Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 1)
Theo nghiên cứu của trang CareerCast.com, đứng thứ hai trong 10 nghề thoải mái đầu óc nhất ở Mỹ là nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc. Nghề cắt tóc được xem là nhàn nhất, bổng lộc cao và thời gian chỉ phụ thuộc vào khách hàng lẫn chính mình.
01:00 23/04/2018
Cô Chan Ly, bên trái, đang làm tóc cho một thân chủ tại trường AA International Beauty College ở Westminster vào trưa thứ Bảy vừa qua. Hiệu trưởng của trường này cho biết điều thú vị của nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc là khi chính tay mình tạo được cho khách hàng những mẫu tóc cầu kỳ, chuyên nghiệp, hay đơn giản nhưng không kém phần duyên dáng. Đây cũng là nghề “làm dâu trăm họ,” lắm chuyện buồn vui.
Công việc thú vị và đầy hứng khởi
Đối với những người làm nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc, không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần người đó có đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mỉ. Mỗi mẫu tóc chính là một tác phẩm nghệ thuật. Để trở thành một người cắt tóc giỏi, tạo mẫu tóc giỏi, ngoài sự khéo léo, sáng tạo, người thợ tóc ít nhiều phải có sự hiểu biết căn bản về thẩm mỹ.
Bởi một kiểu tóc đẹp là phải phù hợp với vóc dáng, độ tuổi, công việc… giúp tôn lên những ưu điểm, che đi khuyết điểm của người khách. Làm đẹp cho người khác thực sự là một công việc thú vị và đầy hứng khởi.
Theo chị Phạm Thảo Vân, là hiệu trưởng của trường AA International Beauty College (trước là Elite Beauty College), tại thành phố Westminster, Nam Calfornia, cho phóng viên nhật báo Viễn Đông biết những điều thú vị của nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc là khi chính tay mình tạo được cho khách hàng những mẫu tóc cầu kỳ, chuyên nghiệp, hay những mẫu tóc đơn giản nhưng không kém phần duyên dáng để khách hàng thấy họ đẹp thêm, nhất là khi thay đổi kiểu tóc mới biến người khách hàng thành một con người mới, giúp họ trở nên đẹp hơn, mới mẻ hơn. Đây là công việc được gọi là nghề “làm dâu trăm họ,” cũng lắm chuyện vui, chuyện buồn.
Điều làm cho người thợ cắt tóc cảm thấy hạnh phúc nhất là cắt được mái tóc vừa ý cho khách hàng và dần dần biến người ấy thành khách quen của mình. Làm nên thành công đó không chỉ đơn giản là giỏi tay nghề mà còn giỏi trò chuyện với khách, vui vẻ với khách. Mỗi người khách đến tiệm cắt tóc là một câu chuyện khác nhau.
Họ có thể nói đủ thứ chuyện từ tin tức thời sự, giá xăng dầu tăng giảm, v.v.. Vì vậy, người thợ làm tóc phải luôn cập nhật tin tức, phải biết lắng nghe những gì khách hàng nói. Giao tiếp rất quan trọng đối với công việc tưởng như chỉ cần tay nghề và năng khiếu này.
Dẫu rằng kỹ thuật làm tóc rất quan trọng nhưng người thợ làm tóc phải biết nói chuyện và hỏi han khách hàng để biết được nhu cầu, sở thích của họ. Như vậy, người thợ mới giảm thiểu được các “tai nạn nghề nghiệp” khi khách hàng phật ý vì không thích kiểu tóc mới hay thợ hiểu sai yêu cầu của họ.
Do đó nếu người thợ tóc không rành tiếng Anh, sẽ gặp khó khăn một chút với những khách hàng không phải người Việt hoặc những bạn trẻ gốc Việt sinh ra, lớn lên tại Mỹ. Đây là công việc có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Là một thợ làm tóc, có cơ hội nói chuyện với đồng nghiệp và khách hàng cả ngày.
Mỗi ngày trôi qua đều không giống nhau. Mỗi khách hàng sẽ có những câu chuyện mới khi họ đến làm tóc. Người thợ sẽ thấy mình có rất nhiều bạn. Trên thực tế, hoạt ngôn là một tính cách cần thiết trong công việc của người thợ làm tóc.
Đây cũng là công việc có thể tự do làm việc bất cứ khi nào và nhiều hơn nếu muốn. Người thợ có thể làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, hay chỉ làm việc ngày cuối tuần, hay làm cả bảy ngày trong tuần, sự lựa chọn là tùy thuộc vào người thợ.
Hầu hết những người thợ làm tóc đều có một thời gian biểu khác biệt. Họ bắt đầu làm việc vào giờ nghỉ trưa khi khách hàng tranh thủ thời gian ăn trưa ra cắt tóc. Hoặc công việc nhiều hơn khi vào buổi chiều, sau giờ làm việc. Do đó, họ có thể tận hưởng cả buổi sáng, bù lại buổi chiều tối làm việc vất vả. Càng nhiều khách hàng thì thu nhập càng cao, có cả tiền tip của khách.
Nếu người thợ tóc có cá tính, kỹ năng cao, biết tận dụng sự sáng tạo, có thể hợp tác với các ca nghệ sĩ trong làng giải trí, được trực tiếp tạo kiểu tóc và trang điểm cho những người nổi tiếng. Nhiều người thợ làm tóc ban đầu chỉ làm trong các tiệm làm tóc để học các kỹ thuật. Từ bước đệm đó, họ chuyển sang làm việc với những nghệ sĩ, người nổi tiếng…
Điều kiện để hành nghề tóc hợp pháp tại Mỹ
Ở Việt Nam trước đây nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc thường được truyền lại theo kiểu người đi sau làm theo cách của người đi trước. Muốn trở thành một thợ cắt tóc thì người đó phải làm thợ học việc ở các tiệm tóc.
Không phải người học nghề nào cũng được “sư phụ” truyền cho hết ngón nghề.
Còn hiện nay tại Việt Nam, những trường dạy nghề tóc đã phổ biến khắp các tỉnh thành trong nước, việc học nghề cũng dễ dàng hơn, giá cả cũng đủ loại Riêng tại Hoa Kỳ, muốn làm việc trong ngành tóc nói riêng ngành nghề thẩm mỹ nói chung một cách hợp pháp, người đó cần phải đến trường dạy nghề thẩm mỹ theo học tùy từng ngành nghề mình chọn và trải qua số giờ học cần thiết tại các trường, với số giờ học khác nhau tùy theo quy định của từng tiểu bang.
Sau khi học viên học đủ số giờ quy định, đã hoàn tất chương trình học tại trường, thì mới đủ điều kiện để nộp đơn đi thi lấy giấy phép tiểu bang để làm việc tại các tiệm salon, tiệm barber.
Theo chị Phạm Thảo Vân cho biết, ngành thẩm mỹ tại Hoa Kỳ nói chung khá đa dạng, bao gồm nhiều môn học. Nhưng các hội đồng thẩm mỹ (State Board) ở các tiểu bang của Hoa Kỳ thường chú trọng các ngành nghề thẩm mỹ cần phải thi lấy bằng hành nghề và phải đủ số giờ học.
- Ngành Thẩm mỹ toàn phần (Cosmetologist) học đủ 1,600 giờ, là ngành học tổng quát bao gồm tóc, chăm sóc da, và chăm sóc tay chân.
- Chuyên viên chăm sóc da (Esthetician) học 600 giờ, là ngành học chuyên về làn da, trang điểm, lấy lông, và massage da mặt….
- Thợ làm móng tay chân (Manicurist) học 400 giờ, là ngành học chăm sóc tay, chân và gắn đắp các loại móng nhân tạo.
- Chuyên viên lấy lông vĩnh viễn (Electrologist) cần trình độ lớp 12, học 600 giờ, là ngành học sử dụng dòng điện qua kim để hủy diệt lông mọc dư thừa trên da.
- Chuyên viên về tóc và cạo mặt (Barber) học 1,500 giờ, là ngành học về tóc và cạo râu mặt, râu mép.
- Massage Practitioner 250 giờ học; Massage Therapist 500 giờ học.
Theo chị Thảo Vân, khi học viên vào học tại các trường, dù người đó ở Việt Nam từng làm thợ tóc có kinh nghiệm rồi, vẫn cần phải học, vì trong các trường dạy nghề thẩm mỹ tại Hoa Kỳ, giáo viên dạy học viên thực hiện công việc theo một quy trình. Bất kể trình độ hay kỹ năng, ai làm theo quy trình này cũng có thể làm được. Có thể mình đã giỏi về tay nghề nhưng mình phải học cách sắp xếp để bắt đầu vào công việc như thế nào, phải làm theo thứ tự từng bước bài bản thì sẽ đưa ra một tác phẩm như mong muốn.
Chị Thảo Vân cũng cho biết thêm về điều kiện để nhập học cho một người mới đến định cư tại Hoa Kỳ: Người đó ít nhất phải 16 tuổi và tính đến ngày thi là 17 tuổi, không hạn chế tuổi tác hoặc kỳ thị người già, người tàn tật, những học viên này vẫn được theo học nếu tình trạng thể lực cho phép.
Học viên cần có giấy tờ chứng nhận để đi học, gồm thẻ I-94 hoặc thẻ xanh, thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe hoặc thẻ ID có hình, hoặc sổ thông hành ở Việt Nam cấp có hình, dành cho những người sang Mỹ du lịch thăm thân nhân ghi danh theo học, nhưng không thể dự thi tại hội đồng thẩm mỹ tiểu bang, dù vậy số giờ học vẫn có giá trị và sẽ được nộp đơn thi nếu đủ điều kiện hợp pháp thủ tục di trú sau đó.
Điều đầu tiên đối với người thợ làm tóc muốn làm nghề hợp pháp ở Mỹ bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Khi hoàn tất chương trình học, thí sinh nộp đơn lên hội đồng thẩm mỹ. Thời gian duyệt xét từ sáu tuần đến tám tuần. Tại tiểu bang California cách thi gồm hai phần thực hành và lý thuyết.
Nếu đạt được 75% cả hai phần là đậu được cấp ngay bằng hành nghề cùng ngày và có thể đi làm ngay, hoặc rớt có thể điền đơn, đóng lệ phí lại để thi vào kỳ tới. Điều không may quí vị thi rớt chỉ một phần trong cuộc thi, chỉ cần thi lại phần không đủ điểm và nên nộp đơn thi lại càng sớm càng tốt vì phần thi đậu có giá trị trong vòng 1 năm.
Sau khi có bằng hành nghề, người thợ tóc phải trực tiếp làm ở các tiệm beauty salon (với những người có bằng Cosmetologist) hay các tiệm Barber với người thợ có bằng về Barber và để giỏi nghề cần tiếp tục học hỏi từ bạn đồng nghiệp, học những kỷ thuật mới nhất để phát triển nghề nghiệp và dĩ nhiên tăng thu nhập cũng cần tham dự các lớp cao cấp thẩm mỹ được tổ chức nhiều nơi và điều quan trọng là phải luôn tuân thủ đúng, đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, diệt trùng đúng cách để tránh bị phạt.
(Còn tiếp)
Người Việt ở Mỹ với nghề cắt cỏ: Cắn răng chấp nhận tiếng “cướp cơm”
Nghề nail (làm móng) của người Việt tại Mỹ đã qua thời huy hoàng.