Căng với TQ, Mỹ tăng nhập hàng từ Việt Nam, Bangladesh, Hàn Quốc
Chiến tranh thương mại khiến người Mỹ mua ít hàng hóa Trung Quốc hơn. Song, thay vì dựa vào các nhà sản xuất trong nước, họ chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn từ những nơi khác ở châu Á.
07:00 10/07/2019
Theo dữ liệu mới công bố của Cục thống kê Mỹ, xu hướng trên đã xuất hiện trong hơn một năm đàm phán thương mại Mỹ - Trung và vẫn tiếp tục đến tháng 5 vừa qua.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đại lục ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nước này lại tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Bangladesh và Hàn Quốc với tỉ lệ lần lượt là 36%, 23%, 14% và 12%.
Ngành may mặc được coi là một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh là các công nhân tại một nhà máy may mặc ở Bắc Giang. Ảnh: Reuters
Theo CNN, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế cao hơn đã khiến những mặt hàng tiêu dùng như mũ bóng chày, xe đạp, vali hay túi xách sản xuất tại Trung Quốc đắt hơn nhiều đối với các nhà nhập khẩu của Mỹ . Việc tăng thuế cũng làm đội giá nhiều mặt hàng máy móc và công nghiệp, kể cả các bộ phận của máy rửa bát, máy giặt, máy sấy và thiết bị lọc nước.
Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố khôi phục đàm phán thương mại với Bắc Kinh, đồng thời tạm ngưng áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật.
Song, các chủ doanh nghiệp Mỹ thực sự bất an khi Washington làm leo thang chiến tranh thương mại bằng cách nâng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá tổng cộng 200 tỉ USD hồi tháng 5, viện dẫn lí do Bắc Kinh đã xé bỏ những thỏa thuận trước đó. Lãnh đạo Nhà Trắng còn đe dọa áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc như điện thoại thông minh, đồ chơi, sản phẩm da giầy và cá.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, ông Trump tin, Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải nhất trí ký thỏa thuận với Washington vì các đòn thuế của ông đang khiến nhiều công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc, gây tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các doanh nghiệp đang chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc lâu dài hay đơn giản chỉ dàn xếp lại đường đi của hàng hóa nhằm giảm thiểu thủ tục xét duyệt trước khi xuất sang Mỹ.
Việc tìm ra các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc có thể sản xuất cùng loại hàng hóa, với cùng chất lượng và giá thành rẻ hơn luôn không dễ dàng. Đó là một quá trình có thể mất hàng tháng, thậm chí là hàng năm.
Thay vào đó, một nhà nhập khẩu có thể phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, đánh cược vào việc sớm muộn gì ông Trump sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan chống Trung Quốc. Họ cũng có thể chọn tăng giá sản phẩm, tức là khiến người tiêu dùng phải gánh phí cao hơn, vào thời điểm hiện tại.
Khoảng 40% các công ty tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ và đối tác của cơ quan này ở Thượng Hải hồi tháng 5 cho hay, họ đang cân nhắc hoặc đã di dời một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì thuế tăng. Đối với những doanh nghiệp đã di dời sản xuất, khoảng 1/4 đã chuyển sang Đông Nam Á. Chủ không đầy 6% nói họ đã di dời hoặc cân nhắc di dời về Mỹ.
Mặc dù việc Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ các nước ngoài Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong năm nay, nhưng thực tế, một số doanh nghiệp đã di dời sản xuất khỏi đại lục để tới những nơi có nhân công rẻ hơn từ rất lâu trước khi ông Trump tung đòn thuế. Mỹ liên tục tăng nhập khẩu hàng hóa từ những nước như Việt Nam và Hàn Quốc trong một thập niên qua khi các nước này đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng may mặc và thiết bị điện tử.
Đài Loan và Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn, trong khi Việt Nam và Bangladesh luôn có lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ, khiến họ trở thành nơi hấp dẫn để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như may mặc và da giầy.
Theo: Vietnamnet
Áp lực Trump - Tập đối mặt trong chiến tranh thương mại
Trump cần lấy lòng cử tri để nâng cơ hội tái đắc cử, còn ông Tập cần "chữa lành" vết thương chiến tranh thương mại gây ra với kinh tế Trung Quốc.