Chàng trai phát hiện ung thư máu, dùng 5 tỷ để đổi lấy cuộc sống bình thường
Khôi Nguyên (sinh năm 2003, Hà Nội) lần đầu tiên phát hiện mình mắc ung thư máu là khi 17 tuổi. Gia đình tích cực chạy chữa nhưng chỉ 2 năm sau, bệnh tái phát.
10:15 08/06/2023
17 tuổi và chỉ còn sống 4 tháng là cảm giác ra sao?
Mình không suy sụp mà chỉ thấy tiếc cho bản thân. Mình mới 17 tuổi, còn chưa tốt nghiệp cấp 3, mình có rất nhiều ước mơ và dự định phải làm. Hóa ra cuộc sống khắc nghiệt đến vậy…
Bác sĩ cho biết chỉ số tiểu cầu của mình thấp đến mức nguy kịch, chỉ còn 11 trong khi người bình thường là 150 - 400. Ngay lập tức mình được đưa vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong tình trạng cấp cứu.
Lúc mẹ khóc, mình còn động viên mẹ rằng mới phát hiện nên chắc là giai đoạn đầu, chữa trị kịp thời chắc sẽ không sao. Nhưng trớ trêu, bác sĩ bảo mình chỉ còn tối đa 4 tháng nữa để duy trì sự sống. Ừ, 4 tháng thì 4 tháng, mình sẽ viết ra những người muốn gặp, những điều muốn nói và cố gắng thực hiện hết.
Khôi Nguyên trong giai đoạn điều trị
Khi mình đã chuẩn bị hết, sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện thì có một điều may mắn đã đến. Trong gần 20 thể của ung thư máu, có 1 thể có thuốc chữa và mình thuộc thể này. Ngay khi biết tin, gia đình định cho mình sang Đức để chữa trị vì có người nhà ở đó. Nhưng năm 2020 là dịch bệnh nên mình không đi được, bác sĩ đề xuất điều trị tại Việt Nam và nhà mình đồng ý.
Trong quá trình điều trị này, lớp mình đi chụp ảnh kỷ yếu. Lúc ấy tóc mình rụng hết, đầu trọc lóc nên một số người bạn thân đã cùng cắt tóc ngắn để mình không đơn độc. Mình đã rất xúc động.
Cậu bạn cùng lớp đi chụp ảnh kỷ yếu
Truyền hóa chất rất mệt. Trong lần đầu tiên, mình nằm bẹp một chỗ, thấy mọi thứ xung quanh, nghe mọi người nói nhưng không phản ứng lại được. Khi tỉnh lại những bệnh nhân như mình thường khóc lóc, lăn lộn nhưng mình tiếp tục nằm im nên mẹ hỏi “Ơ. Thế không đau à?”. Thực ra mình rất đau nhưng đã cố nằm im. Vì mình lăn lộn thì cũng không đỡ đau mà mọi người, nhất là mẹ nhìn vào sẽ xót. Mình chiến đấu trong im lặng. Những ngày tiếp theo, mình luôn động viên ngược mọi người trong nhà. Mình bị thế này mà còn suy sụp nữa thì mọi người sẽ càng mất tinh thần hơn.
Có lẽ người ngoài đều nghĩ phòng bệnh nhân ung thư là một nơi kinh khủng, u ám. Nhưng khi trải qua rồi, mình mới biết: Nơi gần cửa tử nhất, là nơi mọi người sống lạc quan nhất có thể.
Sau khoảng 3 - 4 tháng điều trị, mình được xuất viện. Lúc đó mình nghĩ đã chiến thắng rồi, nếu uống thuốc đầy đủ, giữ lối sống lành mạnh thì căn bệnh sẽ không trở lại quá nhanh chóng.
Sau khi ra viện, chỉ còn 4 tháng để học lại từ đầu và thi tốt nghiệp THPT. Song song với đó mình nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học tư thục theo hình thức xét học bạ. Trước kỳ thi THPT 4 ngày, mình nhận được kết quả trúng tuyển, được học bổng miễn phí học phí trong 1 năm đầu. Mình quyết định sẽ theo học ngành Quản trị nhân lực. Dù không bị áp lực thi THPT như bạn bè nhưng mình vẫn cố gắng hết mình và được 25 điểm. Với mọi người, số điểm này không cao, chỉ trên trung bình một chút nhưng với mình, đó là kỳ tích.
Mình lao vào cuộc sống sinh viên với tất cả sự tích cực và năng nổ vì được học ngành yêu thích, được học bổng, vì có thể tự mua những thứ mình cần nhờ đi làm thêm ở quán trà sữa và rạp chiếu phim. Mình còn làm MC cho một số chương trình ở trường, trở thành đại sứ truyền thông của trường, lan tỏa những năng lượng đến mọi người xung quanh. Mình rất vui.
Chàng sinh viên năng động
Tất nhiên mình đã chuẩn bị tinh thần chào đón căn bệnh quay trở lại bất cứ lúc nào, có thể trong 5 - 10 năm tới. Nhưng chỉ 2 năm sau, năm 2020, nó đã một lần nữa chực chờ cướp đi cuộc sống bình thường mình đang có. Bác sĩ phát hiện cơ thể mình đã sản sinh ra các tế bào ung thư mới…
Hóa đơn xét nghiệm 200 triệu và 5 tỷ cho cả quá trình “chạy bệnh": Lần đầu tiên phải bật khóc
Mình bước vào đợt điều trị thứ 2 với một tâm thế lạc quan và thoải mái. Nhưng khi gia đình đã hoàn tất giấy tờ để làm hóa chất thì nhận được thông báo viện đang hết sạch thuốc. Nếu mình muốn ở Việt Nam điều trị thì phải chờ nhưng không biết chờ đến bao giờ. Sau khi được bác sĩ tư vấn, gia đình quyết định đưa mình sang Singapore.
Mình không đồng ý!
Thứ nhất là căn bệnh này có thể tái lại bất cứ lúc nào. Thứ hai là sẽ rất tốn tiền. Gia đình mình không có quá nhiều điều kiện, chỉ đủ để sống bình thường chứ không đủ để chi trả tiền chữa trị lớn. Nhưng bố mẹ gần như ép buộc mình phải đi và đã vay mượn của người thân, anh chị em họ hàng cho mình chữa trị. Kể từ lúc bị bệnh, đó là lần đầu tiên mình khóc…
Lúc mới sang, mình thấy mọi thứ bình thường, vẫn đi làm xét nghiệm và gặp bác sĩ. Mình bắt đầu thấy mọi thứ không ổn khi nhìn hóa đơn của lần xét nghiệm đó. Nó là 12.000 đô Singapore, tương đương hơn 200 triệu đồng. Mới xét nghiệm, chưa làm gì mà đã 200 triệu thì không biết chi phí điều trị còn đến mức nào nữa?
Khi gặp bác sĩ, mình được biết tỷ lệ thành công là 98,2%, sau 5 năm tất cả bệnh nhân tái khám vẫn chưa sản sinh tế bào ung thư nên rất vui, vừa nhìn mẹ vừa cười rạng rỡ. Nhưng lúc bác sĩ làm phác đồ điều trị và dự trù chi phí, mình không biết nên vui hay buồn. Riêng tiền điều trị là 4,5 tỷ đồng, tính thêm các dịch vụ hay ăn ở trong 6 tháng ở đây, tổng chi phí rơi vào khoảng 5 tỷ - con số rất lớn với gia đình mình.
Mình đòi về. Nhưng bố mẹ không đồng ý, mình bảo lưu một học kỳ để ở lại chữa bệnh.
Cậu bạn đang tích cực điều trị ở Singapore
Hiện tại, mình đã đi được hơn một hành trình điều trị đợt 2, cơ thể đã hết tế bào ung thư và đang trong giai đoạn điều trị gen để không sản sinh thêm tế bào ung thư mới.
Một ngày ở Singapore, nếu không điều trị thì mình sẽ học các chứng chỉ liên quan ngành học như chứng chỉ nhân sự, marketing và truyền thông. Mình cũng học TOEIC để có thể thi luôn sau khi về nước. Ngoài ra mình cũng tranh thủ khám phá những điều mới mẻ ở đất nước này và làm TikTok, chia sẻ hành trình của mình vì muốn lan tỏa năng lượng tích cực, giúp những người đang loay hoay vượt qua khó khăn.
Với những bình luận gọi mình là con nhà giàu, nếu theo phản ứng thông thường thì mình sẽ cảm thấy rất khó chịu. Nhưng có lẽ những người đó và người thân của họ chưa từng gặp phải điều mà mình đã trải qua.
Khi bạn cận kề cái chết thì người thân sẽ tìm mọi cách, kể cả bán hết tài sản có thể cứu lấy mạng sống. Đó cũng là một kiểu dạng hạnh phúc lạ lùng mà mình không mong ai trong số họ nhận được.
Một số người lại bảo bệnh tật thì có gì hay ho đâu mà khoe lên mạng. Có lẽ họ nghĩ mình đang làm quá hoặc đang lấy bệnh tật ra để tự hào, để làm nội dung. Nhưng mình nghĩ bản thân sẽ làm tất cả, miễn là không để bản thân rảnh rỗi và tự chìm vào buồn bã.
Thật ra mình cũng lường trước được những phản ứng này nên đã hỏi ý kiến bố mẹ trước khi chia sẻ cuộc sống của mình lên mạng. Bố mẹ chấp thuận và bây giờ cũng lên xem clip, đọc bình luận của mọi người và không có ý kiến gì. Nhưng nếu bình luận nào quá toxic, mình sẽ block hoặc xóa đi.
Căn bệnh khủng khiếp này đã dạy mình nhiều điều như là chuyện dừng đặt câu hỏi “Tại sao cuộc đời này bất công với tôi?” mà chuyển sang nhìn ra thế giới xung quanh mình, rất nhiều người cũng trẻ cũng bị bệnh và họ sống lành mạnh. Mình cũng sẽ cùng họ vượt qua thử thách này.
Khi nằm trên giường bệnh rồi, có 3 điều quan trọng nhất: bản thân, gia đình, mục đích sống.
Trước đây mình cũng không gắn kết nhiều với gia đình, không chú trọng đến tâm trạng của bản thân, bị cuốn theo những làn sóng, fomo theo trend hay câu chuyện người khác. Bây giờ mình bình tĩnh hơn, biết mình là ai, mình phù hợp với cái gì, mình cần làm gì và gạt bỏ hết những cái không liên quan, chỉ tập trung vào những điều mình thực sự mong muốn.
pv
Ba thứ hữu ích nhưng khách thường quên mang lên máy bay
Chăn gối, tai nghe, bút bi là những thứ tưởng không liên quan, nhưng mang lại sự thuận lợi đáng kể cho hành khách khi lên máy bay.