Một tài năng gốc Việt ở xứ người
Hắn thổi một làn gió mới mẻ và hiện đại và từng album. Rồi hắn lặng lẽ ra đi, không có dịp dự những giải thưởng lớn nhỏ mà thỉnh thoảng hắn được người trong nước nhắc tới và vinh danh. (Thanh Thủy, Đức)
21:05 12/06/2023
Nam sống ở Bonn, trong một căn hộ đơn sơ, có vài cây đào lẻ loi trước ngõ mà mỗi khi xuân về xem ra không đủ sức làm nên cánh én. Mùa đông châu Âu khắc nghiệt mà. Nam vừa có tâm hồn nghệ sĩ, lại vừa chan hòa hiếu khách. Nam thường rủ rê mọi người sang chơi với hắn bằng cách đăng hình mấy cây đào gợi cảm đó lên Facebook. Căn hộ của Nam thường vọng ra tiếng dương cầm. Một tiếng dương cầm điệu nghệ, réo rắt mà tươi trẻ, nhưng mấy ông hàng xóm người Đức khó tính lúc vui vẻ hớn hở thì không sao, lúc mệt mỏi buồn rầu thì thỉnh thoảng ưa lẩm cẩm càm ràm.
Từ Bonn, Nam cùng Big Band, dàn quân nhạc đồ sộ viễn du khắp nước Đức và cả một số nơi trên thế giới. Tôi có lần được đi theo bước chân của Nam một đoạn ngắn ngủi. Từ Bonn, tôi bắt tàu nhanh để kịp theo đoàn. Buổi tối, mấy đứa Việt Nam ngơ ngác (mới từ bên nước sang) được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng. Quân nhạc Đức mà. Tôi mải mê ngắm trung uý Vincent Nguyễn Công Phương Nam ngồi ở vị trí piano jazz. Hắn đẹp trai, phong độ và kiêu hãnh. Hắn hoà nhịp cùng với dàn nhạc không hề thua kém mấy chàng nghệ sĩ bản xứ cao to lừng lững. Tôi hãnh diện vì hắn, và từ đấy trở thành bạn vong niên của hắn.
Có lần tôi sang, ở Frankfurt và nhắn hắn đến. Hắn chạy một chiếc Audi lả lướt, áo manteau hững hờ, lại phong độ, làm mềm lòng người trong xứ.
Ngày tiễn đưa chúng tôi, hắn đãi một bữa café thơm phức trong một nhà hàng dễ thương, nhìn ra Kolner Dom lừng lững và cổ kính ở Cologne.
Kỷ niệm xa xứ của chúng tôi chỉ có bấy nhiêu.
Còn lại là chuyện hắn về xứ Việt Nam. Hắn luôn đau đáu, (không biết lúc chơi say sưa với Big Band, hắn có thỉnh thoảng lo ra về những toan tính, dự án lớn nhỏ của hắn ở Việt Nam không?).
Hắn thường nói với tôi: “Mình dù sống và được coi là thành công ở xứ người, nhưng họ chẳng bao giờ nhìn nhận mình. Mình da vàng tóc đen, phải chịu sự kỳ thị tinh vi của họ".
Còn tôi thường nói với hắn: “Thôi, được sống ở một xứ sở văn minh, được học hành tới nơi tới chốn, được phát huy hết tài năng của mình là hạnh phúc lắm rồi. Em về đây sẽ khổ sở vì nhiều thứ mệt mỏi chẳng đâu vào đâu, căng thẳng lắm”.
Nói vậy, nhưng chịu thua hắn. Hắn thèm làm việc ở Việt Nam lạ kỳ. Hắn chấp nhận thù lao ít ỏi mà thời gian quý báu phải bỏ ra gấp đôi, gấp ba. Hắn miệt mài sáng tác, hoà âm, chẳng từ chuyện nhỏ nào. Hắn về, lăn lóc theo các đoàn phim truyền hình để tìm cảm hứng làm nhạc phim, lăn lóc ở phòng thu, kiên trì gặp gỡ ông này bà kia, hay các nhà sản xuất, để xin việc. Hắn thổi một làn gió mới mẻ và hiện đại, một cách làm nhạc thông minh và văn minh hơn cho những album đảm nhận. Rồi hắn lặng lẽ ra đi, không có dịp dự những giải thưởng lớn nhỏ mà thỉnh thoảng hắn được người trong nước nhắc nhở vinh danh.
Nhiều ca sĩ yêu quý và trân trọng hắn, giao phó “sinh mạng” của mình cho hắn. Nào là Đoan Trang, Khánh Linh, Lê Hiếu, Nguyên Khang... như Tùng Dương với “Li Ti” nổi đình nổi đám một thời, hay gần đầy nhất là Đức Tuấn với “Requeim” ma mị, hiện đại, tinh tế và ám ảnh…
Tháng 4 năm nay, hắn về, rồi lại ra đi.
Trên Facebook, có tiếng lòng của hắn: "Goodbye Saigon. I need VietNam, hope VietNam needs me too".
Tôi thấy bạn bè trả lời và rủ rê hắn về rất nhiều…
Tôi viết về hắn không phải để quảng cáo cho hắn. Hắn và tôi rất ngại điều đó, chỉ vì tôi ngưỡng mộ một tài năng gốc Việt đang âm thầm cống hiến, và sống không uổng phí nơi xứ người.
Thanh Thủy
Con sẽ trở về - Bài viết cảm động quá. Tôi chỉ chực muốn khóc mà thôi !
Thật dễ để ở đây mà chẳng muốn rời xa, nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ, hình ảnh đoạn quảng cáo năm nào lại hiện lên và tôi biết mình sẽ trở về… (Đặng Thị Hương, Australia)