Biden giáng sức ép lên WHO
Biden yêu cầu tình báo Mỹ báo cáo về nguồn gốc nCoV vào thời điểm Đại Hội đồng Y tế Thế giới đang họp, nhằm thúc giục WHO mở cuộc điều tra mới.
08:00 30/05/2021
Tổng thống Biden tuần này đặt ra thời hạn 90 ngày để cơ quan tình báo Mỹ "tiến gần hơn đến kết luận cuối cùng" về nguồn gốc nCoV, trong bối cảnh giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đang tăng nhiệt.
Giám đốc mảng phản ứng khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói vào hôm 28/5 rằng họ vẫn đang tham vấn với nhóm chuyên gia đã đến Vũ Hán vào đầu năm nay về cách tiến hành cuộc điều tra. Tất cả các giả thuyết còn bỏ ngỏ, ông nhấn mạnh.
Biden dường như có dụng ý khi đưa ra tuyên bố vào lúc Đại Hội đồng Y tế (WHA), cuộc họp cấp bộ trưởng kéo dài một tuần nhằm đặt ra chương trình nghị sự trong năm của WHO, đang diễn ra. Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết: "Biden thấy rằng một cuộc điều tra sẽ tốt hơn nếu đến từ một cơ quan quốc tế như WHO".
Các quan chức Mỹ tại WHA đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế mới hôm 25/5, nhưng các đại biểu Trung Quốc đã phản đối. "Cuộc chiến thực sự là những gì đang diễn ra tại WHA", Jamie Metzl, cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Clinton, người từng viết thư ngỏ kêu gọi giám sát kỹ hơn phòng thí nghiệm Vũ Hán, cho biết.
Một quan chức Trung Quốc nói tại hội nghị rằng "phần việc của Trung Quốc" trong cuộc điều nguồn gốc virus của WHO "đã hoàn tất" và cuộc điều tra nên tập trung vào nơi khác, ám chỉ giả thuyết Bắc Kinh đưa ra là virus được "nhập khẩu" vào Trung Quốc, có thể qua thực phẩm đông lạnh.
"Việc thúc đẩy điều tra thêm giống như chọc vào mắt Trung Quốc", Yanzhong Huang, chuyên gia về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận xét.
Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với WHA. Bắc Kinh đã ngăn Đài Loan tham dự cuộc họp trong nhiều năm. Trước kỳ WHA năm ngoái, Australia đã đưa ra đề xuất về một cuộc điều tra độc lập, đầy đủ về nguồn gốc Covid-19 và họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Cuối cùng, ý tưởng này được thay thế bằng một thỏa hiệp: một nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO.
Các nhà điều tra Trung Quốc-WHO đã công bố một báo cáo vào tháng ba, tập trung vào giả thuyết "virus truyền từ động vật sang người" và nói rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ viện virus học Vũ Hán "rất khó xảy ra". Nhóm chuyên gia còn đánh giá ý kiến cho rằng virus có thể đã được nhập khẩu vào Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh đáng được điều tra hơn.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích báo cáo này là "không đủ bao quát", nói rằng vẫn cần điều tra thêm khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Dưới thời chính quyền Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và WHO đã sứt mẻ trong thời kỳ đại dịch. Khi WHA năm ngoái đang diễn ra, Tổng thống Donald Trump gửi một bức thư gay gắt cho Tedros, đe dọa rút khỏi tổ chức trong vòng 30 ngày.
Sau khi Biden nhậm chức vào tháng một, Mỹ có cách tiếp cận hợp tác hơn, tái gia nhập WHO và ủng hộ một số nỗ lực chính của tổ chức này, như chương trình chia sẻ vaccine Covax.
Mỹ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mới. Tại phiên họp WHA hôm 25/5, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra đã có phát ngôn không nhằm vào WHO mà nhằm vào Bắc Kinh. "Các chuyên gia quốc tế nên được trao "quyền độc lập để đánh giá đầy đủ nguồn gốc của virus và những ngày đầu bùng phát dịch", Becerra nói, đề cập đến các hạn chế đối với 17 chuyên gia quốc tế đã đến Vũ Hán vào đầu năm nay.
Mỹ cũng đưa ra một tuyên bố được 13 quốc gia khác đồng ký, kêu gọi "phân tích và đánh giá minh bạch, độc lập, không bị can thiệp và không chịu ảnh hưởng về nguồn gốc của đại dịch Covid-19".
Tuy nhiên, Trung Quốc cho thấy rất ít dấu hiệu họ sẽ lùi bước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói hôm 27/5 rằng Mỹ "không quan tâm đến sự thật". Gostin đánh giá ngay cả khi WHA ủng hộ kiến nghị mở cuộc điều tra mới rộng hơn, Trung Quốc có thể từ chối.
"WHO đơn giản là không có quyền yêu cầu Trung Quốc cho phép họ vào lãnh thổ hoặc chuyển giao dữ liệu, mẫu bệnh phẩm cũng như thông tin giải trình tự gen", ông nói. "Tay của Tedros hoàn toàn bị trói".
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không chấp nhận mở điều tra, những người khác có thể thấy rằng Bắc Kinh "có ý định tiếp tục hoạt động che đậy quy mô lớn", Metzl nói.
Điều đó có thể khiến Biden thúc đẩy cuộc điều tra nguồn gốc nCoV thông qua các cơ chế khác. Metzl gợi ý rằng bất kỳ cơ quan nào, bao gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hoặc Quad (Bộ tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) đều có thể đóng vai trò.
Tuy nhiên, trong khi lưỡng đảng Mỹ đều ủng hộ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, rất ít quốc gia khác tỏ ra hào hứng về một cuộc chiến. Và nếu Trung Quốc không chịu hợp tác thì các quốc gia có thể buộc phải dựa vào biện pháp kém chính xác hơn để điều tra: thu thập thông tình báo từ hoạt động gián điệp và do thám.
Theo một số nhà phân tích, đại dịch đã phơi bày những hạn chế trong việc thu thập thông tin tình báo của Mỹ về Trung Quốc. Mặc dù cơ chế chia sẻ qua Ngũ nhãn (liên minh tình báo 5 nước gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada) hoặc các nhóm khác có thể mang lại những manh mối mới, tuyên bố của Biden trong tuần này cho thấy bằng chứng Mỹ thu thập được cho đến nay chỉ có "mức độ tin cậy thấp hoặc trung bình".
Gostin nói rằng mặc dù nhiều người đang kêu gọi mở cuộc điều tra, nỗ lực đó có thể bị cản trở bởi hạn chế tương tự. "Các nghị sĩ không thể tiếp cận dữ liệu và mẫu vật mà họ cần ở Trung Quốc để có thể đưa ra đánh giá", Gostin nói.
Tại cuộc họp báo của WHO hôm 28/5, các quan chức nói rằng trong khi họ hoan nghênh đề nghị hỗ trợ từ các nước thành viên, họ muốn tập trung vào phân tích khoa học. Maria Van Kerkhove, người đứng đầu mảng bệnh động vật và bệnh mới nổi của WHO nói: "Hãy để các nhà khoa học là nhà khoa học".
Bill Gates và Melinda thảo luận thay đổi quỹ từ thiện
Bill Gates và vợ cũ Melinda được cho là đang thảo luận về những thay đổi cấu trúc của quỹ từ thiện mang tên họ, nhằm tăng tính độc lập.