Cách Facebook đẩy người Mỹ xuống miệng hố chia rẽ
Một thử nghiệm cho thấy Facebook góp phần khiến Mỹ thêm chia rẽ, khi đề xuất nội dung chính trị chứa nhiều thông tin sai lệch và gây tranh cãi.
23:00 28/10/2021
Năm 2019, hai người Mỹ đăng ký mở tài khoản Facebook. Cả hai có chung niềm quan tâm đến trẻ em và nuôi dạy con cái, Kitô giáo, cộng đồng cùng các vấn đề về quyền dân sự.
Carol, 41 tuổi, là một người bảo thủ đến từ bang Bắc Carolina. Cô có hứng thú với tin tức thời sự, chính trị, tổng thống Donald Trump và đệ nhất gia đình Mỹ. Cô theo dõi những tài khoản chính thức của Trump, đệ nhất phu nhân Melania và Fox News.
Karen, cũng 41 tuổi và sống ở cùng bang. Nhưng cô là một người theo phe tự do, yêu thích chính trị, tin tức, quan tâm tới thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren, nhưng không thích Trump. Cô theo dõi các trang tin tức địa phương, các trang về Bắc Carolina và nhóm vận động tự do MoveOn.
Dựa trên các thuật toán, Facebook đã đề xuất những gì Carol và Karen quan tâm. Carol được đề xuất theo dõi các trang ủng hộ Trump như "Donald Trump là Chúa Jesus", một trang của QAnon, nhóm theo tư tưởng da trắng thượng đẳng, thường xuyên tố cáo các thành viên Dân chủ và tầng lớp tinh hoa Mỹ dính líu tới đường dây ấu dâm. Trong khi đó, Karen được đề xuất theo dõi các trang chống Trump.
Tuy nhiên, hai phụ nữ này không có thật. Họ được tạo ra bởi một nhà nghiên cứu Facebook để thấy cách mạng xã hội này đã khoét sâu tình trạng chia rẽ chính trị ở Mỹ đến mức nào, khi đề xuất các nội dung đầy thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan.
Thử nghiệm này cho thấy Facebook, mạng xã hội với khoảng 2,9 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng tính tới 30/6, biết rằng các đề xuất của họ sẽ khuếch đại thông tin sai lệch và chia rẽ ở Mỹ, nhưng hầu như không tìm cách giải quyết vấn đề.
Báo cáo về thử nghiệm này là một trong hàng trăm tài liệu được luật sư của Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook, gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ, cũng như quốc hội Mỹ.
Jose Rocha cho biết anh đã trực tiếp trải nghiệm sự chia rẽ này. Là một cựu chiến binh và từng lớn lên trong gia đình ủng hộ đảng Dân chủ ở Selah, bang Washington, Rocha nói Facebook đã bình thường hóa các quan điểm về phân biệt chủng tộc và khiến anh rơi vào vòng xoáy tư tưởng cực hữu.
Trong một thời gian, Rocha đã trở thành người ủng hộ Đức Quốc xã và các quan điểm cực đoan khác, điều mà anh cho là do Facebook gây ra. "Tôi thậm chí không biết chúng tồn tại nếu không có Facebook", Rocha, 27 tuổi, nói.
Bill Navari, 57 tuổi, một nhà bình luận thể thao bảo thủ ở Pittsburgh, cho biết một người họ hàng đã chặn ông trên Facebook, sau khi ông khuyên cô nên kiểm tra "hội chứng bài Trump".
"Tôi từng thấy nhiều người trên Facebook nói rằng 'nếu bạn bầu cho Trump, hãy hủy kết bạn với tôi'. Nhưng tôi không thấy ai nói 'nếu bạn bầu cho Biden, hãy hủy kết bạn với tôi'", ông nói. "Những người dùng Facebook đó trở nên giống như dầu với nước, không bao giờ có thể hòa vào nhau".
Hiện tại, ông tránh xa các cuộc tranh luận chính trị trên Facebook. "Tôi chỉ đăng những bức ảnh gia đình, con chó của tôi, nơi chúng tôi đi du lịch và giữ liên lạc với bạn bè, gia đình", ông nói.
Tài liệu nội bộ của Feacbook tiết lộ các thuật toán của nền tảng có thể khuếch đại sự chia rẽ nhanh như thế nào, bằng cách đề xuất cho người dùng những nội dung đầy thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan.
Haugen, người tiết lộ những bí mật của Facebook, là cựu giám đốc sản phẩm làm việc với đội Civic Integrity của Facebook, chuyên tập trung vào các cuộc bầu cử. Bà đã có những trải nghiệm thực tế với những sự kiện chính trị gây chia rẽ nhất gần đây, bao gồm cả vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1, nhằm ngăn quốc hội chứng nhận chiến thắng của Joe Biden.
Lo ngại rằng Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích của người dùng, Haugen đã xem xét hàng nghìn tài liệu trong vài tuần trước khi rời công ty hồi tháng 5. Các tài liệu cho thấy những nội dung độc hại và gây chia rẽ phổ biến đã được Facebook thúc đẩy và được người dùng chia sẻ rộng rãi.
"Tôi đã thấy Facebook liên tục gặp phải xung đột giữa lợi ích của họ và an toàn của chúng tôi. Facebook liên tục giải quyết các xung đột đó theo hướng bảo vệ lợi ích của họ". Haugen nói trong phiên điều trần trước Thượng viện tháng này. "Kết quả dẫn tới chia rẽ nhiều hơn, gây hại nhiều hơn, nhiều lời nói dối hơn, nhiều mối đe dọa và tranh cãi hơn".
Haugen đã kêu gọi Facebook hạn chế ưu tiên những nội dung đã thu hút chia sẻ và bình luận của người dùng. Tuy nhiên, Facebook phủ nhận họ là nguyên nhân gây chia rẽ chính trị ở Mỹ.
"Sự chia rẽ gia tăng đã là chủ đề của nhiều nghiên cứu học thuật trong những năm gần đây nhưng chưa đạt được đồng thuận. Nhưng bằng chứng hiện có không ủng hộ ý tưởng rằng Facebook, hay mạng xã hội nói chung, là nguyên nhân chính của chia rẽ", Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook nói.
Facebook dẫn chứng một nghiên cứu cho thấy tình trạng chia rẽ đã giảm ở một số quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội cao. Nói về các tài khoản thử nghiệm, Stone cho biết đây là "nghiên cứu hoàn hảo mà công ty đã thực hiện để giúp chúng tôi cải thiện hệ thống và củng cố quyết định loại QAnon khỏi nền tảng".
Trong bối cảnh vấp nhiều chỉ trích và sức ép sau cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Facebook từng thay đổi hoàn toàn thuật toán để xác định những gì cần hiển thị ở đầu New Feeds của người dùng, gồm các bài đăng của bạn bè, gia đình, các nhóm và trang. Sự thay đổi này nhằm mục đích mang lại cho người dùng nhiều thông tin cập nhật hơn từ bạn bè và gia đình để họ có những trao đổi ý nghĩa, theo công ty thông báo thời điểm đó.
Nhưng việc đặt trọng tâm vào các bài đăng có số lượt tương tác cao đã dẫn tới nhiều thông tin sai lệch và gây chia rẽ được lan truyền mạnh, theo tài liệu nội bộ. Bài đăng càng tiêu cực hoặc nhạy cảm, càng được chia sẻ nhanh và rộng.
Kent Dodds, một kỹ sư phần mềm ở Utah, nói ông hiếm khi sử dụng Facebook. Vào tháng 9/2019, ông đã lên tiếng ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Andrew Yang. Bảng tin của Dodds đã thay đổi chóng mặt. Thay vì nhìn thấy các bài đăng từ những người thân quen của mình, tài khoản của ông giờ tràn ngập các bài đăng chính trị từ các tài khoản xa lạ.
"Tôi khi đó đã nghĩ Facebook muốn tôi chiến đấu. Họ muốn tôi thảo luận về quan điểm chính trị với những người bạn từ lâu không nói chuyện theo một cách rõ ràng không tích cực", ông nói. "Dù Facebook có cố ý áp dụng thuật toán đó hay không, họ vẫn nên chịu trách nhiệm. Nó đã gây hại cho xã hội của chúng ta".
Dodds không phải trường hợp duy nhất. Nghiên cứu của công ty cho thấy "sự phẫn nộ và thông tin sai lệch có khả năng lan truyền như thế nào", đặc biệt là những bài chia sẻ lại hoặc bài đăng từ người không trong danh sách bạn bè hay theo dõi.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy thông tin sai lệch, nội dung độc hại hoặc bạo lực rất phổ biến trong số các bài chia sẻ lại", một tài liệu khác cho biết.
Năm ngoái, Facebook từng điều chỉnh thuật toán trước cuộc bầu cử tổng thống để giảm các bài đăng "có vấn đề" liên quan đến dân quyền và y tế. Tuy nhiên, CEO Mark Zuckerberg ngần ngại áp dụng thay đổi này sang các loại bài đăng khác vì sợ làm giảm khả năng tương tác của người dùng.
Những cuộc tranh luận về tương tác của người dùng và sự chia rẽ rất phức tạp, theo Eli Pariser, nhà nghiên cứu và đồng giám đốc New_Public, nơi nghiên cứu về một không gian kỹ thuật số tốt hơn.
"Tôi nghĩ rằng công ty rõ ràng đưa ra các quyết định ưu tiên khả năng tương tác của người dùng và nó đã dẫn tới những hậu quả", ông nói.
Deanie Mills là một trong những người đã chứng kiến những hậu quả đó. Mills là một tiểu thuyết gia trinh thám 70 tuổi sống ở một nông trại hẻo lánh tại Tây Texas. Nửa gia đình bà là người theo Dân chủ, trong khi nửa còn lại là phe bảo thủ. Trong rất nhiều năm, bà phải cố giữ trật tự trong các cuộc tụ họp của gia đình. "Tôi không muốn tham gia vào một cuộc tranh cãi về chính trị", bà nói.
Năm 2008, bà tham gia Facebook và sử dụng tài khoản này để lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh Iraq theo lời thúc giục của con trai, một lính thủy đánh bộ "vỡ mộng" về cuộc chiến.
"Tôi ủng hộ quân đội 100%, nhưng không ủng hộ cuộc chiến tranh này và không muốn mất gia đình vì nó", Mills, người ủng hộ tổng thống Barack Obama, nói.
Bà đã đặt ra một quy định, không để Facebook ảnh hưởng tới gia đình. Bà cảm thấy đau lòng mỗi khi thấy các gia đình và bạn bè rạn nứt vì tranh cãi trên Facebook. Mills cho rằng vấn đề là mọi người ưa chuộng những thứ giật gân, sợ hãi và phẫn nộ.
"Mọi người cứ muốn bị hành hạ", Mills nói. "Và Facebook nói 'ma túy của bạn đây. Hãy quay lại đây và tôi sẽ đưa nó cho bạn'".
Các chuyên gia nghiên cứu về Facebook nói đó là cách nền tảng được thiết kế. Brent Kitchens, phó giáo sư về thương mại tại Đại học Virginia, cho biết một báo cáo năm 2020 từng chỉ ra bảng tin của người dùng Facebook thường trở nên phân cực hơn khi họ dành nhiều thời gian cho nó. Xu hướng này của người thuộc phe bảo thủ cao gấp năm lần so với người theo phe tự do.
Chris Bail, giám đốc đơn vị nghiên cứu về sự phân cực và chia rẽ tại Đại học Duke, tin rằng Facebook góp phần làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ chính trị, nhưng lưu ý có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bail cho rằng Facebook nên thay đổi hệ thống một cách nền tảng hơn. Thay vì chỉ thúc đẩy các bài đăng có nhiều lượt thích nhất, ông cho rằng nền tảng nên thúc đẩy những bài đăng có lượng thích lớn từ các nguồn tiêu biểu, gồm cả Dân chủ và Cộng hòa.
Dù Facebook có thực hiện các thay đổi như vậy hay không, Katie Bryan cũng không còn muốn tham gia mạng xã hội này. Nhà thiết kế đến từ Woodbridge, bang Virginia thấy chán ngấy những thông tin sai lệch và thù ghét được lan truyền bởi những người ủng hộ Trump khi ông lần đầu tranh cử. Cô đã hủy kết bạn với nhiều bạn bè và người thân.
"Tôi thực sự không thích vào Facebook nữa", cô nói.
Bryan thậm chí đã xóa ứng dụng Facebook và Instagram trên điện thoại sau những tin tức mà Haugen tiết lộ.
Từng nhận làm con nuôi để hỗ trợ phát triển con đường ca hát, vì sao Quang Lê lại dừng hợp tác với bé Huyền Trân của Tịnh thất Bồng Lai?
Phía Quang Lê vừa trả lời về việc ngừng hợp tác với Huyền Trân, giọng ca từng vào Top 6 Giọng hát Việt nhí 2014.