, nhưng trên thực tế, đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là doanh nghiệp trong nước, từ đó tác động đến người tiêu dùng trong nước.

"Đạn dược" thuế quan của Mỹ khá đầy đủ và điều đó cũng có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi khi Mỹ đánh thuế tất cả các sản phẩm của Trung Quốc thì việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế trong ngắn hạn sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể.

Khi cuộc chiến thuế quan đã lan sang các mặt hàng tiêu dùng và đi thẳng vào thị trường bán lẻ thì rất khó để các doanh nghiệp không tăng giá đối với người tiêu dùng, nhằm giảm chi phí phải bỏ ra.

Sau khi tăng thuế lên 300 tỷ USD, Tổng thống Trump quyết định hoãn thuế đối với một số mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay và một số đồ chơi, cho thấy Nhà Trắng hiểu rõ về tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng, Đa chiều viết.

Ông Gary Cohn, cựu cố vấn kinh tế Tổng thống Mỹ nói rằng, cuộc chiến thương mại đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Mỹ. Thuế quan khiến các doanh nghiệp phải đội thêm chi phí, làm giảm tác dụng của các ưu đãi cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Nhà Trắng.

Cả Hiệp hội Công nghiệp và Hiệp hội Bán lẻ Mỹ đều lo ngại về tình hình hiện tại và kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump sử dụng các phương thức thuế quan khác để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán.

Ngược lại, các lĩnh vực của Mỹ như nông sản, ô tô - bị Trung Quốc tập trung tấn công - đều có chung đặc điểm chung. Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Mỹ. Mỹ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc ở những lĩnh vực này và Bắc Kinh dường như đã sớm có các lựa chọn thay thế, điển hình là mặt hàng đậu tương.

Trung Quốc đánh thuế đậu tương Mỹ khiến xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh 49% trong năm 2018 nhưng nhập khẩu từ Brazil tăng 30% so với năm trước và nhập khẩu từ Nga, Ukraine và Ấn Độ tăng đáng kể. Trung Quốc thực sự có ý thức tăng nhập khẩu đậu tương từ Nam Mỹ vào nửa cuối năm 2017.

Trung Quốc được cho có nhiều lựa chọn thay thế cho nhập khẩu nông sản với chi phí sản xuất thấp hơn ở các nước khác. Trong khi, song song với việc đánh thuế đối với ô tô Mỹ, Trung Quốc đã hạ thuế quan đối với mặt hàng ô tô của các nước khác xuống 15%, phù hợp với nhu cầu nâng cao tính cạnh tranh và mở cửa cho thị trường ô tô Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc - nước đang phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm công nghệ cao, dược phẩm và máy móc y tế từ Mỹ, phạm vi đánh thuế của Trung Quốc ở những lĩnh vực này thu hẹp rất nhiều.

Trên thực tế, mặt hàng thuốc nhập khẩu của Trung Quốc đã cho thấy một hiện tượng tăng về số lượng và giảm về giá cả trong năm 2018, cho thấy các rào cản nói chung của lĩnh vực này không tăng.

Theo Đa chiều, Trung Nam Hải xây dựng danh sách thuế quan không chỉ dựa trên hiệu quả của thuế mà còn dựa trên cơ cấu kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Mục tiêu của họ là ảnh hưởng của thuế quan đến đời sống kinh tế người dân là thấp nhất. Trong khi, đối với Mỹ, điều Washington muốn trong cuộc chiến thương mại chính là buộc Trung Quốc "nhượng bộ".

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, nếu làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ thì Bắc Kinh sẽ phải chịu thiệt hại nhiều hơn Washington nên mới đây, Bắc Kinh được cho đã có hành động "xuống nước", kêu gọi Mỹ "bình tĩnh đàm phán".

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Thượng nghị sĩ Mỹ: ‘Chúa phù hộ ông Trump’ đối đầu với Trung Quốc

Thượng nghị sĩ Mỹ: ‘Chúa phù hộ ông Trump’ đối đầu với Trung Quốc

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhận định trên Fox News, Tổng thống Trump đang làm điều đúng đắn khi đối đầu kinh tế với Trung Quốc về các hoạt động thương mại không công bằng của chính quyền Bắc Kinh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất