Biden công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD
Biden công bố kế hoạch 2,3 nghìn tỷ USD tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng và số tiền này sẽ được lấy từ tăng thuế doanh nghiệp.
22:00 01/04/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/3 công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng gồm 621 tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, 400 tỷ USD giúp chăm sóc người già và người khuyết tật, 300 tỷ USD thúc đẩy sản xuất, 213 tỷ USD trang bị thêm và xây dựng nhà ở giá cả phải chăng, 100 tỷ USD để mở rộng truy cập băng thông rộng, cùng các khoản đầu tư khác.
Kế hoạch, cần được quốc hội chấp thuận, yêu cầu hiện đại hóa hơn 32.000 km đường bộ, xây dựng 500.000 trạm sạc xe điện, thay thế các đường ống dẫn và dây chuyền dịch vụ hiện có của đất nước, sửa chữa trường học cũ, mở rộng dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người già, người tàn tật, và đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn trong nước. Biden cũng đề xuất bắt buộc sản xuất nhiều điện hơn từ các nguồn carbon thấp nhằm loại bỏ khí thải carbon khỏi lưới điện vào năm 2035.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh sự công bằng trong khả năng tiếp cận việc làm và các lựa chọn giao thông, gồm 20 tỷ USD cho chương trình mới nhằm kết nối lại các khu vực lân cận bị cắt đứt bởi các khoản đầu tư giao thông trước đây, cũng như tài trợ nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục đại học dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
"Đó không phải kế hoạch vụn vặt", Biden nói tại Pittsburgh, Pennsylvania, nơi ông từng bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống. "Đó là khoản đầu tư một lần ở Mỹ".
Tổng thống Mỹ xem kế hoạch này là sự thay đổi cơ bản trong tư tưởng kinh tế khỏi cách tiếp cận cắt giảm thuế được áp dụng nhiều thập kỷ trước dưới thời Ronald Reagan, một tổng thống đảng Cộng hòa.
"Đây là sự thật: Tất cả chúng ta sẽ làm tốt hơn khi tất cả chúng ta đều làm tốt", Biden nói, cho rằng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sự bất bình đẳng lâu đời trong nước. "Đã đến lúc xây dựng nền kinh tế của chúng ta từ dưới và từ giữa lên, không phải từ trên xuống".
Kế hoạch cơ sở hạ tầng sẽ tiêu tốn khoảng 2,3 nghìn tỷ USD trong 8 năm và được rót tiền trong hơn 15 năm bằng cách tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các doanh nghiệp. Những thay đổi về thuế sẽ sửa đổi hoặc thay thế phần lớn cấu trúc thuế quốc tế mà đảng Cộng hòa thiết lập cách đây 4 năm trong đạo luật do cựu tổng thống Donald Trump ký.
Tuy nhiên, Biden cho rằng kế hoạch của ông không phải cuộc tấn công vào những người Mỹ giàu có. "Điều này không nhằm vào những người đã làm nên nền kinh tế, cũng không phải để tìm kiếm sự đáp trả. Đây chỉ là mở ra cơ hội cho mọi người", Biden cho hay.
Biện pháp này được đưa ra sau khi Biden ký ban hành luật cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, gói đầu tiên trong kế hoạch kinh tế gồm hai phần mà ông hy vọng sẽ được quốc hội thông qua trong những tháng tới. Kế hoạch thứ hai tập trung vào chăm sóc trẻ em, chăm sóc y tế và giáo dục, sẽ được công bố trong tháng 4. Tổng cộng, các đề xuất kinh tế của Biden dự kiến tiêu tốn từ 3 nghìn tỷ đến 4 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ.
Đề xuất cơ sở hạ tầng của Biden phải đối mặt với những trở ngại, gồm sự phản đối của đảng Cộng hòa về tăng thuế, bất đồng trong đảng Dân chủ về nguồn tiền cho kế hoạch và lo ngại của những người tiến bộ rằng nó không đủ tham vọng.
Việc triển khai kế hoạch sẽ khởi động nhiều tháng đàm phán giữa Nhà Trắng và quốc hội, cũng như làn sóng vận động hành lang của các nhóm doanh nghiệp và ngành. Quan chức Nhà Trắng thừa nhận kế hoạch có thể thay đổi khi các nghị sĩ đưa ra đề xuất của riêng họ. Các cố vấn của Biden hy vọng quốc hội sẽ thông qua kế hoạch vào mùa hè này.
"Tôi cởi mở với những ý tưởng khác, miễn là họ không áp đặt bất kỳ khoản tăng thuế nào đối với những người thu nhập dưới 400.000 USD/năm", Tổng thống Mỹ nói.
Bên trong quán hủ tiếu tên ‘Em’ nổi danh trên đất Mỹ
Quán phở Việt này đã từng được tờ New York Times và nhiều phương tiện truyền thông Mỹ đến đưa tin.