Bác sĩ Nhật Bản sống tới 105 tuổi tiết lộ chế độ ăn, quan điểm hiếm có việc nghỉ hưu và các mẹo kéo dài tuổi thọ

"Đừng nghỉ hưu. Nhưng nếu bạn phải làm như vậy, hãy nghỉ hưu càng muộn càng tốt". Đây là một trong những lời khuyên của vị bác sỹ này.

22:42 09/11/2023

Bác sĩ Shigeaki Hinohara đã có một cuộc sống phi thường vì nhiều lý do. Đầu tiên, vị bác sĩ và chuyên gia về tuổi thọ người Nhật Bản đã sống đến năm 105 tuổi.

Khi qua đời, vào năm 2017, ông Hinohara là chủ tịch danh dự của Đại học Quốc tế St. Luke và là chủ tịch danh dự của Bệnh viện Quốc tế St. Luke, cả hai đều ở Tokyo.

Bác sỹ Hinohara là tác giả của cuốn sách "Living Long, Living Good" (Tạm dịch: Sống lâu, sống khỏe), và cũng chính ông đã đưa ra những lời khuyên giúp Nhật Bản trở thành nước đứng đầu thế giới về tuổi thọ.

1. Đừng nghỉ hưu. Nhưng nếu bạn phải làm như vậy, hãy nghỉ hưu càng muộn càng tốt

Tuổi nghỉ hưu trung bình, ít nhất là ở Hoa Kỳ, luôn dao động ở mức 65. Và, trong những năm gần đây, phong trào FIRE (Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) dường như đang trở nên rất phổ biến.

Nhưng ông Hinohara lại nhìn mọi thứ theo cách khác. "Không cần thiết phải nghỉ hưu, nhưng nếu phải nghỉ hưu, hãy nghỉ muộn hơn so với tuổi 65," ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 với The Japan Times. "Độ tuổi nghỉ hưu hiện tại được quy định là 65 tuổi cách đây nửa thế kỷ, khi tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản là 68 tuổi và chỉ có 125 người Nhật trên 100 tuổi".

Ông giải thích rằng ngày nay, mọi người đang sống lâu hơn rất nhiều. Ví dụ, tuổi thọ ở Hoa Kỳ vào năm 2020 là 78,93 tuổi, tăng 0,08% so với năm 2019. Do đó, chúng ta cũng nên nghỉ hưu muộn hơn.

Ông Hinohara chắc chắn đã làm như những gì ông khuyên mọi người: Cho đến vài tháng trước khi qua đời, ông vẫn tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân, giữ một cuốn sổ hẹn có thời gian trong 5 năm tiếp theo và làm việc tới 18 giờ một ngày.

Bác sĩ Shigeaki Hinohara

2. Đi cầu thang (và kiểm tra cân nặng của bạn)

Ông Hinohara nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục thường xuyên. "Tôi đi hai bậc cầu thang một lúc để vận động các cơ," ông nói.

Ngoài ra, ông Hinohara cũng luôn mang theo đồ đạc và hành lý của riêng mình, và giảng 150 bài mỗi năm, thường nói trong 60 đến 90 phút, ông nói, "để giữ sức khỏe."

Ông cũng chỉ ra rằng những người sống thọ có một điểm chung: Họ không thừa cân. Đúng vậy, béo phì được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Chế độ ăn của ông Hinohara khá tinh tế: "Vào bữa sáng, tôi uống cà phê, một ly sữa và một ít nước cam với một thìa dầu ô liu." (Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu ô liu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giữ cho động mạch của bạn sạch sẽ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim).

"Bữa trưa là sữa và một ít bánh quy, hoặc không có gì khi tôi quá bận rộn," ông tiếp tục. "Tôi không bao giờ cảm thấy đói vì tôi tập trung vào công việc của mình. Bữa tối là rau, một chút cá và cơm, và 100 gam thịt nạc hai lần một tuần."

3. Tìm mục đích khiến bạn bận rộn

Theo ông Hinohara, không có một lịch trình làm việc hết mình là một cách chắc chắn để già đi nhanh hơn và chết sớm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là luôn bận rộn ở đây là sự bận rộn thực sự. (Có những người trông có thể bận rộn, nhưng thực ra vẫn cảm thấy trống rỗng và nhàn rỗi bên trong.)

Ông Hinohara đã sớm tìm ra mục đích của mình, sau khi tính mạng của mẹ ông được cứu bởi một bác sĩ gia đình.

Janit Kawaguchi, một nhà báo coi ông Hinohara là một người cố vấn, nói: "Ông ấy tin rằng cuộc sống là sự đóng góp, vì vậy ông ấy luôn giúp đỡ mọi người, ông ấy thức dậy vào buổi sáng sớm và làm điều gì đó tuyệt vời cho người khác. Đây là điều đã thúc đẩy và là điều giúp ông ấy sống lâu như vậy".

"Thật tuyệt vời khi được sống lâu," ông Hinohara nói trong cuộc phỏng vấn. "Cho đến khi một người 60 tuổi, đạt được mục tiêu của bản thân và cho gia đình là điều dễ dàng. Nhưng trong những năm tháng sau đó, chúng ta nên cố gắng đóng góp cho xã hội. Từ năm 65 tuổi, tôi đã làm việc như một tình nguyện viên. Tôi vẫn dành nhiều thời gian làm việc và yêu thích từng phút trong đó. "

4. Nguyên tắc là thứ gây căng thẳng, hãy cố gắng thư giãn

Mặc dù khuyến khích rằng tập thể dục và dinh dưỡng là những phương pháp vô cùng hưu ích giúp sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, nhưng ông Hinohara đồng thời cũng khẳng định rằng chúng ta không cần phải bị ám ảnh bởi việc hạn chế các hành vi của mình.

"Tất cả chúng ta khi còn nhỏ, khi đang đắm mình vui chơi, chúng ta hoàn toàn có thể quên cả ăn hay ngủ," ông nói. "Tôi tin rằng chúng ta có thể giữ điều đó khi trưởng thành - tốt nhất là đừng làm cơ thể mệt mỏi với quá nhiều quy tắc."

Richard Overton, một trong những cựu chiến binh lâu đời nhất còn sống sót trong Thế chiến II của Mỹ, và ông ấy rất có thể cũng có cùng quan điểm đó. Cho đến khi qua đời ở tuổi 112, ông vẫn hút xì gà, uống rượu whisky và ăn đồ chiên và kem.

Ông Hinohara có thể không khuyến khích chế độ ăn này của Overton, nhưng công bằng mà nói, Overton vẫn sống rất thọ với "một cuộc sống không căng thẳng và luôn bận rộn."

5. Hãy nhớ rằng bác sĩ không thể chữa khỏi mọi thứ

Ông Hinohara cảnh báo không nên luôn luôn nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Khi được đề nghị xét nghiệm hoặc phẫu thuật, ông khuyên rằng, "hãy hỏi xem bác sĩ có đề nghị vợ /chồng hoặc con cái của họ làm điều đó hay không."

Ông Hinohara nhấn mạnh rằng chỉ riêng khoa học không thể giúp ích cho con người. Nó "gộp tất cả chúng ta lại với nhau, nhưng bệnh tật là cá nhân. Mỗi người là duy nhất, và bệnh tật được kết nối với trái tim của họ", ông nói. "Để chẩn đoán được bệnh tật và giúp đỡ mọi người, chúng ta cần tới cả nghệ thuật tự do và nghệ thuật thị giác, không chỉ là nghệ thuật y tế".

Trên thực tế, ông Hinohara đảm bảo rằng St. Luke’s đáp ứng nhu cầu cơ bản của bệnh nhân: "Được vui vẻ". Bệnh viện cung cấp các lớp học âm nhạc, trị liệu động vật và nghệ thuật.

"Nỗi đau là điều bí ẩn, và vui vẻ là cách tốt nhất để quên nó đi", ông nói. "Nếu một đứa trẻ bị đau răng và bạn bắt đầu chơi một trò chơi với chúng, chúng sẽ quên ngay cơn đau".

6. Tìm cảm hứng, niềm vui và sự bình yên trong nghệ thuật

Theo The New York Times, về cuối đời, dù không thể ăn nhưng ông Hinohara từ chối ống dẫn thức ăn. Ông được xuất viện và qua đời vài tháng sau đó tại nhà.

Thay vì cố gắng chiến đấu với tử thần, ông Hinohara đã tìm thấy sự bình yên ở nơi mình sống nhờ nghệ thuật. Ông tìm được sự mãn nguyện trong cuộc sống trong một bài thơ của Robert Browning, có tên "Abt Vogler".

"Cha tôi thường đọc nó cho tôi," ông Hinohara nhớ lại. "Nó khuyến khích chúng tôi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật lớn chứ không phải những nét vẽ nguệch ngoạc nhỏ. Nó nói rằng hãy cố gắng vẽ một vòng tròn lớn đến mức chúng ta không thể hoàn thành nó khi còn sống…"

Tác giả của bài viết là Tom Popomaronis, một nhà nghiên cứu lãnh đạo và là phó chủ tịch sáng tạo tại Massive Alliance. Anh từng được giới thiệu trên Forbes, Fast Company, Inc. và The Washington Post. Năm 2014, Tom được Tạp chí Kinh doanh Baltimore vinh danh là một trong những nhà lãnh đạo tài ba trong danh sách "40 Under 40".

Tags:
Báo nước ngoài ca ngợi biệt phủ 5.000m2 của 'Vua hài đất Bắc' Xuân Hinh

Báo nước ngoài ca ngợi biệt phủ 5.000m2 của 'Vua hài đất Bắc' Xuân Hinh

Tạp chí thiết kế DesginBoom vừa đăng tải bài viết ca ngợi biệt phủ độc đáo ở ngoại thành Hà Nội của nghệ sĩ Xuân Hinh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất