Chơi game, một phương tiện học tiếng Anh hữu hiệu
Ai qua Mỹ cũng phải vất vả học tiếng Anh, phải tìm đủ mọi cách để học. Sách báo, phim ảnh là những phương tiện để học tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên, có một cách để học Anh ngữ mà nhiều người ít biết, thậm chí còn cho là vô bổ. Đó là chơi game.
09:46 05/08/2017
Các bậc cha mẹ coi việc chơi game là vô bổ, và làm ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Chắc hẳn ai cũng từng nói với con mình câu này: “Con phí thời gian chơi game làm gì, có bổ ích gì không?”, hoặc những câu tương tự như vậy.
Nhưng có nhiều điều mà các phụ huynh không biết về game.
Anh Jonathan Vũ, sinh viên đại học Golden West College, kể lại: “Từ hồi nhỏ ở bên Việt Nam, tôi ngồi sau lưng thấy bố chơi cái gì trên máy tính nhìn vui quá, mà xin hoài ông không cho chơi. Lớn lên, bố mua cho cái máy để chơi. Chơi mấy cái game ngôn ngữ phức tạp, chả hiểu gì hết, nên phải vừa chơi vừa tra từ điển.”
“Vừa chơi vừa tra từ điển riết rồi cũng biết sơ sơ tiếng Anh, qua Mỹ cũng bớt phần nào ‘sốc’ văn hóa. Từ nhỏ mà không ham chơi game, chắc qua đây ai nói gì tôi nghe cũng gật gật cho qua chuyện,” anh kể thêm.
Phim ảnh được coi là nghệ thuật vì nhiều lý do: kịch bản, quay phim, diễn xuất, và công sức của hàng trăm người trong nhóm sản xuất.
Game cũng có kịch bản, quay phim, diễn xuất, và cũng có hàng trăm người trong nhóm sản xuất. Nhưng game được coi là vô bổ, và độc hại.
Người ta coi phim để học , vì phim dạy cách phát âm, ngữ cảnh, và vần điệu của câu nói.
Game cũng làm được như vậy, thậm chí còn tốt hơn.
Khi coi phim, người xem chỉ theo dõi câu chuyện của một nhân vật từ đầu đến cuối. Không cần phải hiểu hết những đoạn đối thoại trong bộ phim cũng coi được hết.
Còn khi chơi game, người chơi nhập vai một nhân vật, và dẫn dắt câu chuyện của nhân vật đó từ đầu đến cuối. Các lựa chọn của người chơi có sức ảnh hưởng rất lớn tới cốt truyện. Nếu đọc mà không hiểu các đoạn đối thoại thì làm sao mà biết chọn cái gì để đi tiếp?
Vì cách các game làm người chơi cảm thấy gần gũi với nhân vật, họ phải tìm hiểu thêm về tiếng Anh để phần nào hiểu được các đoạn đối thoại, các thông điệp trong game để hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo sư người Trung Quốc, ông Heping Zhao, dạy văn phạm tiếng Anh tại đại học Cal State Fullerton, cho biết cảm nghĩ về cách học tiếng Anh bằng chơi game: “Thật ra mà nói, tôi cũng không rành về việc này lắm. Nhưng dạo gần đây, tôi thấy tiếng Anh của các sinh viên không phải người bản xứ khá hơn rất nhiều. Tôi hỏi họ làm cách nào mà tiếng Anh giỏi lên như vậy, và rất nhiều người trả lời họ học bằng cách chơi game.”
Những game với cốt truyện hay có thể khiến người chơi bỏ cả trăm giờ để chơi đi chơi lại. Tiếng Anh trong game phải nói là rất phong phú: Giọng Anh, giọng Mỹ, tiếng Anh kiểu cổ, kiểu hiện đại.
Vì diễn xuất trong game chủ yếu là lồng tiếng, nên các đoạn đối thoại, và lời nói của các nhân vật phải được viết rất hay để thu hút người chơi. Diễn viên lồng tiếng cũng phải bỏ rất nhiều công sức, không thua gì một diễn viên thực thụ.
Người ta nhìn thấy cảnh cầm cuốn sách đọc thì dễ chịu hơn, còn nhìn cảnh người ngồi bấm game lách cách thì chưa quen được. Nhưng ngồi đọc mấy cuốn sách vớ vẩn như Twilight thì đọc làm gì? Viết ra cái game hay cũng khó không kém gì viết một cuốn sách, nên xin đừng coi thường các nhà chế tạo game.
Ông Craig Becker, giáo sư dạy chính trị của Golden West College, cho biết: “Game là một phương tiện truyền thông mới, không chỉ dạy tiếng Anh hay, mà còn dạy lịch sử, chính trị rất hay.”
“Tôi với con trai hay ngồi chơi game Metal Gear Solid. Cái game tuyệt vời gì đâu! Kịch bản viết khỏi chê, mấy đoạn đối thoại viết rất kỹ. Không tin nổi cái game nội dung mang tính chính trị Mỹ như vậy mà do một ông người Nhật viết ra. Tôi thấy ai muốn học tiếng Anh thì nên thử cái game này,” ông nói.
Ngoài việc dạy người chơi các căn bản của Anh ngữ, game còn bắt người chơi đem những gì mình học được ra thực hành qua các game mạng.
Trong những game mạng này, người chơi sẽ gặp rất nhiều bạn bốn phương. Để trò chuyện với họ, người chơi chắc chắn phải dùng tiếng Anh, vì đây là ngôn ngữ quốc tế mà ai cũng biết.
Chơi game mạng gặp bạn nước ngoài để nói tiếng Anh thì tốt, nhưng cũng có phần xấu.
Con nít bây giờ kêu cha mẹ dẫn đi mua game, để mua được mấy game có nhãn “M” tức là “mature” dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Thường là mua các game bắn súng, mua về rồi các em lên bắn với người trên mạng, vừa ồn ào, vừa chửi thề.
Cái gì cũng có hai mặt tốt xấu, ráng tìm mặt tốt mà phát huy thôi.
Ngoài gián tiếp dạy tiếng Anh cho người chơi, còn có nhiều game có mục đích giáo dục. Có game dạy đánh máy, game dạy từ vựng tiếng Anh, rất bổ ích.
Anh Jason Omar, một sinh viên gốc Ả Rập tại Cal State Fullerton, cho biết: “Tôi dạy tiếng Anh cho bố mẹ bằng cách để họ chơi mấy loại game giáo dục này. Vừa dạy họ, vừa để họ chơi mấy game này, giờ họ cũng biết nói tạm rồi.”
Với nội dung hay, ngôn ngữ phong phú, game không phải là một thứ vô bổ mà nhiều người nghĩ. Game dạy tiếng Anh, và nhiều thứ khác cho người chơi, có thể còn hay hơn phim ảnh, và sách báo.
20 cách than buồn trong tiếng Anh
Để diễn tả nỗi buồn cũng có nhiều cách nói tương ứng với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong bài này, chúng ta cùng học 20 câu nói về tâm trạng này nhé!