Bão lòng - Một cô gái như tôi quả thực không thuộc về trời Tây
Một cô gái như tôi quả thực không thuộc về trời Tây. Đôi khi mệt mỏi muốn dừng lại, tôi thấy mình thật yếu đuối. (Thanh Nhiên, Sóc Trăng)
14:48 13/06/2023
Australia, gần 3 giờ sáng, tại phòng máy của trường. Bên ngoài trời rất lạnh. Cái lạnh len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn một con người cô đơn nơi đất khách.
Người ta không thể viết khi không có cảm xúc, nhưng cũng không thể viết khi có quá nhiều cảm xúc. Tôi vẫn chưa hoàn thành câu chuyện xa xứ của mình - một câu chuyện tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, và như thế nào khi mọi thứ ở hiện tại thật hỗn độn như mảnh thủy tinh rơi vụn vỡ, không thể nào trở về hình dạng ban đầu…
Cũng như bao người xa quê khác, tôi đã trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc mà họ đã trải qua, tôi trải nghiệm những vất vả mà họ đã trải nghiệm. Nhưng nỗi đau lớn nhất không phải là đau khổ vì tình yêu không vượt qua được khoảng cách; không phải là khó khăn trong học tập vì rào cản ngôn ngữ; không phải là vất vả hòa nhập môi trường mới, cũng không phải là nổi chật vật kiếm sống, mà chính là quá trình đấu tranh nội tâm gay gắt mà tôi phải trải qua từng ngày nơi đất khách để có thể bám trụ đến ngày hôm nay.
Năm mười tám tuổi, tôi háo hức đợi chờ ngày bước chân vào một thiên đường nơi nước Australia xa xôi, dù biết sẽ phải xa quê hương, xa gia đình, xa lũ bạn ngày ngày gặp gỡ. Tôi nôn nao từng ngày để được đến đây. Có nào ngờ, niềm vui thật sự ít hơn nỗi tranh đấu trong lòng.
Tôi chiến đấu để vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi từng sợ hãi khi đến lớp, không biết tôi sẽ hiểu bao nhiêu phần trăm lời giảng, không biết mọi người có hiểu tôi không, khi muốn phát biểu ý kiến thì làm sao để ăn nói trôi chảy. Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần bản thân chỉ biết cười trừ vì không hiểu người khác nói gì, hoặc hiểu nhưng lại không biết đáp lại ra sao. Tôi không quên sự run rẩy khi lần đầu nghe điện thoại của khách hàng. Tôi cũng không quên những lần bị phớt lờ vì sự giao tiếp kém cỏi của mình…
Sự cô đơn của một du học sinh xa nhà không quen biết một ai hẳn đã được kể, được miêu tả quá nhiều rồi. Thế nhưng tôi là một cô sinh viên may mắn có cả một đại gia đình xung quanh, vẫn không tránh khỏi cảm giác ấy, cớ vì sao? Vì tôi cần một trái tim ấm áp hơn để chạm vào xúc cảm ấy. Thời gian ở Australia là khoảng thời gian làm quen với những bữa tiệc xa hoa mỗi cuối tuần của gia đình có rất nhiều món ăn Việt Nam rất ngon, những món ăn mà nhiều sinh viên nhớ quê sẽ rất thèm thuồng, còn tôi ăn đến phát ngán.
Những bữa tiệc ấy có sự tham gia của trên 30 thành viên hội tụ lại cười cười nói nói rôm rả. Tôi ngồi một góc. Nhìn các em họ của tôi vui đùa, các em lớn hơn một xíu thì váy áo xinh tươi ngồi buôn chuyện, phụ nữ tề tụ trong bếp, cánh đàn ông “nghị sự” ngoài sân vườn. Thành phần còn lại sẽ là một vài người như tôi, những đứa cháu đến từ Việt Nam khi thì hỏi thăm nhau chuyện visa, khi thì mỗi người một nơi, thỉnh thoảng đưa mắt qua lại ngắm mọi người, giả vờ lắng nghe và hội nhập, miệng mỉm cười đồng tình với một câu nói nào đó, nhưng sao ánh mắt cô đơn đến lạ. Cảm giác lạc lõng giữa những người thân quen có lẽ còn kinh khủng hơn sự đơn độc giữa biển người xa lạ. Tủi thân!
Sáu năm ở Australia, tôi cứ ngỡ dài như “60 năm cuộc đời. 20 năm đầu thật sung sướng biết bao nhiêu”. Tôi che giấu cảm xúc, phớt lờ ước mơ và sở thích để bước đi trên con đường trách nhiệm. Tôi chạm đến được đất Australia không phải vì ba mẹ có điều kiện mà là nhận được sự giúp đỡ của họ hàng. Thế nhưng ở tuổi 18 tôi không lường trước được gánh nặng mà mình sẽ mang là quá lớn. Tôi rơi vào hoàn cảnh của một người không biết bơi, được tặng một cái áo phao và tôi phải tự bơi một cách quá sức của bản thân. Có những lúc tôi ngỡ mình chìm đi vì không thể bơi thêm nữa.
Tôi cố gắng hoàn thành khóa học của mình trong nổi hoang mang rằng liệu mình có thích con đường mình đang đi hay không? Khi tôi không thể để tâm vào những bài luận của mình nữa, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về câu hỏi bấy lâu nay tôi không giải nổi: "Tôi thích gì?". Đúng vậy, ở tuổi 25, tôi không biết sở thích và đam mê của mình là gì. Tôi chỉ làm tất cả những gì có thể kiếm ra tiền, tôi học những gì mà gia đình cho là đúng và tự đánh giá mình là đứa con ngoan rồi lại tự giằn vặt mình mỗi đêm vì đã đối xử quá tệ với bản thân.
Mọi thứ cứ cuốn tôi đi như thế. Và tôi đã kiên cường như thế suốt 6 năm qua. Nhìn lại một quãng đường không quá dài cũng không quá ngắn ấy, tôi thật sự mủi lòng vì miền đất trong mơ không như tôi tưởng. Nơi mà tôi nghĩ sẽ mang đến cho tôi những thành công rực rỡ nhất lại mang đến cho tôi cảm giác lạc lỏng đến không ngờ. Bơ vơ làm sao khi trong lòng chỉ có tiếng đàn tranh du dương và trái tim chỉ rung động với bài hát dân ca ngọt ngào.
Một cô gái như tôi quả thực không thuộc về trời tây. Đôi khi mệt mỏi muốn dừng lại, tôi thấy mình thật yếu đuối. Trái tim tôi luôn mơ về quê nhà, nhưng lí trí không cho phép mình làm như thế. Khi bạn ở tuổi 25 vẫn tay trắng và không tìm được con đường mình muốn đi, lúc đó chỉ còn lại thương tâm.
Thanh Nhiên
Thanh Thảo bị mỉa mai làm lố như tổng thống, thuê dàn vệ sĩ chục người đi theo dù không ai thèm ngó
Dân mạng đang thi nhau chế giễu hành động không giống ai của nữ ca sĩ Thanh Thảo, làm lố không khác gì tổng thống khi thuê cả dàn vệ sĩ chục người, mặc vest đen đầy nghiêm trọng, hộ tống cô vào trong sân khấu mặc dù không ai thèm vây quanh.