Chính sách mở rộng ghép tạng ở Mỹ bị phản đối

Suốt nhiều năm áp dụng chính sách ưu tiên ghép tạng cho người địa phương, Mỹ quyết định mở rộng phạm vi ghép song bị các bệnh viện phản đối.

05:30 16/05/2019

Wilnelia Cruz-Ulloa sống những tháng cuối đời tại một bệnh viện thành phố New York, chờ đợi lá gan hiến tặng không bao giờ tới. Trước đó, các bác sĩ đã thúc giục người phụ nữ 38 tuổi chuyển tới Florida, nơi có sẵn nhiều nội tạng hơn. Vấn đề là Cruz-Ulloa không đủ khả năng trang trải chi phí đi lại. 

Tại Mỹ, nơi cư trú ảnh hưởng không nhỏ đến cơ may được ghép tạng. Thực tế, một số vùng, đặc biệt là Trung Tây, có lượng nội tạng hiến tạng cao hơn hẳn những nơi khác như New York và California. Suốt hàng chục năm, chính sách cấy ghép nội tạng ưu tiên người dân địa phương, tức là nội tạng được dành cho những bệnh nhân trong cùng khu vực với người hiến.

Vì lý do trên, một số người cần ghép tạng quyết định chuyển chỗ ở. Cựu giám đốc điều hành Apple Steve Jobs vốn sống ở California nhưng được ghép gan ở Tennessee, nơi có thời gian chờ ngắn hơn. Tuy nhiên, khác với Steve Jobs, Cruz-Ulloa không thể rời đi vì vấn đề tài chính. Cô qua đời tháng 10/2018. 

"Người phụ nữ ấy đáng lẽ đã sống nếu các quy định mới có hiệu lực sớm hơn", Sander Florman, bác sĩ phẫu thuật từ Trung tâm Y tế Mount Sinai điều trị cho Cruz-Ulloa ngậm ngùi. 

Wilnelia Cruz-Ulloa (thứ tư từ trái sang) qua đời vì không kịp chờ ghép tạng. Ảnh: AP.

Wilnelia Cruz-Ulloa (thứ tư từ trái sang) qua đời vì không kịp chờ ghép tạng. Ảnh: AP.

Nhằm giảm bớt ảnh hưởng của nơi ở đến cơ hội ghép tạng, Mạng lưới Ghép tạng Mỹ (UNOS) đã đưa ra quy định yêu cầu mở rộng phạm vi chia sẻ gan. Cụ thể, bệnh nhân nguy kịch trong vòng 575 dặm (925 km) tính từ bệnh viện có gan hiến tặng được ưu tiên ghép tạng. Nếu không có đối tượng phù hợp, bộ phận sẽ chuyển cho bệnh nhân ít nghiêm trọng hơn trong cùng phạm vi trên. Tình trạng sức khỏe của người bệnh được bác sĩ chấm điểm dựa trên kết quả xét nghiệm và dự đoán nguy cơ tử vong.

UNOS ước tính hơn 13.000 người Mỹ đang cần ghép gan. Trung bình, cứ mỗi ngày lại có ba người Mỹ chết vì không kịp chờ tạng.

Với chính sách mở rộng phạm vi chia sẻ gan, UNOS kỳ vọng sẽ cứu sống thêm hơn 100 người mỗi năm. Từ cuối năm ngoái, Mỹ cũng mở rộng phạm vi chia sẻ phổi. Chính sách hiến tặng các bộ phận khác cũng đang được thay đổi.

Tuy nhiên, hàng chục bệnh viện, chủ yếu ở Trung Tây, phản đối chính sách mới của UNOS vì cho rằng bất công. Họ chỉ ra người dân nông thôn vốn đã khó tiếp cận y tế, tỷ lệ tử vong cao hơn thành thị. Việc mở rộng phạm vi chia sẻ gan sẽ vô tình giảm cơ may sống của nhóm bệnh nhân nông thôn. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế phải đi xa hơn để thu mua bộ phận cơ thể sẽ khiến chi phí cấy ghép bị đội lên. 

UNOS cam kết sẽ đánh giá lại chính sách ghép gan mới nhưng thừa nhận đây là thách thức lâu dài. Kevin O’Connor, chủ tịch tổ chức thu mua nội tạng LifeCenter Northwest nhận định: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể giải quyết vấn đề công bằng cho đến khi nguồn cung nội tạng vượt quá nhu cầu". 

Theo: Vnexpress

Tags:
Chàng trai hồi sinh sau khi ghép tạng quyết tâm trở thành bác sĩ

Chàng trai hồi sinh sau khi ghép tạng quyết tâm trở thành bác sĩ

Marcus Mehta bị bệnh gan, bác sĩ chẩn đoán chỉ còn vài ngày để sống, may mắn ca ghép gan thành công đã đưa anh trở về với đời.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất