Chiếu phim về nạn nhân da cam tại Việt Nam ở trụ sở Thượng viện Mỹ
Trưa 28/6/2017 (giờ Mỹ), tại trụ sở Thượng viện Mỹ đã có buổi trình chiếu bộ phim "Chau - Beyond the Lines". Đây là một hoạt động trong nỗ lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
01:38 03/07/2017
Sự kiện được tổ chức bởi War Legacy Project - tổ chức đã có nhiều năm giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh và sự bảo trợ của Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy. Tại buổi chiếu, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quan hệ hai nước, trong đó có việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và chất độc da cam tại Việt Nam.
Ông cũng hy vọng, các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ phía dư luận Hoa Kỳ trong tương lai. Trong phần phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy và các cộng sự đã luôn ủng hộ Việt Nam. Đại sứ đặc biệt cảm ơn đạo diễn Courtney Marsh đã giành 8 năm để thực hiện bộ phim trung thực, gây xúc động này.
Bộ phim “Chau, beyond the lines” (Châu, vượt trên những nét vẽ) dài 35 phút, kể về cuộc đời của Lê Minh Châu - một thiếu niên Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Niềm tin của Châu đã truyền cảm hứng cho cả các em nhỏ khác sống cùng trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật với mình. “Chau, beyond the lines” được đề cử cho nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó có đề cử hạng mục “Phim Tài liệu ngắn xuất sắc nhất” tại Oscar 2016.
Qua bộ phim tài liệu này, đạo diễn Courtney Marsh muốn truyền tải tới khán giả thông điệp về hiện thực tàn khốc mà các nạn nhân đang phải trải qua do chất độc da cam. Đoàn làm phim cũng kỳ vọng sự chung tay của mọi người để giải quyết vấn đề nhân đạo nóng bỏng này.
Từ năm 2007, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động chương trình tẩy độc dioxin tại vị trí các căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Việt Nam và hỗ trợ các nạn nhân ở các vùng bị nhiễm độc dioxin nghiêm trọng. Trong những năm qua, dưới sự thúc đẩy của Thượng Nghị sĩ Leahy, Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện Mỹ đã giải ngân 201,2 triệu USD cho các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam, góp phần đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về nhân đạo.
Lê Quang Vinh
Thêm tiếng nói công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Tòa án quốc tế khẳng định Monsanto phải chịu trách nhiệm về chất độc da cam tại Việt Nam nhưng tập đoàn này vẫn ngoan cố chối bỏ.