Áp lực quà cáp khiến Việt kiều 6 năm không dám về nước

10 năm bươn chải cật lực với nghề phục vụ ở Australia chỉ đủ nuôi hai con, chị Lệ Hằng gom góp mua quà khi về nước thăm thân, song bị người em họ "bóc phốt" trên mạng, bĩu môi vì quà không tương xứng "danh" Việt kiều.

08:31 18/07/2024

Với người Việt xa quê, Tết Nguyên Đán là dịp để trở về. Thế nhưng ngoài niềm vui đoàn tụ với gia đình, không ít người gánh trên vai áp lực với cái mác Việt kiều

Chị Lệ Hằng, một Việt kiều sống 10 năm ở Úc, cho biết từng rơi vào thế khó xử khi bị em họ "bốc phốt" công khai trên mạng "vì tội Việt kiều tặng quà không tương xứng". Do đó năm nay chị chọn không về quê ăn Tết. 

"Chị cho 1 cây son Mac, 1 chai dầu gió xanh. Ai chị cũng cho như vậy hết á. Có con em họ của chị nó lên FB nó nói chị luôn. Việt kiều đi bao nhiêu năm về chả cho được cái gì. Chị bảo "thế mày có từng hỏi tao là cuộc sống của tao như thế nào không?". Chị li dị chồng, một mình nuôi 2 đứa con. Quà có là hay rồi, chưa cám ơn mà quay lại bĩu môi ít nhiều. Cho ít quá không đủ người ta lại khinh. Nên là thôi cứ bơ, cỡ nào cũng phải bơ. Đến nỗi chị sợ chị không dám về Tết luôn. Cái đó là một bài học cho mình, để mình mạnh dạn "say no" với quà cáp cho VN. Không quà nữa, ai muốn nói gì thì nói".

"Bố mẹ chị mất rồi, 6 năm chị chưa có về. Con chị nó về thôi, tự về nó tự đi chơi. Nó không về họ hàng, đâu ai trách gì được. Cũng buồn, mình cũng thích về Tết, nhưng mà về là quà cáp này kia nữa. Mình cho ít hay nhiều thì phải tùy khả năng".

ap luc qua cap khi ve nuoc

Tương tự, chị Thanh Hương, một Việt kiều khác tại Úc, cũng chần chừ chưa dám về vì liên tục bị người thân nhắc quà từ trời Tây. 

"Đối với người Việt ở nước ngoài, khi về VN thì chắc chắn em phải chuẩn bị tiền. Chị rất ghét những người bảo là "ơ mày về thì mày nhớ mua quà nhé". Đăng FB về VN, bao nhiêu người inbox nhờ mua cái này cái kia. Rất là kì cục. Có nhiều người bảo là "mua sữa cho con tao". Mình từ chối thì nó kì. Việt kiều hay rỉ tai nhau "đi về lẳng lặng mà về". Mình né thôi, về sau đó "alo, tao đang ở VN nè". Đi cafe cà pháo thì Việt kiều mình trả, bởi vì tiền đó không bao nhiêu hết. Ai cũng có một áp lực riêng".

"Chị chỉ nhớ một lần cách đây 10 năm, năm 2013 chị đi Úc, cuối năm 2013 chị về VN. Mọi người rủ chị đi ăn, đến khi tính tiền thì ai cũng im re. Thế là bà kia bảo "Việt kiều để nó trả". Chị nhớ hoài luôn. Chị mới đi Úc hồi tháng 2, tháng 11 về chị có em bé. Mới đi có mấy tháng, quay lại tự nhiên thành Việt kiều. Ai cũng nghĩ đi nước ngoài là in tiền, gửi tiền về".

Chị Thanh Hương nói càng ngại về nước hơn khi chứng kiến người bạn Việt kiều Mỹ tốn 4.000 đô tiền quà cho dòng họ, chưa kể phải rút thêm 10.000 đô để lì xì, kèm các chi phí khác trong chuyến về nước cách đây 2 tuần. "Tiêu hết 4.000 đô tiền quà cáp, thuốc men cho người già, mỹ phẩm... Em mua phải tính ra là gia đình bao nhiêu người. Son thường L'Oréal người ta đâu có thích. Người ta thích Gucci, Dior, Chanel...những loại son đắt tiền $70-80/cây. Rồi nước hoa, còn phải rút tiền ra lì xì cho mỗi người nữa. $10.000 tiền mặt phải đổi ra tiền Việt, cho mỗi người 200-300k. Người lớn tuổi thì phải biếu cả triệu bạc, chưa kể cháu chắt... Đi ăn bên nội bên ngoại đều phải trả tiền, tiền taxi bao cả nhà đi ăn, vô nhà hàng Việt kiều phải trả hết".

"Con cái về mời bố mẹ là đúng, nhưng mà lại còn phải mời thêm họ hàng mà có những người lâu cũng chẳng quen nữa. Chị phải khóc dùm người bạn của mình, cảm thấy ấm ức. Không về không được, vì còn ông bà, bố mẹ nên phải về".

Ông Thái Phúc 62 tuổi, một Việt kiều sống 42 năm tại Pháp, cho biết về quê dịp Tết là nỗi sợ chung của phần lớn Việt kiều bởi gánh nặng quà cáp. Chính điều này làm biến tướng ý nghĩa của cái Tết truyền thống. Mang cái mác Việt kiều, ông đợi sau Tết gần 1 tháng mới dám về nước. 

"Cái Tết rất là quan trọng với người Việt ở nước ngoài, tại vì mấy ngày Tết mình gặp được bạn bè, bà con dòng họ, mình đi thăm chỗ này chỗ kia. Nó vui, còn ngày thường về thì không được như vậy. Nhưng mà ngày Tết về sợ nhất là tiền cho, tiền lì xì. Phải cho cháu, cho anh, cho em. Thí dụ mình xài 1 đồng mình phải cho 9 đồng. Mình cho nhiều thì mình không khả năng. Tui có 8 đứa cháu trai, 8 cháu dâu tổng cộng 16 người. Rồi cháu nó đẻ ra cháu nữa. Mang cái tiếng Việt kiều nó khó lắm. Nên qua Tết mới về, tránh được cái khoản tiền lì xì, cho ít cũng không sao. Mình bị gia đình lợi dụng, rồi bạn bè cũng lợi dụng mình. Cách đây chừng 1 tuần có mấy đứa bạn hỏi mượn tui 1.000 euro ăn Tết, 1 đứa khác thì xin tui 300 euro ăn Tết. 10 người mượn tiền là không có ai trả tiền cho mình hết trơn. Làm giống như đó là bổn phận của mình".

Ông nói 62 tuổi vẫn phải đi làm tiếp tân cho nhà hàng, dù nhận lương hơn 50 triệu đồng tính theo tiền Việt mỗi tháng, nhưng đây chỉ là con số đủ sống ở Pháp. Để có tiền về quê ăn Tết, ông phải cắt giảm khoản ăn uống. 

"Nhà mình có cái tánh là phải thành công, phải đi làm, phải có tiền, phải có mặt mũi chút xíu. Họ cứ tưởng mình giàu. Mình làm tiếp tân cho nhà hàng Tàu, qua đây đi làm công, tính tiền VN thì khoảng hơn 50 triệu một tháng. Mình về VN để hưởng thụ vì đi làm ở đây cực quá. Lãnh lương xong rồi, đóng thuế rồi chẳng còn bao nhiêu đâu. Ví dụ ở VN, mua sầu riêng, mà trái mùa thì cỡ 100k/kg. Bên đây mua 1kg sầu riêng tốn 500k-700k theo loại. Nó bán hàng theo tiền lương. Ai cũng phải trả tiền nhà, tiền điện hàng tháng. Thấy gia đình anh em nghèo khó, mình muốn cho, mình muốn giúp, mình phải nhịn ăn 1kg thịt bò hay 1kg sầu riêng, mình để dành tiền cho người ta. Nhưng mà người ta không hiểu. Người ta thấy đồng tiền được dễ quá. Tiền thì nó có giới hạn thôi, để dành mình thủ thân nữa".

Chị Lệ Hằng nói định cư Úc 10 năm là 10 năm vật lộn với mưu sinh xứ người. Chị phải làm việc cực lực mới đủ nuôi con. "Thắt lưng buộc bụng lắm để mình mua quà về cho nó, mình xách về cho nó. Rồi đến bây giờ nó nói mình thế này thế kia. Một mình chị nuôi 2 đứa con mà cho quà cả dòng họ như vậy là chị đã vất vả cỡ nào rồi. Chị đi bán bánh mì, đi bán cà phê. 6h làm thì 5h ra khỏi nhà rồi. Mùa đông lạnh lẽo, mưa gió, lái xe ra ga xe lửa đậu, rồi đi xe lửa vào trung tâm. Cũng mất 1 tiếng đi 1 tiếng về. Đi làm về còn phải cơm nước cho con, đưa đón con. Không làm vất vả thì đâu đủ sống".

Chị Thanh Hương cho biết đa số Kiều bào ở nước ngoài làm lao động tay chân, bươn chải cực khổ để kiếm đồng tiền. Số người thành đạt giàu có thực sự không phải số đông. Cái mác Việt kiều thành đạt vô tình trở thành gánh nặng khiến nhiều người không dám về nước.

"Có nhiều người đi làm cực lắm. Họ góp cả năm được khoảng chừng $10.000, nhưng về VN không đủ tiêu. Số lượng người Việt qua đây chủ yếu làm công việc tay chân, số lượng người trở thành bác sĩ y tá rất ít. Hầu hết qua đây đều đi làm luôn vì chi phí sống đắt đỏ. Họ làm nail, làm lát gạch, đào cống, làm nông trại trái cây. Họ phải dậy từ 3h sáng, hái trái cây tới giữa trưa. Trời mùa hè nóng tới 40 độ, mùa đông thì 5-6 độ là bình thường. Có công việc làm đã là may mắn. Lương chỉ ở mức trung bình và khá. Thương gia giàu có thì cũng có. Một số người qua từ nhỏ, bố mẹ gia đình có của ăn của để. Chẳng hạn bố mẹ mở tiệm tạp hóa hay nhà hàng, thì con cái nối tiếp bố mẹ mà làm. Còn VN qua đây từ 10-20 năm đổ lại, thấy cũng bèo lắm, thường là làm linh tinh vậy đó. Ở nước ngoài kiếm công việc ổn định rất khó. Nhiều người qua đây chỉ sống trong cộng đồng Việt, chỉ nói được tiếng Việt, không nói được tiếng Anh". 

Theo Bộ ngoại giao, hiện có 6 triệu người Việt đang sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Trong đó khoảng 10% là tri thức, còn lại hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đa số có việc làm, nhà ở, đảm bảo được cuộc sống. Ước tính lượng kiều hối chảy về nước trong năm 2023 đạt 16 tỉ đô la Mỹ, tăng 32% so với năm trước. 

Theo VnExpress

Tags:
Sự nổi loạn tư duy: 5 lý do đừng cố học quá giỏi kiểu VN

Sự nổi loạn tư duy: 5 lý do đừng cố học quá giỏi kiểu VN

“Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga "Tương Lai Hạnh Phúc"

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất