Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Chờ ông Obama!
Đảng Dân chủ trông chờ phong cách chính trị lý trí của ông Obama có thể ngăn ông Trump thắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
08:30 02/01/2020
Ông Barack Obama đến thời điểm này vẫn là vị tổng thống Dân chủ có tỉ lệ ủng hộ cao nhất nước Mỹ cũng như là người được ngưỡng mộ nhiều thứ hai trên thế giới, sau tỉ phú Bill Gates.
Chiến dịch tranh cử tổng thống bên đảng Dân chủ đang nhộn nhịp. Với các ứng viên Dân chủ - Joe Biden, Elizabeth Warren, Bernie Sanders, Pete Buttigieg, Kamala Harris, Cory Booker, Beto O’Rourke, Steve Bullock,… hay Michael Bloomberg mới thông báo tham gia tháng trước, được gặp ông Obama quan trọng không kém việc lên kế hoạch vận động hay quảng cáo chiến dịch.
Quan tâm của ông Obama: Ai có thể đánh bại được ông Trump?
Ông Obama luôn nói ông sẵn sàng gặp và cho lời khuyên bất kỳ ứng viên nào. Ba điểm ông Obama thường đưa ra với những người muốn tranh cử là: Đừng tranh cử nếu không nghĩ mình là người tốt nhất để trở thành tổng thống; đảm bảo hiểu rõ chiến dịch tranh cử sẽ tác động đến gia đình thế nào; và tự hỏi “bạn có thể thắng?”.
“Không chỉ bạn đảm bảo một chiến thắng, mà liệu bạn có một học thuyết, một đường đi mà nhờ đó bạn thắng không chỉ ở bầu cử cơ bộ mà cả ở cuộc bầu cử chung. Đó không phải là điều vô nghĩa nếu bạn thực sự bước vào đường tranh cử. Mục tiêu của bạn thật sự phải là mục tiêu cao nhất, trở thành tổng thống và sau đó lãnh đạo đất nước và thế giới một cách nghiêm túc” - ông Obama nói trong một sự kiện quyên góp gần đây ở Washington.
Ông Obama đến thời điểm này vẫn là vị tổng thống Dân chủ có tỉ lệ ủng hộ cao nhất nước Mỹ. Ảnh: POLITICO
Vai trò của ông Obama là đưa ra đường đi đúng giúp tiến trình chọn đề cử ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ không bị chệch hướng và giữ sự thống nhất trong đảng khi người được đề cử xuất hiện.
Bề ngoài có vẻ các cuộc gặp với ông Obama là nhằm tạo cảm hứng cho các ứng viên nhưng thực tế các cuộc gặp này cũng cho phép ông Obama quan sát và đánh giá điều ông quan tâm nhất: Ai có thể đánh bại được ông Trump.
Về công khai, ông Obama nói sẽ không can thiệp hay phản đối bất kỳ ứng viên nào, trừ khi ông nhận thấy có sự tấn công quá đáng nào đó.
Với chuyện ông Biden chạy đua vào ghế tổng thống, nhìn thoạt qua thì đây có vẻ là chuyện tốt vì nếu ông Biden thắng thì gần như mọi di sản của chính phủ ông Obama sẽ được khôi phục.
Nhưng cũng giống như các tổng thống khác, ông Obama cũng luôn cảm thấy không biết nên ủng hộ ông Biden đến mức nào, đặc biệt khi ông đã bỏ qua ông Biden mà chọn bà Hillary Clinton để đấu với ứng viên Cộng hòa Donald Trump hồi năm 2016.
Dù hiểu quan điểm không thiên vị ứng viên nào của ông Obama nhưng nhiều người ủng hộ ông Biden cũng đặt câu hỏi tại sao ông Obama không nói gì khi cha con ông Biden bị ông Trump và phe Cộng hòa tấn công, yêu cầu Ukraine điều tra.
Ông Obama và ông Biden thời còn làm việc chung trong Nhà Trắng. Ảnh: VANITY FAIR
Về công khai, ông Obama vẫn khẳng định không thiên vị ứng viên nào. Tuy nhiên, Politico mới đây có đưa tin ông Obama từng nói riêng rằng nếu ông Sanders đi xa đến được vị trí đề cử thì ông sẽ lên tiếng để ngăn chặn ông này được đề cử.
Khi được hỏi về điều này, người phát ngôn của ông Obama vẫn bảo vệ quan điểm công khai của ông, bằng cách dẫn phát ngôn gần đây của ông rằng sẽ ủng hộ và vận động cho bất kỳ ai giành được đề cử của đảng Dân chủ.
Politico cũng đề cập rằng quan hệ giữa ông Obama và nữ ứng viên Elizabeth Warren - thượng nghị sĩ Dân chủ “rất phức tạp”. Trong một cuộc nói chuyện riêng tư trước đây ông Obama từng nói nếu đảng Dân chủ ủng hộ bà Warren khi bà cân nhắc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 thì đó là một sự bác bỏ với các chính sách kinh tế của ông.
Thời điểm cuối năm 2016, ông Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng trong tâm thế tin rằng bà Hillary Clinton - người được ông ủng hộ - sẽ thắng ông Trump và ông Biden sẽ rời khỏi chính trường.
Ông Obama đã có kế hoạch sẽ có thời gian thảnh thơi tâm trí sau khi rời Nhà Trắng, chỉ tập trung năng lượng vào công việc viết lách và vào các vấn đề dài hạn như phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ khắp thế giới.
Nhưng kế hoạch thảnh thơi ban đầu của ông nhanh chóng bốc hơi cùng với hai bất ngờ: Chiến thắng của ông Trump trước bà Clinton và ông Biden quyết định chạy đua tổng thống năm 2020. Có thể nói ông Obama đã bị buộc phải quay trở lại chính trường, Politico nhận định.
Ông Obama ủng hộ hết mình bà Clinton thời bà chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Ảnh: NBC NEWS
Thời gian sau khi rời Nhà Trắng của ông Obama không giống bất kỳ người tiền nhiệm nào. Cũng có nhiều tổng thống phải trải qua giai đoạn khó khăn sau khi hết nhiệm kỳ, khi chủ nhân mới của Nhà Trắng là người thuộc đảng khác.
Cũng không ít tổng thống phải đối mặt với tình huống tế nhị khi vị phó tổng thống dưới quyền họ tìm kiếm vị trí cao hơn. Ông Obama thì phải đối mặt với cả hai tình huống này cùng lúc, hơn nữa lại trong bối cảnh chưa có tiền lệ.
Cụ thể, ông Obama bị ông Trump chỉ trích liên tục trong ba năm trên Twitter. Ông và các quan chức chính phủ của ông thường xuyên bị ông Trump cáo buộc vi phạm hàng loạt chuyện - những điều chưa có vị cựu tổng thống nào phải đối mặt hay thậm chí tưởng tượng ra, theo Politico.
Nói về Twitter, theo Politico thì không phải ông Trump mà ông Obama mới là người có tài khoản Twitter có lượng người theo dõi nhiều nhất thế giới nhưng ông Obama không dùng nó như một vũ khí chính trị.
Với nhiều nhân vật Dân chủ, ông Obama hiện vẫn hết sức lý trí như hồi ông còn làm tổng thống. Đầu năm 2017 từng xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi, đề nghị ông phản ứng mạnh hơn với ông Trump nhưng phần lớn ông Obama không nghe theo.
Nhưng rồi một thời gian sau ông bắt đầu lên tiếng và đến mùa thu năm 2018, ông bắt đầu tham gia tích cực vào chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ và kết quả là đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện cho đảng Dân chủ.
Diễn biến có vẻ tương tự với cuộc đua tổng thống hiện tại. Mấy tháng trước không thấy ông Obama xuất hiện trước công chúng. Ông cũng ngưng các cuộc gặp với các nhân vật Dân chủ ở văn phòng riêng của mình tại thủ đô Washington. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông lại bắt đầu xuất hiện và lên tiếng.
Vậy hãy chờ xem liệu phong cách chính trị lý trí của ông có còn thu hút được cử tri trong năm tới hay không?
Tấm lòng của vị cảnh sát Mỹ gốc Việt
Với mong muốn có nhiều gia đình mừng Giáng sinh và đón năm mới trong hạnh phúc, ông Nguyễn Duy Khang, một cảnh sát Mỹ gốc Việt, đã phát động chương trình tặng quà hàng năm cho các gia đình khó khăn.