Chính sách hỗ trợ tài chính vô điều kiện khi du học Mỹ
Nếu từng có ý định và tìm hiểu về việc du học Mỹ, chắc hẳn các bậc phụ huynh và học sinh cũng biết rằng chi phí du học tại đây không hề rẻ. Mỹ nằm trong số những nước có chi phí giáo dục, du học cao nhất thế giới.
21:17 09/03/2017
Đặc biệt, nếu đích đến của du học sinh là những trường đại học hàng đầu thì hãy chuẩn bị tâm lý tốn ít nhất 40 – 50 ngàn USD/năm (tương đương 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng) chưa kể tiền ăn ở, bảo hiểm và những chi phí khác.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một trong những điểm đến thu hút du học sinh nhất thế giới nhờ vào các chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính hào phóng. Một trong những loại hình hỗ trợ tài chính đáng mơ ước nhất khi du học tại Mỹ chính là gói hỗ trợ tài chính vô điều kiện (need-blind admission).
Hiện thực hóa giấc mơ du học Mỹ
Một trong những gói hỗ trợ tài chính đặc trưng nhất mà du học sinh phải nhắc đến khi nói về là loại hình hỗ trợ tài chính vô điều kiện. Những trường đại học có chính sách này sẽ tuyển sinh chỉ dựa vào thực lực và khả năng của học sinh, không quan tâm đến khả năng tài chính, khả năng chi trả của gia đình và học sinh đó.
Chính sách này có thể được áp dụng với tất cả học sinh bao gồm cả học sinh quốc tế hoặc chỉ được áp dụng với học sinh bản xứ. Tinh thần của gói hỗ trợ tài chính này chính là việc nhà trường sẽ đài thọ toàn bộ chi phí học hành, ăn ở mà học sinh không có để bảo đảm tất cả học sinh được nhận sẽ có đầy đủ điều kiện để theo học tại trường. Cùng có chế độ hỗ trợ tài chính vô điều kiện, chính sách hỗ trợ của mỗi trường có thể khác nhau.
Rất nhiều trường tại Mỹ có chính sách hỗ trợ tài chính vô điều kiện cũng mở rộng cửa với du học sinh quốc tế không khác gì học sinh bản xứ. Trong số những trường đại học có chính sách hỗ trợ tài chính vô điều kiện, có 6 trường có chính sách hỗ trợ cho sinh viên quốc tế.
Thật trùng hợp khi đây đều là những trường đại học danh giá và sở hữu những điều kiện “khó nhằn” nhất trên toàn nước Mỹ: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard, Đại học Princeton, Đại học Yale, Đại học Dartmouth và Đại học Amherst.
Vậy hỗ trợ tài chính vô điều kiện thật ra bao gồm những điều khoản gì? Nói một cách dễ hiểu, khi bạn được nhận học, nhà trường sẽ hỗ trợ bạn đến mức tối đa để bảo đảm bạn có thể hoàn thành việc học của mình với điều kiện tài chính hiện có.
Hỗ trợ tài chính không phải là lời hứa sẽ chi trả hoàn toàn học phí cho bạn, mà nhà trường sẽ dựa vào tình hình tài chính thực tế của gia đình để quyết định xem khoản đóng góp của bạn cho nhà trường là bao nhiêu. Ngoài ra, nhà trường còn có thể sắp xếp cho bạn một khoản vay cũng như một công việc tại trường trong suốt thời gian học để bạn có thể kiếm tiền góp thêm cho việc học của mình.
Nói ngắn gọn, phần đóng góp của gia đình theo tình hình tài chính + khoản vay + tiền từ việc làm thêm trong khuôn viên trường + sự hỗ trợ tài chính của nhà trường = toàn bộ chi phí bạn cần để hoàn tất việc học đại học.
Những trường đại học có chính sách hỗ trợ tài chính vô điều kiện cho sinh viên quốc tế
Như đã nói, dù rất nhiều trường đại học tại Mỹ có chính sách hỗ trợ tài chính vô điều kiện nhưng chỉ có 6 trường kể trên là áp dụng chính sách này một cách rộng rãi và hào phóng.
Đây là tin vui với các học sinh nhưng để nhận được niềm vui ấy không hề dễ dàng. Đây là 6 trong số những trường đại học nổi tiếng và danh giá nhất nước Mỹ, xếp ở nhóm đầu trên bảng xếp hạng toàn thế giới. Chỉ cần được 1 trong số 6 trường đại học này chấp thuận, bạn đã rất xứng đáng để được nhận hỗ trợ tài chính cho việc học của mình rồi.
Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là trường đại học được xếp hạng đầu ở rất nhiều bảng xếp hạng trên thế giới. Đó chính là ngôi trường trong mơ của tất cả các sinh viên công nghệ trên khắp thế giới.
Là cái nôi của những nhà khoa học, kỹ thuật hàng đầu thế giới, MIT hằng năm luôn tìm kiếm những ứng viên thông minh, siêu việt nhất, mang đến cho họ những cơ hội học tập, nghiên cứu với các công nghệ hiện đại nhất.
Đại học Harvard là cái tên mà không cần phải giới thiệu gì thêm. Đây có lẽ là trường đại học được nhắc đến nhiều nhất, được mơ đến nhiều nhất trên toàn thế giới.
Những sinh viên được Đại học Harvard chấp thuận thường phải có bảng thành tích hoàn hảo, hoạt động xã hội tích cực, có một số tài lẻ và phần nào đó có những ước mơ muốn thay đổi xã hội và thế giới.
Được vào học tại Harvard có nghĩa bạn sẽ được trở thành bạn học của những nguyên thủ quốc gia, những “ông chủ” tương lai của các tập đoàn lớn.
Đại học Princeton cũng không hề kém cạnh MIT, Harvard hay bất cứ trường đại học nào khác về danh tiếng, xếp hạng hay chất lượng giáo dục.
Là một trong những trường đại học lâu đời và tráng lệ nhất nước Mỹ, Princeton có triết lý giáo dục khá đặc thù. Đại học này không có những trường riêng biệt dạy về Y tế, Kinh tế hay Luật (như Harvard) mà chú trọng hơn đến việc giúp học sinh trau dồi kỹ năng nghiên cứu và tư duy.
Đại học Yale cũng là một cái tên hoàn toàn ngang hàng với MIT, Harvard và Princeton. Yale và Harvard là hai trường đại học có khá nhiều điểm tương đồng: danh giá, có những đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào của ứng viên và là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà lãnh đạo tương lai.
Đại học Dartmouth là một cái tên không còn xa lạ với sinh viên trên khắp thế giới. Thường xuyên góp mặt trong top 10 những trường đại học quốc gia của Mỹ, không có gì lạ khi hằng năm lượng hồ sơ đổ về Dartmouth là rất lớn.
Với tỷ lệ chấp thuận xấp xỉ 10%, có thể nói không dễ để được nhập học ở Dartmouth nhưng rõ ràng đây là phần thưởng xứng đáng để làm mục tiêu phấn đấu cho học sinh.
Đại học Amherst là cái tên cuối cùng, cũng có thể xem là “em út” về quy mô so với 5 trường đại học đã đề cập. Là một trường đại học khai phóng (liberal arts college) nhỏ với sĩ số sinh viên ít hơn 5 trường đại học kể trên nhưng không vì thế mà Amherst kém cạnh về chất lượng cũng như độ danh giá.
Là trường đại học khai phóng nên Amherst có triết lý giáo dục tập trung vào việc đào tạo ra những sinh viên toàn diện, có khả năng suy luận và thích nghi cao cũng như mang đến cho sinh viên một môi trường học tự do, ấm cúng đặc trưng của các trường đại học khai phóng.
Wikileaks: CIA âm mưu biến ô tô thành vũ khí ám sát không để lại dấu vết
Các tư liệu được Wikileaks tiết lộ gần đây cho biết, Cục Tình báo Trung ướng Mỹ (CIA) đã xâm nhập hệ thống kiểm soát của nhiều loại xe ô tô hiện đại, có khả năng thực hiện “ám sát không để lại dấu vết”.