Bài diễn văn tốt nghiệp Harvard truyền cảm hứng của ông chủ Facebook
Trong bài diễn văn dài 30 phút, Mark Zuckerberg nhấn mạnh "thử thách của thế hệ chúng ta là tạo ra một thế giới mà mọi người đều có ý thức về mục đích".
21:49 26/05/2017
12 năm sau khi bỏ học tại Đại học Harvard để tập trung phát triển sự nghiệp riêng, Mark Zuckerberg đã trở lại vào ngày 25/5 để nhận bằng danh dự và đọc diễn văn tốt nghiệp khóa 2017, theo Business Insider.
Mark Zuckerberg là nhà sáng lập kiêm CEO mạng xã hội Facebook trị giá 447 tỷ USD, người giàu thứ 5 thế giới. Trước ngày lễ quan trọng, anh thể hiện sự hào hứng khi trở lại trường bằng các bài đăng trên trang cá nhân trong tuần, bao gồm video do bố quay lại khoảnh khắc anh hồi hộp đọc email thông báo kết quả tuyển sinh từ Đại học Harvard. Hôm thứ tư, anh và vợ Priscilla Chan đến thăm phòng cũ ở ký túc xá của trường, hồi tưởng về ngày đầu tiên hình thành Facebook.
"Nếu đọc xong bài diễn văn này, đó sẽ là lần đầu tiên tôi thực sự hoàn thành thứ gì đó ở Harvard", anh nói với tân cử nhân khóa 2017.
Tỷ phú 33 tuổi khẳng định việc được chấp nhận vào Đại học Harvard là điều khiến bố mẹ tự hào nhất trong đời. Tuy nhiên, ngoài học tập, anh cũng trải qua thời gian lãng mạn ở đây.
"Ký ức đẹp nhất của tôi ở Harvard là gặp Priscilla. Cô ấy là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Bạn có thể nói rằng đó chính là điều quan trọng nhất mà tôi xây dựng được trong thời gian ở đây. Chúng ta đều bắt đầu những mối quan hệ suốt đời từ trường đại học và vài người trong số đó thậm chí trở thành gia đình. Đó là lý do tôi rất biết ơn nơi này", Zuckerberg nói lời cảm ơn Harvard.
Nội dung xuyên suốt bài diễn văn của ông chủ Facebook là ý nghĩa, mục đích trong cuộc đời mỗi người, liên quan đến tương lai của toàn nhân loại.
"Hôm nay tôi muốn nói về mục đích. Nhưng tôi không ở đây để mang đến một bài diễn văn chuẩn mực giúp bạn tìm kiếm mục đích. Thay vào đó, tôi ở đây để cho bạn biết tìm kiếm mục đích là không đủ. Thử thách của thế hệ chúng ta là tạo ra một thế giới mà mọi người đều có ý thức về mục đích.
Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi là khi John F Kennedy đến tham quan trung tâm vũ trụ NASA, thấy một người lao công mang theo một chiếc chổi, ông bước qua và hỏi anh ta đang làm gì. Người lao công đáp: Thưa ngài tổng thống, tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng.
Mục đích là cảm giác chúng ta trở thành một phần của thứ gì đó lớn hơn bản thân, chúng ta được cần đến, chúng ta có thứ gì đó tốt đẹp hơn phía trước để làm. Mục đích là thứ tạo ra hạnh phúc thực sự", tỷ phú trẻ tuổi nhận định.
Với Zuckerberg, mục đích của anh khi thành lập Facebook là kết nối mọi người, anh và cộng sự cố gắng mỗi ngày để thực hiện điều đó. Sau vài năm, vài công ty lớn muốn mua lại, nhưng anh không muốn bán. Anh muốn nhìn thấy liệu mình có thể kết nối được nhiều người hơn hay không. Đã có những cuộc tranh cãi căng thẳng, khi một cố vấn nói với Zuckerberg rằng nếu không bán, đó sẽ là quyết định gây hối hận cho anh đến hết đời. Bất đồng trong nhóm quản lý là quãng thời gian khó khăn nhất khi anh điều hành Facebook.
"Tôi tin những gì mình đang làm, nhưng tôi cảm thấy cô đơn. Và tồi tệ hơn, đó là lỗi của tôi. Tôi tự hỏi có phải mình đã sai, một đứa trẻ 22 tuổi không hiểu biết gì về cách thế giới vận hành", Zuckerberg trăn trở.
Mark Zuckerberg tin rằng xác định mục đích rõ ràng khiến cuộc đời mỗi người đi theo hướng mình mong muốn. Ảnh: AP
Nhiều năm sau nhìn lại, anh nhận ra mọi chuyện phụ thuộc vào việc chúng ta đặt ra mục đích gì và tiếp tục tiến lên phía trước. Theo anh, có ba cách để tạo ra thế giới mà mọi người đều có ý thức về mục đích, bao gồm cùng tham gia các dự án có ý nghĩa lớn, tái xác định bình đẳng để mọi người được tự do theo đuổi mục đích và cùng xây dựng cộng đồng trên toàn thế giới.
"Giờ đến lượt chúng ta làm những điều tuyệt vời. Bạn có thể sẽ nghĩ mình không biết làm cách nào để xây dựng một con đập, hoặc kêu gọi được một triệu người cùng tham gia làm bất cứ điều gì. Nhưng để tôi nói cho bạn hay một bí mật, không ai biết khi họ mới bắt đầu. Ý tưởng nảy ra ban đầu không hề được hình thành đầy đủ, chúng chỉ trở nên rõ ràng khi bạn bắt tay vào làm. Bạn cứ việc bắt đầu thôi. Nếu tôi hiểu mọi thứ về kết nối con người trước khi bắt đầu, tôi sẽ không bao giờ thành lập Facebook", anh đưa ra lời khuyên.
"Tuy nhiên, hãy sẵn sàng cho việc bị hiểu lầm. Bất cứ ai làm việc với tầm nhìn lớn đều bị gọi là điên rồ, ngay cả khi bạn hoàn thành đúng. Bất cứ ai làm việc về một vấn đề phức tạp sẽ bị đổ lỗi không hiểu rõ các thách thức, mặc dù không ai có thể biết mọi thứ ngay từ đầu. Bất cứ ai chủ động sẽ bị chỉ trích vì di chuyển quá nhanh, bởi luôn có ai đó muốn bạn đi chậm lại.
Trong xã hội này, chúng ta thường không làm những việc lớn bởi sợ mắc sai lầm. Chúng ta lờ đi mọi thứ không ổn nếu chúng ta không làm gì cả. Thực tế là, bất cứ điều gì chúng ta làm sẽ mang đến những vấn đề trong tương lai. Nhưng điều đó không thể ngăn chúng ta bắt đầu", Zuckerberg nhắc lại.
Bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội cũng là một vấn đề lớn được anh chỉ ra. "Tôi biết rất nhiều doanh nhân, không ai trong số họ từ bỏ việc khởi nghiệp chỉ vì không có đủ tiền. Nhưng tôi biết nhiều người không dám theo đuổi ước mơ vì họ không có bệ đỡ để tựa vào nếu chẳng may thất bại. Chúng ta đều biết rằng thành công không chỉ nhờ vào ý tưởng tốt hay làm việc chăm chỉ. Chúng ta thành công còn vì may mắn. Nếu tôi phải hỗ trợ gia đình thay vì có thời gian ngồi lập trình, nếu tôi không biết là mình sẽ ổn nếu chẳng may Facebook không thành công, tôi sẽ không đứng đây ngày hôm nay. Nếu thành thật, chúng ta sẽ thấy mình may mắn nhiều như thế nào".
Theo tỷ phú Mỹ, nếu như các thế hệ trước chiến đấu để bỏ phiếu và đòi quyền công dân thì thế hệ chúng ta cần định nghĩa về thỏa thuận xã hội mới, trong đó sự tiến bộ được đo lường không chỉ bằng các số liệu kinh tế như GDP mà còn bởi có bao nhiêu người đóng vai trò ý nghĩa. Sai lầm là điều không thể tránh khỏi đối với tất cả, do vậy chúng ta cũng cần một xã hội không bó buộc và kỳ thị điều đó.
Mark Zuckerberg bên bố mẹ, ông Edward và bà Karen khi nhận bằng tốt nghiệp Đại học Harvard. Ảnh: Facebook
Bài phát biểu dài 30 phút của Mark Zuckerberg còn đề cập đến biến đổi khí hậu, thu nhập cơ bản phổ quát, cải cách luật pháp hình sự, thậm chí những quan điểm chính trị lớn như "hiện đại hóa nền dân chủ" bằng cách cho phép mọi người bỏ phiếu trực tuyến.
Zuckerberg rơi nước mắt trong phần kết thúc khi kể câu chuyện về một sinh viên nhập cư bất hợp pháp mà anh làm cố vấn. "Thay đổi bắt đầu ở địa phương. Ngay cả sự thay đổi toàn cầu cũng bắt đầu từ những người như chúng ta", anh nhấn mạnh.
Harvard Business School - Ngôi trường định hình kinh tế Mỹ
Người ta có thể bắt gặp những thạc sĩ quản trị kinh doanh của HBS ở khắp các hành lang của những công ty tư vấn và đầu tư hay các ngân hàng danh giá nhất trên phố Wall.