Câu hỏi chua chát với chính quyền Tổng thống Biden

Mỹ đầu tư 20 năm và hàng tỷ USD vào cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng sự trở lại của Taliban có nguy cơ dập tắt hoàn toàn sức ảnh hưởng của Washington đối với nơi này.

01:00 19/08/2021

Sự sụp đổ của thủ đô Kabul vào ngày 15/8 khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối diện câu hỏi chua chát họ chưa từng nghĩ tới: Mỹ có nên giao thiệp với chính quyền Taliban tại Afghanistan hay không và nếu có thì bằng cách nào?

Nếu chấm dứt quan hệ, Mỹ sẽ nhường lại sức ảnh hưởng tại Afghanistan cho một nhóm cực đoan thường trấn áp người dân và từng che chở cho Osama bin Laden.

Cùng ngày 15/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bất ngờ trốn khỏi Kabul, chỉ vài giờ sau khi nhận được lời hứa hẹn từ Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ ông.

Điều này khiến Taliban có rất ít lý do để đàm phán thiết lập chính phủ chuyển tiếp, 2 quan chức Mỹ trong chính quyền Biden cho biết.

Các quan chức trên cũng cho biết ông Ghani rời đất nước mà không thông báo cho nội các hoặc để lại kế hoạch chuyển giao chính phủ. Động thái này gần như đảm bảo rằng viễn cảnh Taliban lên nắm quyền sẽ trở thành hiện thực.

Không những vậy, việc ông Ghani rời đất nước còn dập tắt nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình để đạt được cơ chế chia sẻ quyền lực giữa Taliban và các lãnh đạo dân cử của Afghanistan.

My tai Afghanistan anh 2

Chiến binh Taliban xuất hiện trong dinh tổng thống vào ngày 15/8, sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trốn khỏi đất nước. Ảnh: AP.

Không có tiếng nói trong tiến trình hòa bình

Lúc này, giới chức Mỹ chỉ có thể hy vọng Taliban - tổ chức từng bỏ ngoài tai lời kêu gọi ôn hòa trong những tháng qua - sẽ bảo vệ quyền lợi chính trị và quyền phụ nữ, đồng thời tôn trọng cam kết không chứa chấp những tay súng khủng bố Al Qaeda.

Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các cuộc đối thoại giữa chính phủ Afghanistan và Taliban về “con đường trước mắt”.

Cũng theo ông Blinken, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad đã có mặt ở Doha, thủ đô Qatar, để phối hợp với Liên Hợp Quốc và các nhà ngoại giao quốc tế trong cuộc đối thoại “chuyển giao quyền lực hòa bình” nhằm tránh gây thêm đổ máu.

Nhưng ở hậu trường, quan chức Nhà Trắng cho biết họ đang phải đối mặt với thực tế chua xót rằng họ gần như không có tiếng nói trong tiến trình hòa bình tại Afghanistan.

Hạ nghị sĩ Mỹ Liz Cheney chỉ trích cả chính quyền Biden và Trump vì động thái rút quân đội Mỹ ra khỏi một quốc gia có chính quyền yếu ớt và phải phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự.

Lời chỉ trích của bà Cheney đặc biệt gay gắt đối với cựu Tổng thống Donald Trump cùng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người phụ trách ký thỏa thuận đình chiến với Taliban vào tháng 2/2020. Thỏa thuận này từng do ông Khalilzad trung gian đàm phán.

My tai Afghanistan anh 3

Những người dân mất nhà tại Kabul vào ngày 11/8. Ảnh: AFP.

“Họ đặt chân lên con đường hợp thức hóa Taliban và nói với người Mỹ rằng Taliban là đối tác hòa bình”, bà Cheney nói trên đài ABC.

Tổng thống Trump đã nói Taliban sẽ chống lại khủng bố. Ngoại trưởng Pompeo nói Taliban sẽ từ bỏ Al Qaeda. Nhưng cả hai điều này chưa xảy ra”, bà Cheney nhận định.

Sau khi nhậm chức vào tháng một, ông Biden quyết định tuân thủ thỏa thuận Mỹ từng ký với Taliban.

Theo ông Blinken, thỏa thuận trên buộc Washington hoặc rút quân, hoặc phải đối diện với viễn cảnh người Mỹ tại Afghanistan trở thành mục tiêu bị tấn công, trong khi số lượng nhân viên an ninh bảo vệ công dân Mỹ ngày càng giảm.

Ngày 15/8, nhân viên Đại sứ quán Mỹ phải rời trụ sở được phòng ngự kiên cố để di chuyển đến sân bay quốc tế tại Kabul. Đại sứ quán Mỹ vẫn sẽ hoạt động tại sân bay này, nhưng quy mô được thu hẹp chỉ còn một số nhân sự lõi.

Việc di chuyển văn phòng ngoại giao tới sân bay sẽ cho phép quan chức Mỹ nhanh chóng rời đi nếu gặp nguy cơ. Đồng thời, điều này cũng sẽ duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan như chính quyền Biden từng hứa, Ngoại trưởng Blinken cho biết.

Taliban chưa bao giờ hành động thiện chí

Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD vào cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan và hứng chịu thương vong lên tới con số hàng nghìn. Nhưng lúc này đây, Mỹ lại có tiếng nói rất hạn chế trong thế cục đang nhanh chóng thành hình tại Kabul.

Theo New York Times, câu hỏi lúc này là liệu chính quyền Biden có hoặc còn đòn bẩy quyền lực gì đối với chính phủ bị Taliban kiểm soát một phần hoặc toàn bộ.

My tai Afghanistan anh 4

Người dân Afghanistan trèo lên trên máy bay tại sân bay Kabul vào ngày 16/8. Ảnh: AFP.

Trong nhiều tháng, quan chức chính quyền Biden lạc quan rằng lực lượng Taliban có thể điều chỉnh hành vi một khi lên nắm quyền vì muốn được công nhận ngoại giao và nhận viện trợ quốc tế.

Tháng 4, trong chuyến đi tới Afghanistan, ông Blinken cho rằng điều “quan trọng là Taliban nhận ra rằng họ sẽ không bao giờ lâu bền hoặc được chấp nhận nếu từ chối tiến trình chính trị và cố gắng kiểm soát đất nước bằng vũ lực”.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 7, ông Blinken tiếp tục cảnh báo “nếu xuất hiện một Afghanistan không tôn trọng quyền cơ bản của người dân, vi phạm quyền của phụ nữ và bé gái, không tôn trọng những thành tựu cơ bản trong 20 năm qua, Afghanistan đó sẽ bị cộng đồng quốc tế ruồng rẫy”.

Nhưng những hy vọng trên đã tan thành mây khói cùng với đợt tấn công của Taliban. Tuy tổ chức này vẫn tham gia đàm phán hòa bình để hướng tới cơ chế chia sẻ quyền lực với chính phủ Afghanistan, đà tiến công nhanh chóng cho thấy Taliban chưa bao giờ hành động thiện chí.

Cùng với bước chân của Taliban là những tin tức về các vụ bạo lực, hành quyết quan chức chính quyền, lực lượng an ninh, và ép phụ nữ kết hôn, theo New York Times.

My tai Afghanistan anh 5

Chiến binh Taliban chiếm được Kunduz, Afghanistan vào đầu tuần thứ hai của tháng 8. Ảnh: AP.

“Taliban là một tổ chức ý thức hệ, không phải chỉ là nhóm chính khách muốn quyền lực. Họ không thể lệch đi quá xa so với hệ tư tưởng của mình”, Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Washington, nhận định.

“Thật hão huyền khi cho rằng khao khát được quốc tế công nhận sẽ lớn hơn niềm tin cốt lõi của một người nào đó. Chính điều này từng khiến người Mỹ có kỳ vọng phi thực tế và và chính sách sai lầm trong quá khứ”, ông Haqqani cho biết.

Ngày 15/8, ông Blinken nói Taliban sẽ không dám để bị phát hiện chứa chấp những phần tử khủng bố quốc tế như Osama bin Laden.

“Taliban biết rõ những gì xảy ra trong quá khứ khi họ che giấu nhóm khủng bố tấn công Mỹ. Taliban sẽ đi ngược lại lợi ích của chính mình nếu để điều đó tái diễn”, ông Blinken nói.

Nhưng ông Haqqani chỉ ra rằng trước khi tấn công Afghanistan vào năm 2001, Mỹ cũng từng yêu cầu Taliban giao nộp bin Laden và bị khước từ.

Cùng ngày ông Blinken có tuyên bố trên, Taliban thông báo phóng thích tù nhân tại căn cứ không quân Bagram bên ngoài Kabul. Đây là nơi giam giữ nhiều thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda và các thành viên cũ của Taliban.

“Điều này sẽ để lại tác động cho tới nhiều năm sau này”, Bill Roggio, nhà phân tích Afghanistan thuộc viện chính sách Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ), nhận định.

Tags:
Quách Thành Danh lái BMW i8 trị giá 160.000 USD đưa con trai đi dự lễ tốt nghiệp mẫu giáo ở Mỹ

Quách Thành Danh lái BMW i8 trị giá 160.000 USD đưa con trai đi dự lễ tốt nghiệp mẫu giáo ở Mỹ

Ca sĩ Quách Thành Danh dậy sớm để đưa con tới trường trong ngày bé tốt nghiệp mẫu giáo tại bang Texas, Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất