Câu chuyện Mỹ-Đức: Khi thâm hụt thương mại chưa chắc đã xấu
Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Đức về tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước. Ông Trump cho rằng kinh tế Đức đã được hưởng lợi lớn khi thặng dư thương mại với Mỹ.
23:37 02/06/2017
Tất nhiên, lời phàn nàn của ông chủ Nhà Trắng không được Thủ tướng Đức Angela Merkel quan tâm lắm. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump đã đúng trong lần này và nước Đức nên quan tâm nhiều hơn đến tình trạng thặng dư thương mại quá lớn của mình.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức và Trung Quốc hiện đang thuộc hàng lớn nhất thế giới và chúng khiến những đối tác thương mại như Mỹ hay nhiều nước Châu Âu phải lo lắng.
Mặc dù quan điểm của ông Trump cho rằng nước Mỹ thâm hụt thương mại là do các nước khác sử dụng những chính sách bảo hộ hây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ không hề chính xác, bởi bảo hộ chỉ tác động được đến xuất nhập khẩu mà không ảnh hưởng được đến toàn bộ cán cân thương mại giữa 2 nước.
Dẫu vậy, việc thặng dư thương mại quá lớn cũng là một rủi ro tiềm ẩn khi người dân trong nước tiêu thụ ít hơn so với số hàng hóa, dịch vụ họ sản xuất ra và qua đó tiết kiệm rất lớn nhưng cũng không đi đầu tư vào trong nước. Hoặc tồi tệ hơn, một quốc gia đang lâm vào suy thoái, dân số già hóa cũng có thể có thặng dư thương mại.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại chưa chắc đã xấu khi một nền kinh tế cần nhập khẩu nhiều hàng hóa nguyên vật liệu để sản xuất, người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó kích thích đầu tư trong nước.
Trên thực tế, việc mất cân bằng cán cân thương mại hiện nay không phải do các chính sách bảo hộ như ông Trump nói mà là do những nguyên nhân khác.
Đầu tiên là thị trường tiền tệ. Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Anh (BoE), ông Mervyn King cho biết thông thường một quốc gia có nền kinh tế yếu và nhập khẩu quá nhiều sẽ hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, trường hợp này không đúng với Đức.
Hãy xem xét nền kinh tế Trung Quốc, ví dụ điển hình của việc hạ giá đồng nội tệ thúc đẩy xuất khẩu. Trong khoảng 2003-2013, Trung Quốc đã chi tới hơn 5 nghìn tỷ USD để giữ giá đồng Nhân dân tệ thấp, qua đó kéo việc làm và nguồn vốn đầu tư từ những nước khác như Mỹ, gây ra mất cân bằng cán cân thương mại.
Nghiên cứu của viện kinh tế Peterson cho thấy trong khoảng 2009-2014, nền kinh tế Mỹ đã mất hơn 1 triệu việc làm vì chính sách này của Trung Quốc. Dẫu vậy, khi chính quyền Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát với thị trường tiền tệ vào năm 2014, thặng dư thương mại của nước này đã giảm.
Trong trường hợp của Đức, kể từ khi gia nhập khối đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) năm 1999, chính quyền Berlin chưa hề can thiệp vào thị trường tiền tệ. Dẫu vậy, những cải cách trong thị trường lao động Đức khiến mức lương tại đây thấp hơn các nước Châu Âu khác. Thêm vào đó, việc cắt giảm thuế tiền lương (Payroll Tax: ông chủ phải trả thuế khi thanh toán lương cho nhân viên) càng khiến các sản phẩm xuất khẩu của nước này cạnh tranh hơn.
Chính những yếu tố này đã thúc đẩy thặng dư thương mại của Đức, buộc các nền kinh tế láng giềng như Pháp phải hạ mức lương và giá cả hàng xuất khẩu bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ công lớn. Những ảnh hưởng này đã khiến nền kinh tế trong khu vực Châu Âu gặp nhiều khó khăn, buộc Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất, giảm giá đồng Euro và qua đó càng thúc đẩy thặng dư thương mại với các khu vực khác.
Giám đốc Marcel Fratzscher của viện nghiên cứu DIW Berlin cho rằng Tổng thống Trump không nên chỉ trích việc những công ty Đức như BMW bán quá nhiều xe cho người tiêu dùng Mỹ. Vấn đề ở đây là người Đức nhập khẩu cũng như chi tiêu quá ít và đó mới là nguyên nhân chính tạo nên thặng dư thương mại lớn.
Thật vậy, thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ với Đức đạt 67,8 tỷ USD, đứng thứ 2 sau mức 310 tỷ USD với Trung Quốc. Tuy nhiên, Đức nhập khẩu tới 80,4 tỷ USD các sản phẩm, dịch vụ của Mỹ, nhiều hơn bất cứ nước Châu Âu nào ngoại trừ Anh.
Khoảng 1/3 số thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức là do ngành sản xuất ô tô khi Mỹ mua tới 1,3 triệu xe hơi từ các hãng của Đức như Volkswagen, Mercedes hay BMW. Mặc dù vậy, tất cả các hãng trên đều có nhà máy tại Mỹ với khoảng 250.000 chiếc được sản xuất tại đây mỗi năm.
Thậm chí cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là ông Gary Cohn cũng phải đưa ra một số lời bào chữa cho các dòng đăng tải trên Twitter của ông chủ Nhà Trắng.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) nói rằng Mỹ và Đức mất cân bằng về thương mại nhưng ông ấy không có ác ý gì với nước Đức”, ông Cohn nói.
Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 1)
Theo nghiên cứu của trang CareerCast.com, đứng thứ hai trong 10 nghề thoải mái đầu óc nhất ở Mỹ là nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc. Nghề cắt tóc được xem là nhàn nhất, bổng lộc cao và thời gian chỉ phụ thuộc vào khách hàng lẫn chính mình.